LAM KINH- NƠI CHIM BAY VỀ THÀNH BẦY

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

LAM KINH- NƠI CHIM BAY VỀ THÀNH BẦY - 1   

   Lăng vua Lê Thánh Tông



Trong các Di tích Lịch sử thường gắn liền một câu chuyện. Với Lam Kinh, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nơi Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn trong 10 năm (1418 - 1428) đã được chọn làm kinh thành, bởi câu chuyện nhà vua mơ thấy chim bay thành bầy, tụ về miền đất này.

 

 

Con đường đến Lam Kinh đi qua phố bánh gai. Thú vị nhất chính là sự nhiệt tình của người dân đất vua. Trước chiếc cầu cong vút vào nơi ngày xưa là kinh thành cũ, là những người bán bánh gai. Có lẽ, chưa có một nơi nào mà cách bán buôn đầy thiện cảm như ở đây. Những người dân đất vua sẵn sàng mời khách nếm mùi vị chiếc bánh đặc sản quê mình như là niềm tự hào. Những bóng cây cổ thụ to che rợp cả một không gian mát rượi ở nơi này.

Từ giã những người bán bánh gai gây cảm tình cho du khách, chúng tôi bước qua chiếc cầu xây theo kiểu vòng cung xưa để bước vào đất Lam Sơn. Một màu xanh cỏ thênh thang, những bóng cây cổ thụ ngàn năm sừng sững tạo ra một không gian lẫm liệt. Cây đa cổ cao chừng 30 mét, gốc cây vòng ôm khoảng 4 mét, nhánh cây vươn cao hàng mấy chục mét. Bên phải là chiếc giếng cổ được xây bằng đá xanh, đường kính chừng 10 mét được bảo quản tốt, đẹp.

LAM KINH- NƠI CHIM BAY VỀ THÀNH BẦY - 2

Lam Kinh

Chúng tôi bước vào nơi xưa là Thành Lam Kinh, những chỉ còn là dấu xưa sau bao năm hoang phế. Bãi cỏ xanh rờn màu xanh đến lạ còn lưu giữ lại là những phiến đá xếp thứ tự. Đây chính là những dấu vết các trụ cột của thành Lam Kinh xưa đã không còn nữa. Sử sách ghi lại thì Lam Kinh đã được xây dựng theo phong thủy, phía Bắc dựa vào núi Dầu mặt nam nhìn ra sông – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, Cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Vào ngày giỗ Lê Lợi (22/8/1433), nơi này đã trở thành ngày hội.


Bước qua những phiến đá sót lại của thành Lam Kinh xưa là một dãy nhà đã được phục dựng lại theo cổ thành xưa. Sự uy nghiêm toát ra từ những điện thờ với cách xây dựng. Đó là 6 tòa Thái Miếu, mỗi Thái Miếu thờ các vị hoàng đế của triều Lê. Đặc biệt, Thái Miếu số 5 thờ Vua Lê Lợi, Cha Lê Lợi và ông nội Lê Lợi. Trong các Thái Miếu đều có bàn thờ, lư đồng và những vật dụng dành cho vua được phục chế lại. Không gian khu vực đầy vẻ tôn nghiêm.

LAM KINH- NƠI CHIM BAY VỀ THÀNH BẦY - 3

Cây đa cổ thụ

Những bước chân của chúng tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình khác, đi theo con đường phía sau, con đường nhỏ để đi đến nơi an nghỉ của vua Lê Lợi. Trải qua 600 năm, ngôi mộ khá đơn giản so với nơi yên nghỉ của bất cứ vị vua nào. Vẫn là một cây cổ thụ ngạo nghễ tỏa bóng che mát cho trăm năm, chiếc cổng vào lăng vua gồm bốn trụ khá đơn giản. Càng đơn giản hơn khi trong diện tích khoảng chững 100 mét vuông là nơi an nghỉ của ông. Có thể tổng quát về khu lăng mộ khá rộng ở nơi này mà chúng tôi phải xuyên qua những con đường nhỏ để đến, chen cùng cây cỏ đang mọc um tùm, cả những hàng rào chắn bằng tre trên lối đi ví sợ trâu bò dẫm phá. Đó là: Lăng Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông. Lăng Lê Lợi vẫn có những con voi hầu dọc quanh lối vào, không gian tĩnh lặng. Riêng mộ khá đơn giản vuông vức 4,43mx4,46 m, cỏ xanh trên mộ. Bàn hương án cũng đơn giản, đặt trước mộ cho khách ghé qua thắp nén nhang tưởng nhớ. Trong lăng có dăm chiếc ghế đá cho khách ngồi nghỉ. Ở đây còn chuyện chiếc gươm vàng mà thế gian ai cũng biết.

LAM KINH- NƠI CHIM BAY VỀ THÀNH BẦY - 4

Lăng Lê Thái Tổ Lê Lợi

Chiếc gươm do một người dân chài tên Lê Thận tặng vua trong cuộc chiến. Khi đất nước thanh bình, vua đã trả lại cho rùa thần tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Rồi những huyền thoại khác như trên những lá cải có hình Quốc ấn, có tên Lê Lợi đề trên lưng ấn và câu chuyện Lê Lai cứu chúa được chú trọng.

Sau khi thăm mộ vua Lê Lợi, lại phải băng qua con đường nhỏ để tới các lăng khác và tìm bia Vĩnh Lăng và lăng vua Lê Thánh Tông. Lăng vua Lê Thánh Tông cũng đơn giản và nằm giữa cánh rừng đầy cỏ lau. Bia Vĩnh Lăng nằm riêng biệt trên đường đi, có mái che được làm sau này. Bia Vĩnh Lăng được tạc từ một khối đá xanh rất lớn đặt trên lưng rùa. Trán bia hình bán nguyệt, trên đó chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời, bia được trang trí hình rồng trong nửa lá đề, xen kẽ là các hình hoa Cúc dây mềm mại, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê. Nội dung văn bia được khắc chìm, do Nguyễn Trãi soạn thảo nói về thân thế, sự nghiệp của Lê Lợi, người anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) cũng như cuộc kháng chiến chống quân Minh, cùng với chuyện Lê Lợi trả gươm cho rùa thần ở hồ Lục Thuỷ (nay là hồ Hoàn Kiếm).

KVT


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT