Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất hội tụ rất nhiều người dân từ khắp nơi trên cả nước và người nước ngoài đến định cư, lập nghiệp. Ẩm thực từ đó cũng pha trộn nhiều nét đặc sắc của ẩm thực các vùng miền và hương vị của các quốc gia khác trên thế giới.
Nơi hội tụ món ngon trăm miền
Ở đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn đa dạng và phong phú từ mọi miền đất nước như phở Hà Nội, bún bò Huế, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu... Những món ăn này đã được điều chỉnh để thích ứng với khẩu vị của người dân Nam Bộ, nhưng vẫn giữ cái hồn túy của quê hương, tạo ra một hương vị đậm chất Sài Gòn không nơi nào có được.
Du khách phương xa tới đây còn bị hấp dẫn bởi những món ăn đường phố giản đơn như bánh mì nóng giòn, gỏi cuốn, bò bía, súp cua… Những món ăn này dễ dàng tìm thấy ở khắp các con đường, ngõ hẻm của thành phố. Thành phố còn là nơi tiếp nhận nhiều tinh hoa văn hóa ẩm thực của nhiều nước trên thế giới. Từ khu phố, chợ của phương Đông, đến khu phố, cửa hàng tiện lợi phương Tây, hầu như các món ngon, đặc sản của các nước Âu - Á đều có thể tìm thấy được ngay giữa lòng thành phố.
Từ Nha Trang vào TP.HCM du lịch, chị Trần Kim Lý chia sẻ: “Mỗi lần đến TP.HCM, tôi đều không thể bỏ qua những món như bánh mì, cơm tấm, gỏi khô bò, bánh tráng trộn… Những món ăn này tuy đơn giản, xuất hiện khắp đường phố nhưng chiếm được lòng du khách. Nếu đến đây mà không dành thời gian để thưởng thức ẩm thực thì thật là đáng tiếc”.
Không chỉ được lòng khách nội, những món ngon của TP.HCM cũng làm đắm say bao du khách quốc tế. Mark Wiens, một vlogger nổi tiếng về du lịch và ẩm thực, từng thể hiện sự hào hứng khi thưởng thức các món ăn trứ danh tại TP.HCM. Trong bài đánh giá của mình, Wiens giới thiệu 25 món ăn tuyệt vời tại thành phố không ngủ, bao gồm bánh mì, phở, bún riêu, bún mắm, bún bò Huế, bún thịt nướng, bánh canh....
Để ẩm thực níu chân du khách
Việc phát triển du lịch ẩm thực được ngành du lịch TP.HCM xác định là hướng đi tiềm năng. Thành phố đã phát triển những con phố ẩm thực như: Bùi Viện (Quận 1), phố đi bộ ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung (Quận 10), phố ẩm thực đường Hà Tôn Quyền (Quận 11)…
Ông Lý Sanh - Nguyên chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, cho rằng, ẩm thực là một sản phẩm phục vụ trong du lịch và chiếm 25%, thậm chí ở nhiều địa phương còn chiếm đến 50% các nhu cầu khác. Tại nhiều nơi, khách đi du lịch chỉ ở lại trong những homestay, khách sạn nhỏ còn việc ăn uống được họ chú trọng hơn gấp 2 lần.
“Do đó, ẩm thực mang lại nguồn lợi rất lớn, nếu khai thác tốt, đây sẽ là thế mạnh để phát triển du lịch trong tương lai, góp phần lấy lại vị thế cho ngành du lịch TP.HCM sau đại dịch”, ông Sanh nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh khẳng định: “Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch”.
Du lịch ẩm thực cũng là một trong những sản phẩm "chiến lược” của TP.HCM. Tuy nhiên, để phát triển du lịch ẩm thực không chỉ món ăn ngon là đủ. Kinh nghiệm từ các quốc gia hay điểm đến phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới cho thấy, những món ăn ngon có thể làm du khách hài lòng nhưng một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn có thể khiến du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn để tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá những câu chuyện ẩm thực tại điểm đến.
Theo các chuyên gia, thành phố nên có hệ thống cơ sở dữ liệu ẩm thực đầy đủ, chính xác và toàn diện. Điều này sẽ tạo sự thuận tiện cho du khách dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các món ăn, các thương hiệu ẩm thực.
Bên cạnh đó, cũng cần sắp xếp lại, tổ chức bài bản và nhân rộng các khu vực ẩm thực đường phố sẵn có như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, Nguyễn Thượng Hiền, Cô Giang, Nguyễn Cảnh Chân, Phan Xích Long cùng khu ăn vặt Hồ Con Rùa, An Dương Vương…, với những món ăn đặc trưng, màu sắc, hợp vệ sinh và trật tự mà ai đến thành phố cũng muốn ghé qua thưởng thức. Các món ăn, thức uống cũng cần được đa dạng hóa để du khách có nhiều sự lựa chọn, từ sang trọng đến bình dân.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thành phố là nơi giao thoa của văn hóa đặc trưng các vùng miền, các quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu làm nên những món ăn đặc trưng của thành phố cũng rất phong phú cùng không gian văn hóa ẩm thực phù hợp với nhiều phân khúc khách du lịch đã được hình thành và trải dài trên nhiều quận, huyện.
Thống kê hơn 3 tháng đón khách quốc tế, một số khách sạn 4-5 sao trên địa bàn TPHCM phục vụ lượng khách lớn đến ăn uống, với mức tăng trưởng chiếm 50%-70% tổng doanh thu. Đây là con số rất đáng mừng, khi mà ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đẩy mạnh đón khách quốc tế vào cuối năm nay.
Theo Sở Du lịch TPHCM, hầu hết các tour đưa đón khách đến thành phố đều giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các vùng miền có mặt tại TPHCM. Đó cũng là cách “níu chân” du khách quay trở lại nhiều lần, song song với các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức các tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác.