NHỚ NHỮNG CÁI TẾT KHÁNG CHIẾN
Nhà báo Đinh Phong – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM:
NHỚ NHỮNG CÁI TẾT KHÁNG CHIẾN
Gặp gỡ Nhà báo Đinh Phong trong không khí mọi người, mọi nhà chuẩn bị đón năm mới Giáp Ngọ 2014 đầy chộn rộn, chúng tôi được nghe Ông kể về những kỷ niệm đẹp và ấn tượng về những cái tết trong Kháng chiến
…Hôm nay, trên TP.Hồ Chí Minh giữa rực rỡ đèn hoa, thấy mọi người chuẩn bị sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc đón Tết đến, tôi (Nhà báo Đinh Phong) lại nhớ đến những cái Tết trong kháng chiến, thương anh em Bộ đội thường không có cái Tết trọn vẹn. Bởi trong những ngày Tết đến, bọn địch luôn kiếm cớ đánh phá nên nhiều anh em Bộ đội và anh em Du kích trong căn cứ chống càn hy sinh. Cứ nghĩ đến, lại vừa thương anh em hy sinh, lại vừa thương anh em trong những ngày Tết gian khổ, chỉ có cơm độn với củ mì, củ mài, củ trục, rau rừng, muối. Không có thịt, cá, bánh trái gì nhiều, mà bom đạn thì giặc đánh cả ngày. Với tôi, có những cái Tết trong kháng chiến đã để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên…
Tết ở Trường Sơn (1965)
Chúng tôi rời khỏi miền Bắc cuối năm 1964, cho nên mọi người ai cũng dự đoán rằng Tết năm ấy sẽ ăn Tết trên Trường Sơn, nên tất cả mọi người trong Đoàn khi đi đều chuẩn bị một món quà để ăn Tết trên Trường Sơn. Phần tôi, Má cho một gói mứt gừng và mấy gói trà mang theo, còn các anh em khác cũng đều có trà, kẹo, và thuốc lá để ăn Tết trên đường Trường Sơn. Đúng như dự đoán, vào cuối năm, tháng 12, chúng tôi vẫn còn đang hành quân trên dãy Trường Sơn. Nửa tháng đầu tiên rất vất vả, vì tôi là thanh niên miền Bắc sống trong hòa bình, mà lần đầu tiên leo lên Trường Sơn, trời mưa gió rất lớn, đồ đạc mang nặng, nên anh em rất đuối sức, ai cũng mơ ước có được một ngày nghỉ để củng cố đôi chân, củng cố tinh thần, củng cố lại sức khỏe. Nhưng hành quân liên tục, ngày nào cũng hành quân từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều tối, nên không có lúc nào nghỉ. Dạo ấy, vào cuối năm nên ai cũng mơ ước năm nay được nghỉ để ăn Tết, vì đường đi còn dài đi phải 5- 6 tháng, hôm ấy là 30 Tết rồi sáng sớm chúng tôi vẫn phải hành quân, đến 5 giờ chiều đang trên đường hành quân thì được lệnh Trung ương cho chúng tôi nghỉ 2 ngày ăn Tết. Ai cũng rất mừng, chiều 30 chúng tôi nghỉ lại ở trên vùng đất Trường Sơn ở gần ngã 3 Biên giới Lào – Việt Nam – Campuchia, trạm giao liên dừng chân là trên đất chiến khu Quảng Nam. Hôm ấy, chúng tôi căng võng nghỉ và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam có tặng Đoàn chúng tôi một con heo. Đêm đó, chúng tôi tổ chức đón Tết trên Trường Sơn, anh em bày dưới mặt đất bánh kẹo, đốt lửa nấu nước trà uống, ăn kẹo và hò hát những bài cho đỡ nhớ nhà để khích động tinh thần nhau, để tiếp tục hành quân vì đường hành quân còn dài lắm. Anh em ai cũng vui, Giao thừa mọi người mở radio nghe tiếng Bác Hồ chúc Tết, anh em tổ chức ca múa hát rất vui, các cô giáo trong Đoàn lấy mền quấn làm thành váy múa điệu múa Nga. Chúng tôi ăn Tết ở đó chỉ với mấy miếng thịt heo, còn chủ yếu là lương khô và thịt ruốc kho mặn, trong thời gian này bà con dân tộc nghèo nghe tin Bộ đội ta tới, họ đem thức ăn, heo, gà, chuối tới đổi lấy quần áo của Bộ đội, nên có một nhóm anh em đổi được heo, gà làm thịt bổ sung thêm ăn Tết. Chúng tôi được nghỉ đêm 30 và mùng 1, sáng mùng 2 lại tiếp tục lên đường hành quân mãi cho đến 3 tháng sau mới tới được Nam bộ. Vậy là cái Tết ở Trường Sơn chúng tôi vẫn có trà, thuốc lá, kẹo, mứt mang từ Miền Bắc và có cả hát hò. Các anh em có gia đình thì rất nhớ nhà, nhưng hầu hết các thanh niên trẻ như chúng tôi thì rất phấn khích, vì lần đầu tiên ăn Tết trên Trường Sơn. Tuy nhớ nhà nhưng lại rất vui.
Tết Junction City (1967)
Lúc này, chúng tôi về Căn cứ gần Biên giới, năm ấy vào lúc gần Tết thì Sài Gòn tổ chức đánh phá căn cứ, và Mỹ mở cuộc càn Junction Cityđánh vào căn cứ, hầu hết các cơ quan không có ai ăn Tết được, lo gói ghém đồ đạc chống càn. Giặc Mỹ đánh liên tục đến hơn nửa năm, nên vừa chống càn vừa tìm căn cứ mới, để đưa phụ nữ và trẻ em né tránh. Vì vậy, năm đó mọi người không có cái Tết.
Tết Mậu Thân (1968)
Đây là cái Tết mà chúng tôi chuẩn bị xuống đường, cuối năm 1967 chúng tôi chuẩn bị tiến về Sài Gòn nên các cơ quan không ăn Tết hoặc được tổ chức ăn Tết sớm. Lúc ấy, chúng tôi rất phấn khởi vì đây là trận đánh cuối cùng và định không quay lại rừng nữa, nên khi đi chúng tôi đã đánh sập nhà, đâm thủng nồi. Bộ phận nào xuống đường trước đã tiến về gần Sài Gòn, thì được bà con, đồng bào cho ăn Tết rất vui cũng có bánh Tét, bánh Ú. Bộ phận nào đi sau thì cũng cơm vắt xuống đường và không ăn Tết, trên dọc đường đi đêm 30 thì dừng chân bên vệ đường mở radio nghe thư Bác Hồ chúc Tết. Đêm 30, Tổng tấn công, có nhiều anh em trong cuộc Tổng tấn công hy sinh trong ba lô vẫn còn bánh Tét của đồng bào cho. Tết năm ấy, anh em được đồng bào cho ăn Tết trước 2 ngày rất vui, nhưng cũng là cái Tết ác liệt vô cùng.
Tết ở Biên Giới Campuchia vùng Biên giới Tây Nam (1970)
Chúng tôi ở căn cứ, gần nơi Biên giới nên có nếp, có gạo, nên gói được bánh Tét, bánh Ú cho anh em ăn, nhưng ăn Tết chưa xong thì lúc ấy ở bên Campuchia, Lon Nol – viên tướng thân Mỹ đã đảo chính Sihanouk, để liên kết chính quyền Sài Gòn đem quân đánh vùng Biên giới, phá cơ quan kho tàng của chúng ta ở vùng Biên giới. Lúc ấy, Mỹ đưa xe tăng, máy bay cùng với bọn Lon Nol đánh phá Biên giới rất dữ dội, các cơ quan lãnh đạo bị đánh phá, bom pháo bắn suốt ngày đêm. Bọn chúng cho trực thăng tới câu thức ăn, gạo cơm, súng ống, của Quân Giải phóng, kho tàng bị chúng cướp hết, anh em một mặt chiến đấu chống trả quyết liệt, một mặt đưa phụ nữ, trẻ em ra sát Biên giới để tránh. Cuối cùng cũng không có được cái Tết trọn vẹn.
Tết trước ngày Hòa bình (1973)
Năm này, được ở ổn định nên anh em tổ chức ăn Tết, gói bánh, Tết năm nào cũng có bàn thờ Tổ quốc, trên bàn thờ Tổ quốc cũng trang trí bánh trái, đặc biệt Tết năm 1973 thì có ảnh chân dung Bác Hồ. Năm nay, chúng ta chuẩn bị ký Hiệp định Pari, nên Mỹ đánh phá vùng căn cứ chúng ta rất dữ, anh em ăn Tết nhưng bom Mỹ vẫn đánh dữ dội suốt đêm ngày, đặc biệt bom B52 trút xuống dữ dội, anh em phải nằm dưới hầm, có miếng gì ăn được thì cầm trong cái chén, ở dưới hầm và đội B52 mà ăn.
Tết giải phóng đầu tiên (1975)
Đó là cái tết đầu tiên anh em trong vùng căn cứ được ăn Tết không có bom đạn, Tây Ninh là vùng giải phóng của chúng ta, cơ quan đóng tại vùng giải phóng Tân Biên ở sát với đồng bào, nên các anh em trong Trung ương Cục ra với đồng bào ăn Tết. Do vậy, cái Tết này có nhân dân ra đường múa lân, đánh trống, có bánh trái của đồng bào cho, cơ quan cũng có bánh Chưng, bánh Tét. Sau khi ăn Tết xong, mọi người chuẩn bị tiến quân về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.
Tết yên bình, một định nghĩa quá xa vời với anh em Bộ đội, có chăng thì cũng chỉ là những cái Tết trong lùm, trong hầm, không có cái Tết nào trên mặt đất cả. Trong chiến tranh điều kiện rất khó khăn, đâu cũng bom đạn ác liệt, địch càn, đánh phá, anh em phải nấp vào rừng sâu hay xuống hầm, ít mong được cái Tết yên bình vì Tết giặc Mỹ và Chính quyền Sài Gòn cũ thường tuyên bố ngừng bắn để nhân dân hai bên ăn Tết, nhưng bọn Ngụy quyền Sài Gòn và giặc Mỹ không bao giờ ngừng bắn. Tết là dịp chúng bắn phá, nên Tết anh em sống trong bơm đạn, anh em Bộ đội chiến sĩ hy sinh trong những ngày Tết. Điều kiện vật chất cũng không có gì, chỉ ăn cơm độn với củ mì, củ mài, củ trục, rau rừng, muối, có bàn thờ Tổ quốc và chủ yếu là nghe được Bác Hồ chúc Tết, để khích lệ động viên anh em Bộ đội cùng nhau tiếp tục chiến đấu. Thỉnh thoảng đơn vị hành quân ra gần nhà dân, thì mới đổi được chút thịt, chút bánh trái để bổ sung vào ngày Tết thêm vui. Tết trong kháng chiến là vậy đó, tuy là những cái Tết gian khổ, nhưng Xuân đến nên anh em rất vui với Xuân…
Mỹ Hân (Ghi)