Bước vào quán cafe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo cái hẹn trước, chị Trang xuất hiện với chiếc áo bà ba cách điệu tinh tế trên chất vải gấm hoa hồng sen. Không quá cầu kỳ, không quá đơn sơ, hình ảnh một người con gái Nam Bộ tân thời nhận lại rất nhiều ánh mắt trìu mến của các vị khách ngoại quốc. Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy việc định hình thẩm mỹ là hướng giải pháp đáng xem xét để đưa trang phục này sống cùng thời cuộc.
PV: Chào NTK Mi Trang. Thật không dễ để bắt gặp một cô gái trong chiếc áo bà ba như chị giữa đường phố Sài Gòn.
Cũng gần 10 năm chiếc áo này trở thành lựa chọn hàng ngày như quần jeans, áo váy của tôi. Chắc vì yêu quá.
Áo bà ba do chị Mi Trang thiết kế tôn vinh nét đẹp văn minh của phụ nữ Nam Bộ.
Với những người con của vùng đất Tây Nam Bộ, áo bà ba vốn sớm hiện diện qua hình ảnh ông bà, cha mẹ, người dân lao động thế hệ trước. Với cá nhân chị, áo bà ba hẳn có một sức ảnh hưởng đặc biệt để chị âm thầm gìn giữ suốt 10 năm trước khi mở rộng ra dự án cộng đồng trong năm nay?
Tôi sinh ra ở Đồng Tháp, người dân quê tôi thường xuyên mặc áo bà ba đi làm, đi chơi. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là khi học lớp 6. Lúc đó, chị Hai bắt đầu thu mua lúa gạo đưa lên Sài Gòn, Đồng Nai bán, lúc nào cũng mặc áo bà ba. Rồi đến một ngày, từ trường trở về, tôi thấy chị đứng trên con ghe chở đầy lúa gạo, đội nón lá, áo bà ba phấp phới bay trong gió khi chiều tà vừa buông. Hình ảnh người phụ nữ đó đã nuôi dưỡng ký ức tuổi niên thiếu đẹp trong tôi. Rồi lớn lên, theo dòng chảy cuộc đời, tôi trở thành nhà thiết kế thời trang, phát triển thương hiệu riêng. Cho đến năm 2015, việc bận rộn liên tục khiến tôi bị căng thẳng, đánh mất cảm hứng làm việc, thì ký ức chiếc áo bà ba trở về, giúp tôi có lại nhiệt huyết sáng tạo và cháy lên mong muốn được cống hiến cho trang phục mang đậm hồn quê hương này. Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu mặc chiếc áo bà ba do mình tự thiết kế. Nó giúp tôi mềm hoá cá tính, tự nhiên thể hiện tính nữ tiềm ẩn mà không làm mất khí chất truyền thống vốn có như tôi luôn nghĩ. Từ đó, tôi lập nhóm trên facebook, cùng chị em chia sẻ, lan toả vẻ đẹp áo bà ba tân thời, xây dựng ý tưởng Dự án “Tôi yêu áo bà ba”, chờ dịp thuận lợi sẽ ra mắt.
Với NTK Mi Trang, áo bà ba giúp chị thể hiện tính nữ tiềm ẩn, dịu dàng như sự vỗ về của mẹ.
Nhiều tác phẩm lịch sử - văn học như Văn Minh miệt vườn (Sơn Nam, 1970) hay Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức, 2013) đều cho thấy ngày trước, quần áo bà ba phổ biến vì sự tiện lợi, lịch thiệp và được ưa chọn bởi giới trung lưu. Điều này cho thấy việc gắn nhãn “quê mùa”, “bình dân” với trang phục này là không chính xác. Ở góc độ nhà thiết kế thời trang đã từng ra mắt nhiều BST áo bà ba, chị nhận xét thế nào?
Đây là một thực trạng, không chỉ giới trẻ mà cả với những người trung niên. Bản chất không có cái áo quê mùa hay sang trọng. Do bối cảnh văn hóa, lịch sử tạo ra cái nhìn phiến diện. Với tôi, áo bà ba là một trang phục phóng khoáng, không phân biệt giới tính, tuổi tác, vùng miền. Tính đa ứng dụng cao, làm ruộng mặc cũng được, ngoại giao, đi tiệc cũng ổn, dễ dàng cá nhân hoá. Năm 2015, tôi cho ra mắt BST áo bà ba cho doanh nhân rất được ưa chuộng. Năm 2017, các sản phẩm áo bà ba thiết kế cho hoạt động đi viếng chùa và tham quan làng nghề ở Phú Quốc, thuộc khuôn khổ Miss Grand International cũng nhận lại hiệu ứng truyền thông rất tốt. Và gần nhất, là khi tôi nhận lời anh bạn thiết kế bộ quà tặng khách cho đối tác. Sản phẩm rất được yêu thích, thậm chí còn được đặt lại. Rõ ràng, nếu sản phẩm “quê”, nó không thể nhận được phản ứng như vậy.
Áo bà ba còn chứa đựng những bài học sâu sắc từ bậc cha ông. 5 nút áo thể hiện cho nhân - lễ - nghĩa - chí - tín và ngũ hành. Nếp áo tượng trưng cho nếp nhà. Khi cài nút, người mặc phải từ tốn, khoan thai vừa bấm vừa kéo thì áo mới thẳng cũng như trong gia đình, luôn phải bền bỉ vun đắp thì nếp nhà mới yên ấm, vững chãi. Vậy mà hiện nay, mọi người đối xử với chiếc áo bà ba đại khái, xuề xoà ngay từ khâu may mặc đến khâu thiết kế.
Hoa hậu quốc tế trong trang phục áo bà ba thiết kế bởi NTK Mi Trang, tại Miss Grand International 2017
Với những ví dụ kể trên, rõ ràng việc hiểu đúng vai trò và khai thác đúng giá trị của áo bà ba đều đang bị bỏ ngõ. Hẳn đây sẽ là các vấn đề chị hướng đến giải quyết thông qua dự án “Tôi yêu áo bà ba”. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về mục tiêu và các hoạt động sắp tới của dự án?
10 năm qua, tôi đã tiến hành dự án “Tôi yêu áo bà ba” thông qua các hoạt động thiết kế quảng bá chiếc áo bà ba vì tình yêu cá nhân. Nhưng để lan toả, tạo sự thay đổi nhanh hơn chúng ta cần sức mạnh cộng đồng. Đó là lý do tôi đưa dự án ra công chúng. Tôi không đặt các mục tiêu quá lớn mà trước mắt chỉ muốn “Làm đẹp” áo bà ba để tháo mác “quê mùa”, và biến áo bà ba thành quà lưu niệm đáng mua cho khách du lịch. Năm nay, dự án sẽ ra mắt thông qua bộ sách ảnh với 50 đại sứ trong các thiết kế khác nhau và toạ đàm “Nếp áo, nếp nhà, nếp văn hoá” để giới thiệu lại giá trị truyền thống - văn hóa phía sau trang phục này.
Các nữ doanh nhân Việt duyên dáng, sang trọng trong trang phục áo bà ba của NTK Mi Trang.
Mục tiêu “Làm đẹp” được hiểu là định hướng lại thẩm mỹ của áo bà ba có đúng không chị? Làm sao để chị cân bằng tính truyền thống, đảm bảo tính đúng - chuẩn - hợp thời trong thiết kế, tránh đi vào vết xe đổ của nhiều dự án khác, khi họ để xu hướng mới lấn át nền tảng văn hoá?
Bạn nói đúng, cần giữ gìn truyền thống để bảo tồn. Với việc thiết kế, tôi bám sát khung áo truyền thống chuẩn mực như vạt ngắn, xẻ giữa, cúc cài; và cách điệu thông qua ứng dụng phối hợp chất liệu, cá nhân hoá phong cách. Như với dự án sách, 50 thiết kế sẽ được chia làm ba nhóm chính: nhóm theo phong cách giản dị - thuận tự nhiên, nhóm quý phái với ứng dụng lụa - đũi Việt Nam và nhóm cá tính để tương thích với người trẻ.
Đa chất liệu, đa hoạ tiết tạo nên hình ảnh thẩm mỹ mới cho trang phục văn hoá.
Cảm ơn NTK Mi Trang. Hy vọng dự án sẽ sớm ra mắt và tạo làn sóng yêu, hiểu đúng và chung tay mang cái đẹp áo bà ba đi xa hơn, đi lâu hơn.