Nhà báo Đinh Phong – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: “Võ Nguyên Giáp – Vị Đại tướng giản dị và khiêm tốn”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những năm kháng chiến chống Pháp tôi còn nhỏ, chưa có dịp tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến lúc có 10 năm làm Phóng viên của báo Nhân dân. Khi đó, tôi chỉ là Phóng viên Kinh tế nên cũng chưa có dịp được gặp Ông Võ Nguyên Giáp. Cuộc gặp lần đầu tiên của tôi với Ông Giáp là tại Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ 3, tháng 9 năm 1960, khi đó tôi là Phóng Viên của đài tại Đại hội Đảng, tôi được trông thấy Ông trên bàn Chủ tịch đoàn Đại hội. Sau đó, ra ngoài sân tiếp xúc với các Đại biểu, tôi được đứng cạnh ngắm dung nhan của Ông và nghe Ông nói chuyện với các Đại biểu, đó là lần đầu tiên tôi gặp Ông. Khi ấy tôi chỉ nghe Ông nói chuyện với các Đại biểu và tôi chưa có cuộc phỏng vấn nào với Ông.

Nhà báo Đinh Phong – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: “Võ Nguyên Giáp – Vị Đại tướng giản dị và khiêm tốn” - 1

Năm 1964, tôi vượt Trường Sơn về Nam nên không có dịp để gặp chào tạm biệt Ông, mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong Lễ Metting chào mừng chiến thắng, các Nhà báo chúng tôi được đón Ông từ máy bay xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, vào Lễ đài cùng với Bác Tôn Đức Thắng và Ông Lê Duẩn, khi đó tôi được gặp lại Ông lần thứ hai ở miền Nam.

Trong xây dựng lực lượng giải phóng miền Nam, tôi được biết đối với Quân Giải phóng có mấy thông tin liên quan đến Đại tướng: vào năm 1960 sau khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng đã chỉ thị thành lập các Quân đoàn chủ lực, cho hai Trung đoàn chủ lực từ Bắc về miền Nam là Trung đoàn 1 vào năm 1961 sau đó là Trung Đoàn 2. Hai Trung đoàn chủ lực vào Nam sau này trở thành Trung Đoàn Bình Giã và Trung đoàn Đồng Xoài, đó là chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Ông. Sau khi hai Trung đoàn đánh thắng bên Bình Giã và Đồng Xoài, thì Trung ương quyết định thành lập Sư đoàn, Ông Giáp đã điều người chỉ huy đánh Điện Biên Phủ về làm Sư đoàn trưởng của Sư đoàn 9 (tức ông Hoàng Cầm sau này là Thượng tướng).

Dân tộc ta, nhân dân ta tự hào về Bác Hồ, Người thành lập ra Đảng, người tổ chức nên mọi thắng lợi cho dân tộc ta, để bây giờ chúng ta được độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước. Nhân dân ta cũng tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người sáng lập ra quân đội sau này (các Sư đoàn, Lực lượng Vũ trang), Ông đã nhìn ra thời cơ, điểm cần thiết để thành lập các lực lượng Vũ trang và kịp thời  tiếp sức, tạo nên quả đánh thép cho Quân Giải phóng miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ.

Đầu tiên, tổ tiên chúng ta đã đánh thắng rất nhiều cuộc xâm lăng, như trong công cuộc 3 lần chống quân Nguyên - Mông của Tướng Trần Hưng Đạo. Trong thế kỷ XX, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy đánh bại ba Đế quốc thời hiện đại rất hùng mạnh trên Thế giới (Phát xít Nhật, Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ). Ông không những có tài về xây dựng lực lượng Vũ trang mà còn có tài về cách tổ chức đánh địch. Sau trận đánh Điện Biên Phủ chiến thắng 7.5.1954, Ông đã trực tiếp chỉ huy những trận đánh lớn ở miền Nam và Giải phóng miền Nam năm 1975.

Kỷ niệm nhỏ khó quên giữa tôi và Ông Giáp: Đại tướng rất giản dị, gần gũi và chan hòa với lính. Cách đây mấy năm Ông vào Sài Gòn để nghỉ ngơi, Quân đoàn 4 có tổ chức cuộc họp Cựu Chiến binh, mời Ông đến dự, người trong Ban Tổ chức giới thiệu “Hôm nay đến tham dự với chúng ta có Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Phu nhân”, tất cả mọi  người đứng dậy vỗ tay hoan hô chào mừng, Ông giơ tay mượn Micro ông nói “Tôi đã về hưu rồi, đừng giới thiệu như thế, các Đồng chí đến dự thì nên giới thiệu là có Anh Văn và Chị Hà (vợ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp) chứ không nên giới thiệu là Đại tướng và Phu nhân thì nghe không đúng, vì tôi đã về hưu rồi”. Các đồng chí đứng dậy vỗ tay lần nữa, thấy Ông rất giản dị và khiêm tốn.

Trong lúc Đại tướng đang ngồi với Bộ đội thì có một người lính, dáng nhỏ nhắn cứ lanh quanh Đại tướng, tôi hỏi anh cần gì, anh ta nói “Cả cuộc đời chiến đấu của tôi ra sống vào chết, tôi chỉ có mơ ước một điều thôi là tôi được đứng cạnh và chụp tấm hình với Đại tướng để tôi lưu truyền cho con cái tôi sau này”. Đó là Anh hùng Nguyễn Đức Nghĩa quê ở Thanh Hóa, một người lính được phong Anh hùng của Quân Giải phóng miền Nam. Khi tôi giới thiệu với Đại tướng có anh Nguyễn Đức Nghĩa, đồng chí ấy xin được chụp với Đại tướng một tấm hình, thì Đại tướng bảo “Tốt thôi”,  rồi ôm lấy và bắt tay anh Nghĩa rất thân thiết. Đại tướng đã treo tấm hình đó ở nhà và tặng cho Đồng chí Nghĩa một bức làm kỷ niệm.

Đại tướng là một Thầy giáo, từ một Thầy giáo ấy trở thành một Viên Tướng giỏi, có người nói rằng “Đại tướng đánh giặc bằng bất cứ giá nào”, không đúng mà Đại tướng đánh thắng nhưng luôn luôn nghĩ đến sự hy sinh của Bộ đội, sự thiệt hại của nhân dân chứ không phải đánh thắng bằng bất cứ giá nào. Đánh thắng nhưng vẫn bảo toàn lực lượng, Ông là một Viên Tướng rất Nhân văn, đánh thắng nhưng làm sao để Bộ đội không hy sinh nhiều. Một Thầy giáo mà trở thành một người chỉ huy quân sự đó là một sự tài giỏi của Bác Hồ, dù chưa học một trường quân sự nào mà Bác Hồ đã giao cho Ông làm Tổng Tư lệnh và Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiềm lực quân sự trong người Ông rất lớn chỉ có Bác Hồ mới nhìn thấy được,  mọi người ngạc nhiên trước những việc làm của Ông, Ông có một tư chất rất thông minh và có tài chỉ huy.

 Bác Hồ đã giao đúng người và Ông đã làm rất tốt, Ông là một người rất xuất chúng. Theo các Nhà Sử học ở Vương quốc Anh đã đánh giá “Việt Nam có hai vị Tướng nổi tiếng nhất, một là Trần Hưng Đạo 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, đội quân đi đánh phá khắp nơi trên thế giới mà khi đến Việt Nam thì bị đánh thất bại. Người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên giáp, Phát xít Nhật, Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ và đi đâu cũng gây nên tang tóc, mọi người đều nể sợ, nhưng đến Việt Nam thì gặp Ông Giáp đánh cho ba thằng đều tan tác. Vào thế kỷ XX này trong lòng của mọi người, Võ Nguyên Giáp là một Viên tướng xuất sắc. Khi ủng hộ Việt Nam, nhân dân thế giới luôn hô “Việt Nam, Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp, Giáp”. Ông Giáp là một Đại tướng tài hoa của dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đã vinh dự, tự hào về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thanh Hồng, Mỹ Hân (Ghi)

Dưới đây là một số hình ảnh trong Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Nhà báo Đinh Phong – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: “Võ Nguyên Giáp – Vị Đại tướng giản dị và khiêm tốn” - 2

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT