Khách quen mùa xuân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm nay là năm cuối cùng tôi làm việc ở Khách sạn này, nói đúng hơn là tôi sẽ chấm dứt công việc sau mùa du lịch Tết, tròn đủ 9 năm làm Lễ tân.  Hùng bảo với tôi là sau khi lấy nhau, anh sẽ sang một cửa hàng bán quần áo ở chợ đồ cũ để mỗi ngày tôi sẽ la: “Bảy lăm bảy lăm, năm lăm năm lăm” như mọi người vẫn thường rao hàng như thế hàng đêm tại đây. Tôi bảo: “Thế thì anh ra chợ La mà chọn vợ, ở đó em thấy nhiều cô còn xinh hơn em.” Đó là nói cho vui thôi, vì tôi sẽ cùng Hùng rời khỏi Đà Lạt, tôi theo anh vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, tôi sẽ làm một công việc khác.

Khách quen mùa xuân - 1
Minh họa: Trần Hà

  Khách sạn tôi làm việc có tên là Hoa Hồng, dẫu quanh khách sạn nhiều hoa, nhưng chẳng hề có trồng một chậu hoa hồng nào, cái khác chính là lọ hoa hồng luôn được thay thường xuyên ở ngay phòng khách, tạo cho không gian khách sạn một chút lãng mạn, một chút thân quen. Khách sạn cũng xa phố, không phải là khu náo nhiệt dành cho khách du lịch, khách tour, tuyến hoặc khách của những đơn vị lữ hành đặt sẵn. Thường khách của khách sạn là những cặp vợ chồng mới cưới, cán bộ đi công tác muốn yên tĩnh nghỉ ngơi, thay vì phải ở ở khu phố mà mọi người gọi là phố du lịch, lúc nào cũng phải đối phó với những cò mứt, cò quần áo, cò xe, cò cây trái…

  Công việc của Lễ tân đã trở thành quen thuộc của tôi, là nhận các cuộc gọi khách đặt phòng, hướng dẫn khách phòng ở và trả lời những câu hỏi của khách. Chẳng hạn: “Em ơi, từ đây đến đỉnh Lang Biang mình đi phương tiện gì?”; “Ở đây, có quán ăn nào ngon mà không chặt chém?”…Những người khách ấy có người chỉ ghé qua một lần, nhưng cũng rất nhiều khách quen, tình cờ đến Đà Lạt họ đều đến khách sạn tôi làm việc ở, hoặc có người như một cái lịch, họ chọn những ngày nào đó trong năm để tìm đến, để tận hưởng cái lạnh se sắt của thành phố cao nguyên này. Trong đó có một cặp vợ chồng lớn tuổi.

Câu chuyện xảy ra cách đây 9 năm. Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp Cao đẳng và về khách sạn này làm.  Đó cũng là một ngày cuối năm, khách sạn rất vắng vì chẳng có khách nào dừng chân, vì ngày Tết là ngày họ trở về quây quần đoàn tụ với gia đình. Hai vợ chồng ông Bình (đó là sau này tôi mới biết) dừng chân trước khách sạn với chiếc xe gắn máy, chứng tỏ họ đã vượt một đọan đường khá xa. Ông Bình đặt phòng ở đúng đến mùng hai Tết, dấu hiệu cho biết hai ông bà sẽ ăn Tết ở đây. Vợ ông, bà Ngọc hình như trẻ hơn ông, gương mặt dễ thương, mái tóc dài óng ả, cười với tôi một cách thân thiện. Và họ trở thành hai người khách duy nhất trong ba ngày hôm đó. Tôi nhớ năm đầu tiên họ đi một chiếc xe máy cũ, mờ sáng là hai vợ chồng gởi chìa khóa phòng rồi đi, tối mịt mới về. Ông Bình rất cẩn thận khi đi về mua tặng cho tôi một bó hoa hồng, đó là loại hoa hồng hái trong vườn. Ông bảo: “Chú đã từng ở Đà Lạt, chú biết hoa mua trong vườn nó mới nở hoa. Chúc cháu một cái Tết vui vẻ.”

 Đêm 30 Tết, thường thì khách sạn luôn tổ chức một buổi gặp mặt nhỏ với những người khách ở lại khách sạn. Và đó cũng là năm duy nhất trong đêm 30 Tết cả khách sạn chỉ có hai người khách, thêm tôi và chị Nhẫn, Quản lý khách sạn. Ông Bình cho biết là hai vợ chồng lấy nhau đã 30 năm, năm nay là năm thứ ba mươi kỷ niệm ngày cưới. Lý do tại sao hai vợ chồng đi đón tết ở Đà Lạt bởi vì hai người gặp nhau ở đây, yêu nhau ở đây rồi sau đó mới sinh sống ở Nha Trang. Hai vợ chồng lấy nhau chừng ấy năm nhưng không có con, vẫn chỉ hai vợ chồng sống với nhau ngần ấy năm trời. Ông bảo, thật ra thì cả một thời gian dài bươn chải, đến bây giờ khi ở tuổi 50 mới ngộ ra rằng mình cần phải thong dong. Tại sao chọn Tết mà không chọn một ngày khác? Vì dẫu có ở nhà cũng chẳng khác ở Đà Lạt, mà Đà Lạt là một phần kỷ niệm của ông bà.

 Cuộc gặp năm đó gây cho tôi ấn tượng mạnh về tình yêu, dẫu tôi không tin rằng ông bà sẽ trở lại đúng vào Tết năm sau. Bởi lẽ thường của cuộc sống luôn có rất nhiều điều thay đổi mất còn, sự trở lại hay không trở lại của một người khách trọ là chuyện bình thường đối với một khách sạn. Có người rất khó khăn khi vòi nước nóng bị trục trặc, vì khách sạn còn để mùi thuốc lá do những người khách trước để lại. Có khách tới khách sạn bởi vì phòng ở rộng, yên tĩnh và buổi ăn sáng lo tươm tất. Nghĩa là trong cuộc sống hằng hằng nào không một ai giống một ai.

 Rồi ông Bình và bà Ngọc trở lại thật. Ông gọi điện cho tôi từ sớm, giọng nói của ông tôi nhận ra ngay: “Cháu dành căn phòng cũ cho chú nhé.” Tôi “Dạ”, dẫu trên nguyên tắc là khách đặt phòng phải đặt cọc trước, nhưng với hai vợ chông ông, đó là ngoại lệ.

 Tôi gặp anh, chàng trai có giọng nói ngọt ngào như nước sông Hương vì anh là người Huế. Đà Lạt rét căm vào mùa Đông, mưa dai dẳng vào mùa Hạ và tưng bừng hoa nở vào mùa Xuân đã nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi.  Đó đã là năm thứ bảy hai vợ chồng ông Bình và bà Ngọc đến khách sạn lấy phòng ăn Tết. Tôi và Hùng lao vào nhau như thể để cùng đón cái rét căm căm của thành phố này, tôi kể cho anh nghe câu chuyện hai vợ chồng già vẫn như cuốn lịch thời gian, cứ vào ngày cuối năm lại đến khách sạn. Có sự thay đổi chăng là mấy năm sau này, chiếc xe máy của họ đã là loại đời mới, đi nhanh hơn. Và rồi từ năm thứ ba trở lên, tôi vẫn để căn phòng của hai vợ chồng ông Bình dù khách có đông như thế nào.

Khách quen mùa xuân - 2

Tôi và họ trở thành thân thiết, dẫu mỗi năm chỉ gặp nhau vỏn vẹn ba ngày. Tôi thêm một thói quen là lấy chiếc ly thủy tinh đổ đầy nước, tôi ra sân hái một cành hoa dại nào đó, cấm vào chiếc ly để trong phòng họ cho thêm không gian. Tôi vui vì nhìn thấy họ, bởi khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác dường như mình cũng cảm nhận được sự rộn rã trong lòng mình. Góp nhặt những câu chuyện của tám năm ròng ông ghé qua khách sạn, vẫn căn phòng đó, vẫn thời gian đó là cả một câu chuyện tình đầy ngưỡng mộ. Ông Bình có một thời gian dài ở Đà Lạt, khi đó ông là một Sinh viên nghèo. Trong khi đó bà Ngọc lại là con của một nhà giàu, có cả một phòng trà để khách tới vui chơi. Họ gặp nhau rất tình cờ như những tình cờ trong cuộc sống này, đẩy đưa những con người xa lạ về lại bên nhau. Ông kể là ông rất yêu hoa Cúc Quỳ, loại hoa dại lạ lùng có ở mọi con đường ở Đà Lạt. Những hạt hoa khô từ năm ngoái cứ ủ ven đường, rồi từ tháng tám khi những cơn mưa vùi về phố là cứ bắn lên nhanh chóng thành bạt ngàn cây xanh. Để khi Đà Lạt rét đậm là từng chùm hoa vàng kiêu sa ấy bung nở. Rồi có một lần, ông đã chọn một cụm hoa Cúc Quỳ để nghỉ chân, mùi hương thơm và tấm nệm mềm mại của lá cỏ làm ông say giấc nồng. Khi đó bà Ngọc lại dừng xe đạp của mình bên vạt Cúc Quỳ đó định hái một ít thì thấy ông. Cuộc gặp gỡ trong màu vàng lộng lẫy và hương thơm dịu dàng ấy khiến họ gần gũi bên nhau.

 Gia đình bà Ngọc sau đó đã rời Việt Nam sang Mỹ, bà Ngọc vì tình yêu ở lại. Rồi họ về với nhau, một tiệc cưới nhỏ với dăm ba bạn bè họp mặt, họ gây dựng cuộc sống của mình bằng hai đôi bàn tay trắng.

 Căn phòng của hai vợ chồng ông Bình và bà Ngọc vẫn để trống. Năm nay khách du Xuân khá đông, nhưng tôi vẫn kiên quyết để lại căn phòng đó. Tôi vẫn biết quy luật của cuộc sống là vẫn luôn thay đổi, không có gì vĩnh cửu, nhưng tôi vẫn trong mong như một lời hẹn của bao nhiêu năm, họ sẽ lên Đà Lạt, sẽ chào tôi, vẫn lời ông Bình: “Cháu càng ngày càng đẹp ra.” Để tôi nghe tiếng ông nói với bà Ngọc: “Em đi chậm thôi, nắm tay anh đây nè.” Để tôi lắng nghe tiếng họ cười, trong tiếng cười đó là hạnh phúc của đời người. Bởi sau mùa Xuân này tôi sẽ rời xa nơi này, và dẫu có trở lại tôi cũng sẽ trở thành một vị khách phương xa đến thuê phòng.

 Sáng mùng một Tết thời tiết thật tuyệt vời. Dường như cây cỏ cũng biết phút giao mùa mà nõn nà hơn lên, dường như những cơn gió cũng mang theo những hương thơm hoa cỏ mà tỏa khắp không gian. Căn phòng ấy vẫn trống.

Hùng tới. Anh đợi tôi xuống ca trực để rủ tôi đi chùa. Anh  bảo năm nay đi chùa Phật Trầm để cầu nguyện.

      - Cô ơi, cho lấy phòng…

 Trời ơi. Ông Bình đang ở trước mặt tôi, trong khi tôi đang lúi cúi lo kiểm tra sổ sách. Tôi nói như  reo: “Bác tới rồi.” Tôi nhìn phía sau ông, bà Ngọc ở đó.

 Hùng chở tôi trên chiếc xe máy của anh ra phố Tết. Tôi vui cũng như Tết.

K.V.T.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT