Nghệ sĩ thế hệ Vàng tri ân sân khấu Cách mạng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tính từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), sân khấu cải lương TPHCM đã trải qua chặng đường thăng trầm. Những bước chuyển cho thấy sức sống của sân khấu cải lương (SKCL) thực sự bền bỉ, cho dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, SKCL vẫn tồn tại và sẽ vượt qua chặng đường thử thách hiện nay, hướng tới một mùa bội thu mới

  • NSND Ngọc Giàu: Nhớ mãi vai bà mẹ trên sân khấu Cách mạng

Tôi nhớ giai đoạn 15 năm sau giải phóng, đất nước vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cải tạo xây dựng xã hội mới (XHCN). Cái ăn cái mặc tuy chưa đầy đủ, nhưng SKCL đã đem đến cho đời sống xã hội, một sức sống mãnh liệt, đã góp phần thắng lợi vào đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước, mà Đại hội IV của Đảng đã đề ra. Phải nói thế hệ nghệ sĩ chúng tôi rất biết ơn những vị lãnh đạo có tấm lòng yêu quý nghệ thuật dân tộc. Thời đó Chú Sáu Võ Văn Kiệt còn là Bí thư Thành ủy TPHCM, Chú Sáu Dương Đình Thảo còn là Giám đốc Sở VHTT TPHCM. Các chú, các bác Cách mạng lão thành đã quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài năng, tạo cho chúng tôi cơ hội phát huy nghề nghiệp. Thời đó lực lượng nghệ sĩ hùng hậu từ ba nguồn nhân lực : các nghệ sĩ trong chiến khu ra, ngoài Bắc về và nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975. Một nền ca kịch dân tộc chính thống và chuyên nghiệp định hình, với đầy đủ các binh chủng : tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ thuật và một “rừng ngôi sao” diễn viên.

Đời sống sân khấu phong phú, kể sao hết những vai diễn, vở diễn và phong cách nghệ thuật của từng đơn vị. Chỉ riêng ở TPHCM cũng đủ để thấy sức sống năng động của các đoàn : Văn Công TP, Trần Hữu Trang I, II, III, Sài Gòn I, II, III, Phước Chung, Hương Mùa Thu, Huỳnh Long, Minh Tơ, Thanh Nga, 2/84, Trung Hiếu, Tuổi Trẻ Thương Nghiệp với biết bao vở diễn làm say đắm lòng người, như : Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Người ven đô, Tiếng hò sông Hậu, Đồng Nọc Nạn, Cây sầu riêng trổ bông, Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Tâm sự Ngọc Hân,... Tôi may mắn có được nhiều vai diễn trên sân khấu cách mạng, mà với tôi là những khuôn mẫu để đời, truyền lại cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này khi các em đến với các giải thưởng: Trần Hữu Trang, Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc…Tôi thích nhất vai diễn bà mẹ của Nguyễn Thái Bình trong vở “Chim Việt cành Nam” và vai bà mẹ Củ Chi đất thép thành đồng trong vở “Tình yêu lời đáp”. Mãi mãi cho đến hôm nay tôi vẫn còn yêu quý hai vai diễn trên sân khấu Cách mạng.

* NSND Lệ Thủy: Những nấc thang cho nghề

SKCL giai đoạn 75-90 có nhiều cái mới, nên đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Được các lãnh đạo có tấm lòng ủng hộ cải lương nên các đoàn hăng hái dàn dựng vở mới. Thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu thời đó được tạo mọi điều kiện để phát triển nghề. Những nghệ sĩ của giải thưởng HCV Thanh Tâm gồm 24 nghệ sĩ, đều được cử về làm trụ cột các đoàn hát, kèm cặp cho dàn diễn viên trẻ để các em tiến tới thay thế những vai diễn trung tâm. Năm 1991, Hội Sân khấu TPHCM và báo Sân khấu TPHCM đã thành lập Giải thưởng Trần Hữu Trang, kế thừa Giải Thanh Tâm để tiếp tục phát hiện, kiện toàn nguồn nhân lực cho sân khấu để hôm nay chúng ta có những HCV vẫn còn tỏa sáng: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Cẩm Thu, Linh Tâm, Vân Hà, Vũ Luân, Tú Sương…Tôi rất trân trọng những nấc thang cho nghề nghiệp mà Đảng đã lãnh đạo, để đội ngũ nghệ sĩ hết mình vì sự nghiệp sân khấu nước nhà. Hôm nay, mùa giải Trần Hữu Trang lần thứ 12, tôi xin chúc mừng các em, mong rằng các em sẽ thăng hoa trên sàn diễn, hết mình rèn luyện nghề để xứng đáng với tình cảm của công chúng dành cho sân khấu. Tôi rất mong Hội Sân khấu TPHCM sẽ qui tụ các em để thành lập CLB sân khấu HCV Trần Hữu Trang, để khi Nhà hát nghệ thuật biểu diễn Hưng Đạo được xây dựng xong, nơi này sẽ là điểm đến của sân khấu du lịch, là một trong 7 điểm trọng tâm của du lịch TPHCM mỗi khi du khách đến tham quan TP sẽ được đến xem những tác phẩm tiêu biểu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và của CLB sân khấu HCV mang tên người soạn giả Cách mạng đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lừng danh: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt

Nghệ sĩ thế hệ Vàng tri ân sân khấu Cách mạng - 1

  • NSƯT Minh Vương: Những tín hiệu mới tôn vinh Cải lương

. Sự phát triển các phương tiện giải trí hiện đại đã đẩy xa một bước nữa khoảng cách cải lương với công chúng. Sân khấu đã tụt hậu so với hiện thực đời sống. Thế nhưng nghệ sĩ vẫn bám sàn diễn mà phấn đấu, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. Tôi còn nhớ các chú lãnh đạo của ngành sân khấu thời đó đã khuyên bảo chúng tôi chứ có bi quan, sân khấu Cải lương phát triển theo chu kỳ và sẽ rộ lên những tín hiệu mới trong giai đoạn đất nước hội nhập.

Tôi rất mừng khi 61 nghệ sĩ đã đoạt HCV Trần Hữu Trang qua 11 lần Tổ chức vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh. Trong đó có 5 HCV xuất sắc vẫn là trụ cột của sàn diễn cải lương: NSUT Vũ Linh, NSUT Phượng Hằng, NS Vũ Luân, NSUT Hoàng Nhất, NS Hải Yến. Tôi mong các em sẽ bền bỉ với nghề và phụng sự tổ nghiệp bằng cái tâm trong sáng, đem sức lao động nghệ thuật mài dũa viên ngọc đam mê nghệ thuật dân tộc, góp phần giữ vững danh hiệu được thế giới tôn vinh khi Đờn ca Tài tử là di sản văn hóa của nhân loại, mà sân khấu Cải lương bắt nguồn từ những thăng hoa của Đờn ca Tài tử Nam bộ.

 

  • NSƯT Vũ Linh: Vở diễn cần bám đề tài đương đại

Chủ trương nâng cấp nghệ thuật SKCL là một động lực thúc đẩy SKCL chuyển mình để có lại những giá trị một thời. Nhà hát Trần Hữu Trang, đơn vị nhà nước hoạt động ở TP đã có những nỗ lực tự nâng mình lên về tổ chức, trình diễn và đào tạo. Qua hai năm thực hiện chủ trương nâng cấp Nhà hát đã trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng bế tắc nhưng với sự tiếp sức của Hội Sân Khấu, Sở VHTT và DL TPHCM, Nhà hát đã tìm ra được phương thức hoạt động, bước đầu có hiệu quả là quy tụ những nhóm nghệ sĩ trẻ làm sân khấu xã hội hóa, đầu tư phương tiện kỹ thuật âm thanh ánh sáng, sàn diễn cho nhóm xây dựng tiết mục định hướng nghệ thuật và thẩm mỹ cho nghệ sĩ hướng tới thu hút khán giả đến với sân khấu cải lương. Theo tôi nguồn kịch bản rất cần được bám sát đời sống xã hội, để anh em nghệ sĩ nói lên được tiếng nói của người dân, của thời đại. Trong tương lai cần xem xét việc đưa NTSK truyền thống dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương) vào các trường Trung học Phổ thông tiến tới có môn thi Tú Tài Nghệ Thuật, cũng như các ngành đang làm khi đưa Đờn ca Tài tử Nam Bộ vào học đường.

Hoàng Thuận (Ghi)

Nghệ sĩ thế hệ Vàng tri ân sân khấu Cách mạng - 2

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT