50 NĂM _ “CÂY MỘT CỘI, CON MỘT NHÀ”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

50 NĂM _ “CÂY MỘT CỘI, CON MỘT NHÀ” - 1

Ảnh: Tượng đài Lý Thái Tổ

Cách đây 50 năm, ngày 8-10-1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình Hà Nội đã diễn ra lễ kết nghĩa giữa ba Thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn. Những người dự Lễ hôm đó có đại biểu nhân dân Hà Nội, có Hội Đồng hương Sài Gòn, Hội Đồng hương Huế đã vui mừng thực hiện lời dạy của Bác Hồ:

Hà Nội, Huế, Sài Gòn

Là cây một cội, là con một nhà

Sài Gòn và đất Phương Nam đều ghi nhớ công lao của bao thế hệ Thăng Long, Phú Xuân đã tiến về Nam mở mang bờ cõi. Không có những đạo quân và nông dân của đất “Ngũ Quảng” là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên – Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi đi xây dựng quê hương mới ở Phương Nam thì không có Sài Gòn hôm nay. Đất “Ngũ Quảng” lại được hình thành từ dân của đất Thăng Long – trong đó chủ yếu là dân đinh Thanh Hóa – theo Chúa Nguyễn Hoàng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, hiểu rõ nguồn gốc của mình để luôn hướng về Hà Nội.

50 NĂM _ “CÂY MỘT CỘI, CON MỘT NHÀ” - 2

Ảnh: Ngọ Môn – Huế

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Tình nghĩa đó tạo nên sự gắn bó keo sơn giữa Sài Gòn, Huế và Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ khi giặc Mỹ đánh phá Hà Nội và miền Bắc, thì quân và dân miền Nam đều kêu gọi trả thù “Giải phóng Miền Nam và bảo vệ Miền Bắc”.

Người dân Huế - Phú Xuân đều hiểu rằng: Đất Phương Nam là cháu con ruột rà, các thế hệ nối tiếp nhau của mình những Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương... và con em của Phú Xuân đã tạo nên một đất Phương Nam trù phú như hiện nay. Người Huế đã góp mặt trong đại quân của Hoàng đế Quang Trung tiến về giải phóng Đông Đô. Sài Gòn là trung tâm chính trị của cả nước trong cuộc đấu tranh Cách mạng “Miền Nam đi trước về sau”. Sài Gòn là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ những cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương, của Phong trào Dân chủ, Phong trào Học sinh Sinh viên miền Nam, chịu đựng bao vất vả, hy sinh để đưa Huế giành chiến thắng và giải phóng Sài Gòn, là nơi tiễn đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Huế ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911) và là thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ từ 1946. (Quốc hội khóa I năm 1946 đã đặt tên Sài Gòn là TP.HCM, đến năm 1976, Quốc hội đã chính thức công nhận Sài Gòn là TP.HCM). Huế gắn bó với Sài Gòn nơi cùng chung chiến trường, chung ngọn cờ giải phóng.

50 NĂM _ “CÂY MỘT CỘI, CON MỘT NHÀ” - 3

Ảnh: Bến Nhà Rồng

Hà Nội – Thăng Long là mảnh đất in dấu chân của Hoàng đế Quang Trung xuất phát từ Phú Xuân ra đánh trận cuối cùng tiêu diệt quân Thanh ở Gò Đống Đa. Hà Nội là trái tim của cả nước; có trách nhiệm cổ vũ và chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Người Hà Nội cùng với hậu phương lớn với trách nhiệm cao cả đã gửi con, gửi súng đạn cho miền Nam, cho Huế, Sài Gòn “Tất cả cho tiền tuyến”.

Hà Nội là nơi đã in dấu chân Bác Hồ từ Cách mạng Tháng Tám đến những ngày cuối đời. Hà Nội khắc ghi bước chân của Bác từ Nghệ An, đến Huế, đến Sài Gòn rồi trở về Hà Nội. Dấu chân Bác đã đem về cho ba thành phố đứng sát bên nhau với những kỷ niệm vô giá. Hà Nội chỉ ân hận là không kịp tiễn Bác về Huế, về Sài Gòn để nối ba thành phố kết nghĩa trong ngày chiến thắng của dân tộc.

Với những đặc điểm độc đáo, với tình nghĩa vô giá, với trách nhiệm cao cả đã mặc nhiên gắn kết ba thành phố anh em thành một, dựa vào nhau, giúp đỡ nhau để tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, ba thành phố lại càng trở nên gắn bó chặt chẽ từ sự phát triển của mỗi thành phố, tạo thế tạo lực cho các thành phố anh em vươn lên cùng đi tới.

Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh xông vào cuộc đổi mới, tạo nên đường đi cho cả nước trong đó có Huế, Hà Nội, và đang trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa có nhiều tiềm năng để hỗ trợ cho Huế, Hà Nội.

Hà Nội vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước với tầm cao và tầm rộng. Hà Nội đang phát triển mạnh để thành một trong các thành phố lớn của thế giới.

Cả ba thành phố từ “Cây một cội, con một nhà” đang dựa vào nhau, giúp đỡ nhau tạo nên sức mạnh lớn để các tỉnh, thành phố cả nước học tập và phấn đấu đưa Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Đ.P


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT