HÀ TIÊN XỨ THƠ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 1Đi về cuối phương Nam đất nước, du khách sẽ đến với Hà Tiên (Kiên Giang). Đây là vùng đất nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. “Hà Tiên thập  cảnh” cùng với quá trình khai mở vùng đất cuối cùng của phương Nam đã đi vào thơ, nhạc và lịch sử, trở thành niềm tự hào của người Hà Tiên

Ảnh: Biển Mũi Nai

Từ thị xã Hà Tiên, du khách đánh một vòng để khám phá. Đầu tiên ta ghé thăm lăng, đền thờ dòng họ Mạc ở núi Bình San, thuộc thị xã Hà Tiên. Họ Mạc khởi đầu từ Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên hơn 300 năm trước. Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, ông là vị tướng văn võ song toàn, là người dựng nên Tao đàn Chiêu Anh Các nổi tiếng.  

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 2  

Ảnh: Thạch Động - Hà Tiên

Từ chân núi lên, vào cổng, qua một khoảng sân, du khách sẽ  đến đền thờ Mạc Cửu. Tại chánh điện có một biển thờ đề bốn chữ "Khai trấn trụ quốc".Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong "Hà Tiên thập vịnh" của Mạc Thiên Tích. Theo các những bậc thềm lên núi, ta sẽ gặp mộ phần của dòng họ Mạc. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi. Mộ Mạc Thiên Tích thấp hơn, ở phái trái mộ Mạc Cửu chừng 30m. Đi vòng theo chân núi, du khách sẽ gặp chùa Phù Dung do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là nàng Phù Cừ tu hành. Cảnh quan ở núi Bình San xinh tươi, hùng vĩ với những lăng mộ  gợi cho du khách nhiều cảm xúc hoài cổ!       

Đến Thạch Động chừng cách thị xã Hà Tiên chừng 3km, du khách theo những bậc tam cấp lên hang.Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây), động ở độ cao khoảng 50m.     

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 3


Nhìn từ xa, Thạch Động trông giống chiếc mũ lông của một vị tướng nên người Pháp đặt tên là “Bonnet à Poil”. Phía trong động có một chùa Phật. Ở cửa Tây - Nam có điện Bà Chúa Xứ. Phía Đông, ngước nhìn lên trên có cửa hang thông đến đỉnh, dân gian gọi là đường lên trời. Trong động có một miệng hang như miệng giếng, nhìn vào tối om, sâu thăm thẳm, ai đi xuống thì… sẽ không bao giờ lên nữa! Hiện nay miệng hang đã được bịt, lấp lại để tránh nguy hiểm, tương truyền hang nầy thông ra tới biển.

Đến với Núi Đèn- Mũi Nai, dọc theo con đường một bên là núi, một bên là biển, non xanh nước biếc chập chùng sẽ  làm du khách  ngẩn ngơ, say đắm trước bức tranh lãng mạn, thơ mộng và kỳ vĩ của thiên nhiên.

Ở khu vực Mũi Nai có dịch vụ xe máng trượt lên xuống núi Tà Ban, vé khứ hồi 40.000 đ/khách. Đứng trên Vọng Hải Đài ở chóp đỉnh Tà Ban lộng gió, du khách nhìn thấy khá rõ đảo Phú Quốc và các đảo lân cận. Du khách có thể ngồi thư thả uống nước, ngắm nhìn cảnh biển, trời, mây, non nước. Qua viễn vọng kính, ta còn được nhìn thấy Casino ở bên Campuchia và cảnh quan đất bạn. Du khách sẽ rất hào hứng, hồi hộp khi ngồi trên xe máng trượt uốn lượn, nghiêng mình qua những lối quanh co, khúc khuỷu xuyên qua khu rừng rậm rạp thâm u của núi Tà Ban…

Về Hà Tiên miền đất cuối cùng trên đất liền của phương Nam Tổ quốc, sau khi viếng thăm những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người, du khách có thể tìm hiểu những món ẩm thực đặc trưng của vùng đất nầy.

Do đặc điểm địa lý, sinh thái vừa có bờ biển dài, vừa có đồng bằng rộng lớn sâu trong nội địa. Ngoài các món  ẩm thực biển đặc sắc, Hà Tiên còn có những món ẩm thực cá đồng độc đáo…

Bún cá Hà Tiên là một món ngon dễ làm, nhưng có những đặc trưng khác với nhiều nơi.

 

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 4

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 5


Ảnh: Tượng đài Mạc Cửu - Hà Tiên

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 6

HÀ TIÊN  XỨ THƠ - 7

Ảnh: Chiều Mũi Nai Ảnh: Bún cá Hà Tiên 

Dù là món ăn dân dã nhưng kỹ thuật chế biến khá công phu: Mua cá lóc còn tươi sống khoảng non 1 kg/con trở lại. Làm cá, chặt vây, cạo vẩy, rửa sạch, cắt  làm hai khúc: đầu và đuôi. Đầu cá được cắt rời với nguyên bộ lòng. Rạch bao tử, lấy thức ăn ra, chà muối,  rửa sạch. Tránh  không để vỡ mật, dập gan thì bộ ruột mất ngon. Bộ ruột cá là phần ngon nhất của cá! Cá được đem hấp bằng xửng  để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo  bên dưới. Khi thấy cá chín nhăn da thì ta vớt ra, gợt bỏ  da, bẻ cá ra từng miếng bằng ngón tay,  xếp gọn ra đĩa để riêng. Tiếp theo, thợ nấu sử dụng loại tép to bằng ngón tay, còn tươi (sú hoặc tôm sắt)  đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp gia vị... trụn chín cho tép săn lại  múc ra tô để nguội. Người ta  cho tôm khô vào bọc vải sạch nấu sôi với nước lèo để tăng vị thơm ngọt. Nước lèo phải trong, ngọt nước và có hương vị mặn mà, Khi sa mưa xuống, cá lóc đồng thường có trứng, người ta cà nhẹ cho trứng tơi ra, cho vào nồi nước lèo, trứng nổi lên từng hạt nhỏ kết váng vàng tươi trông rất hấp dẫn! Cũng có thể để nguyên cặp trứng vàng óng, thơm lừng khiến ta bắt thèm ăn!

 

Rau nhúc tươi xanh cắt khúc sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào bún, chắt ráo nước, sau đó  cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng  nước mắm ngon nguyên chất  Phú Quốc thì mới đúng điệu, làm tăng hương vị món bún cá.  Sau cùng, có thể vắt chanh tùy thích. Đặc biệt, bún cá Hà Tiên không sử dụng hành lá, giá sống và rau thơm các loại, trừ rau răm. Ở Hà Tiên, bún cá thường được bán sáng sớm hoặc chiều tối ở trước các nhà lồng chợ hoặc các vỉa hè nơi đông dân cư. Những tô bún thơm ngon, bốc khói nghi ngút là món điểm tâm mà du khách và người dân địa phương rất ưa thích. Bạn có thể lai rai bún cá với ít rượu đế và hóng gió biển để cảm nhận sự thú vị và hưng phấn rất tuyệt vời trong một buổi chiều nơi cuối đất phương Nam!                                Đường về Hà Tiên: từ Thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A, qua cầu Mỹ Thuận rẽ về Sa Đéc, nhập vào quốc lộ 80, qua phà Vàm Cống, đến TP Long Xuyên rồi đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương đến Hà Tiên chừng 310km. Cũng có thể đi ngả Tri Tôn - Giang Thành - Hà Tiên, quãng đường nầy ngắn hơn được 15 km. Hà Tiên xứ thơ với non nước hữu tình luôn chờ đón bước chân nhàn du, lãng mạn của du khách…

 

ĐHT


 


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT