VOI, CÀ PHÊ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẮK LẮK

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VOI, CÀ PHÊ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẮK LẮK - 1    
Ông Phạm Tâm Thanh – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk

 

 

 

 

Ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua luôn trăn trở, phấn đấu. Riêng Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều Đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đến với các địa phương bạn trên cả nước để quảng bá và xúc tiến cho du lịch Đắk Lắk. Để tìm hiểu về hoạt động đặc thù của Ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ông Phạm Tâm Thanh – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk:



  • Phóng viên: Ông có thể giới thiệu về một số hoạt động của Ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua? Số lượng khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ… có hoạt động nổi bật?

- Ông Phạm Tâm Thanh: Theo tôi, trong những năm qua Ngành Du lịch Đắk Lắk rất được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp các ngành, các địa phương. Đặc biệt, là sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách của các doanh nghiệp du lịch đã góp phần làm cho lượt khách và doanh thu du lịch tăng trưởng hàng năm. Hệ thống cơ sở lưu trú tăng nhanh, hiện nay toàn tỉnh có 53 khách sạn và 96 nhà khách, nhà nghỉ với tổng số 2.730 phòng. Trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 03 khách sạn 3 sao, 04 khách sạn 2 sao và 03 khách sạn 1 sao; Hiện nay, có 12 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 04 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; Tổng số lao động trực tiếp hoạt động du lịch hơn 1.900 người; một số điểm du lịch, khu du lịch được các doanh nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển như Khu Du lịch hồ Lăk, Buôn Đôn, Thác Krông Kmar, Thác Dray Nur...; Các công ty lữ hành lớn khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, đã đến để khảo sát, liên kết mở tuyến du lịch đưa khách đến với Đắk Lắk, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương; Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tỉnh được kiện toàn đã nâng cao vai trò trong việc chỉ đạo điều hành, thúc đẩy hoạt động du lịch tỉnh nhà phát triển; Hiệp hội Du lịch tỉnh từng bước cũng cố kiện toàn là cầu nối, tập hợp, đoàn kết Hội viên để hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và chất lượng dịch vụ của Ngành; Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được Chính phủ thống nhất cho phép tổ chức 2 năm/ lần vào dịp kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột. Bên cạnh kết quả đạt được, Ngành Du lịch Đắk Lắk cũng còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là: thực trạng đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; một trong những thế mạnh của sản phẩm du lịch của tỉnh là Voi, nhưng việc đầu tư để bảo tồn, phát triển và sử dụng đàn voi nhà phục vụ cho hoạt động du lịch, duy trì một sản phẩm du lịch có chất lượng cao, chưa được quan tâm đúng mức nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch, số lượng đàn voi nhà ngày càng giảm sút; việc kêu gọi đầu tư vẫn rất khó khăn. Các dự án về du lịch được các nhà đầu tư đăng ký nhiều, nhưng tiến độ triển khai còn rất chậm; sản phẩm du lịch chưa thật sự độc đáo, chất lượng dịch vụ, phục vụ còn hạn chế, chương trình du lịch còn nghèo nàn, trùng lắp chưa hấp dẫn du khách, thời gian lưu trú bình quân của du khách quá ngắn; việc Pháp lý hóa một số Lễ hội của địa phương và tổ chức theo định kỳ trong năm tạo điều kiện cho Ngành Du lịch có cơ sở giới thiệu, quảng bá và thiết kế chương trình du lịch mời gọi du khách đến Đắk Lắk chưa được quan tâm đúng mức.

VOI, CÀ PHÊ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẮK LẮK - 2

  • Theo Ông, trong thời gian vừa qua, tour du lịch nào ở Đắk Lắk thu hút du khách nhiều nhất? Riêng với “Tour Du lịch tìm hiểu về cà phê Buôn Ma Thuột” có được sự hưởng ứng của các Công ty Du lịch Lữ hành TP.HCM ?

- Theo tôi, Ngành Du lịch Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phát triển sản phẩm du lịch, dựa trên thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch văn hoá, các doanh nghiệp lữ hành đã khảo sát và tổ chức nhiều tour du lịch như thám hiểm rừng Nam Ka, dã ngoại Vườn Quốc Gia Yok Đôn, thăm các buôn làng đồng bào dân tộc bản địa như Buôn Ako Dhong, Buôn Jun, tham quan các thác nước, các di tích lịch sử Cách mạng như nhà Đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao, Bảo tàng, tổ chức các chương trình văn nghệ cồng chiêng … Đặc biệt là các Khu Du lịch Hồ Lắk, Khu du lịch Văn hóa Sinh thái Buôn Đôn được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các công trình dịch vụ, để đáp ứng nhu cầu tham quan danh thắng và tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, nên thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Đắk Lắk. Việc xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính đặc thù như tour du lịch cà phê để tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê đang được doanh nghiệp lữ hành địa phương quan tâm đầu tư và được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của các doanh nghiệp lữ hành khắp nơi và thu hút được một lượng khách rất đông tham gia khám phá tour du lịch này.

VOI, CÀ PHÊ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẮK LẮK - 3

  • Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk có chương trình hoặc hoạt động nào để hỗ trợ cho nghề nuôi voi ở Đắk Lắk được phát triển, hướng đến phục vụ du lịch đa dạng hơn?

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng đàn voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện hỗ trợ cho chủ voi và bảo vệ sức khoẻ cho voi trong việc tham gia phục vụ du lịch góp phần duy trì một sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch khi đến tham quan tại Đắk Lắk. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn Voi – thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đang trong giai đoạn đi vào tổ chức hoạt động; chúng tôi rất hy vọng Trung tâm này sẽ tiến hành chăm sóc, bảo vệ và duy trì sức khỏe cho đàn voi nhà của tỉnh ngày một tốt hơn.

  • Ông có thể giới thiệu một số hoạt động của Ngành Du lịch Tỉnh Đắk Lắk từ nay đến cuối năm 2011 ?

- Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 và thúc đẩy du lịch Đắk Lắk phát triển trong những năm tiếp theo thì Ngành Du lịch Đắk Lắk cần phải thực hiện tốt các công việc sau: Sớm hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2030 ; kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tỉnh; Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Ngành Du lịch, nhằm từng bước nâng cao trình độ của lao động du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ du lịch; tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh Đắk Lắk thông qua các hội chợ triển lãm, các lễ hội, đặc biệt hưởng ứng các hoạt động du lịch của Năm Du lịch Quốc gia “Phú Yên - Năm 2011” nhằm đưa hình ảnh Đắk Lắk đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk; Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk tích cực vận động các doanh nghiệp triển khai lập quy hoạch cụ thể phân khu chức năng trong các khu du lịch, điểm du lịch trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho việc tổ chức công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đồng thời làm cơ sở lập các dự án đầu tư, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của hoạt động du lịch; Tiến hành khảo sát, xây dựng, khai thác các tuyến du lịch trên từng địa bàn theo đúng quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; thường xuyên tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, nhất là tại các khu vực trung tâm, địa bàn du lịch, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong kinh doanh du lịch để tạo sự lành mạnh trong hoạt động du lịch.

VOI, CÀ PHÊ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẮK LẮK - 4

  • Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông có suy nghĩ gì về vấn đề cấp thẻ Hướng Dẫn viên du lịch quốc tế? Về việc xây dựng logo và slogan biểu tượng của Ngành Du lịch Việt Nam hiện nay và trong tương lai ?

- Việc cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch nói chung và cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, được chúng tôi triển khai thường xuyên và rất thuận lợi, vì cơ sở Pháp lý cho vấn đề này rất đầy đủ và được quy định rõ ràng, đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho các Hướng dẫn viên và doanh nghiệp trong việc làm thủ tục hồ sơ để cấp thẻ. Hiện chúng tôi đã cấp 26 thẻ Hướng dẫn viên du lịch trong đó có 11 thẻ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 15 thẻ Hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Việc xây dựng logo và slogan biểu tượng của Ngành Du lịch Việt Nam hiện nay và tương lai, là việc làm cần thiết, nhưng cần phải có kế hoạch xây dựng qua từng thời kỳ, để tạo sự mới mẻ và ấn tượng cho du lịch Việt Nam.

  • Xin cảm ơn Ông và xin chúc hoạt động của Ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk gặt hái nhiều thành tích mới!

T.H

(Thực hiện)


 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT