THÊM MỘT QUAN NIỆM VỀ PHỤ NỮ ĐẸP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 THÊM MỘT QUAN NIỆM VỀ PHỤ NỮ ĐẸP - 1Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn

Không ít lần ta bắt gặp người viết ứa nước mắt, không cầm được nước mắt, rưng rưng cảm động khi nhắc đến cảnh ngộ, khi trích dẫn một câu thơ, khi kể lại một câu chuyện tình yêu. Lê Minh Quốc đã thực sự dẫn dụ người đọc khi phân tích những câu thơ của Phạm Thái, Nguyễn Du, Bích Khê… trong phần “Hương gây mùi nhớ”; hay khi phân tích câu ca dao quen thuộc: “Mình nói với ta mình hãy còn son/ Ta đi qua ngõ thấy con mình bò/ Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi gánh nước tắm cho con mình” trong phần “Vớt hương dưới đất”. Lê Minh Quốc cũng thật thấu đáo khi đưa tặng người đọc những câu thơ tình yêu tuyệt đẹp, đồng thời cũng phân tích thật sâu sắc câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà” của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Hình ảnh Thúy Kiều, cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều trở đi trở lại trong hầu hết các bài viết của Lê Minh Quốc như một ám ảnh, một giằng xé. Có thể nói, Thúy Kiều là hình ảnh choáng ngập các trang viết của tập tạp bút này.

Tôi vẫn nghĩ, tạp bút là thể văn khó. Thể văn này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu rộng, một cách suy nghĩ sắc sảo, một khả năng liên tưởng tinh tường và kỹ năng buông bắt nhanh nhạy.

Với một nguồn sử liệu, văn liệu tương đối dồi dào, với những trải nghiêm cần thiết, với sự nhạy cảm của một nhà thơ, Lê Minh Quốc đã góp thêm một thành công cho thể loại văn học này, cùng tác phẩm Gái đẹp trong tôi. Cách dẫn dắt sự kiện, cách liên tưởng, phân tích của Lê Minh Quốc ở một số bài viết đã thực sự lôi cuốn người đọc. Có thể nhắc đến ở đây vài ví dụ như “Hương gây mùi nhớ”, đã được bắt đầu từ Mùi nhớ, rồi dẫn thơ Bích Khê, dẫn thơ Nguyễn Tuân, rồi quay lại với Bích Khê, để, cuối cùng, trở về với Mùi nhớ; hay “Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” khi tác giả bàn về sự cao thượng trong tình yêu, sự chung thủy, cách xử sự trong tình yêu bằng những mối tình của các danh nhân như Hải Thượng Lãn Ông, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu…

Lê Minh Quốc sử dụng nhiều văn liệu cho các bài viết của mình. Anh thường dẫn đúng, trích đúng nên văn liệu đã góp phần đích đáng cho sự thành công của anh. Lê Minh Quốc đã tạo được giọng văn, nhịp văn của riêng anh. Có thể gọi đây là cái giọng, cái nhịp của đời sống phố phường hiện đại chăng.

Có thể, do ngữ khí của mình, đôi khi tác giả cũng lớn lối, cũng có những kết luận còn vội vàng, còn khiên cưỡng. Lê Minh Quốc nhiều lúc thấu tình đạt lý và đôi khi đạt lý mà chưa thấu tình; hay tình thì thấu mà lý chưa thông. Dù vậy, Lê Minh Quốc, một lần nữa, góp thêm cho người đọc một quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nũ và quan niệm về người phụ nữ đẹp.

Tôi nghĩ, cuốn sách sẽ được bạn đọc, nhất là bạn đọc nữ đón nhận.

Y.N

(Nhà Xuất bản Văn hóa-Văn nghệ,

ấn hành Quý II, năm 2011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT