Dòng họ Vũ- Võ ở Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

    Dòng họ Vũ- Võ ở Việt Nam - 1

Cổng làng Mộ Trạch

Mộ Tổ họ Vũ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương được con cháu xây dựng khang trang trên một cánh đồng lúa bát ngát. Cụ vốn là một Danh sĩ nhà Đường sang Việt Nam lập nghiệp. Theo gia phả họ Vũ ở Mộ Trạch còn lưu giữ được đến ngày nay, thì vào đời Đường có ông quan Vũ Công Huy khi đi du ngoạn qua ấp Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm, đất Hồng Châu thấy trên cánh đồng mênh mông có một gò đất lớn được bao bọc bởi 98 gò đất nhỏ, ông cho là đất địa linh nhân kiệt nên ông lập tức về Trung Quốc đưa hài cốt thân phụ sang táng ở gò đất to. Sau đó, ông lấy một cô thôn nữ Nguyễn Thị Đức, con nhà gia phong ở Mạn Nhuế rồi về Trung Quốc sinh sống. Năm Giáp Thân 804, tháng Giêng, ngày 8 sinh hạ được một cậu con trai thông minh, tuấn tú đặt tên là Vũ Hồn. 16 tuổi, Vũ Hồn đỗ Trạng nguyên trong kỳ thi Đình và được vua Đường hết mực khen ngợi, Trạng nguyên không chỉ trẻ nhất mà còn giỏi cả thiên văn, địa lý, phong thủy, vừa có tài năng xuất sắc lại vừa đức độ hơn người nên được vua Đường trọng dụng bổ nhiệm làm Lễ bộ Tả Thị lang- đứng đầu hàng quan Văn. Đến năm 840, Trạng nguyên Vũ Hồn được phong Đô đài Ngự sử- trông coi việc nội Triều. Sau đó, ông được vua Đường Kính Tông phái sang An Nam là Thể sử Giao Châu; Năm Tân Dậu, 841 ông được thăng chức An Nam Kinh Lược sử và đến năm 843 Tân hợi, khi tròn 39 tuổi, ông xin vua Đường nghỉ việc quan để đưa mẹ về quê ngoại Việt Nam.

Cụ Tổ họ Vũ là cụ Vũ Hồn sinh 804- mất năm 853.  Dòng họ Vũ( miền Bắc gọi là Vũ, bắt đầu từ Quảng Bình trở vào do kiêng húy nên Vũ đổi thành Võ) là một trong những dòng họ lớn nhất Việt Nam có chung một Thủy tổ là Vũ Hồn; cụ vừa là Thần tố, Thành Hoàng làng, vừa là Hương Thủy tố.

Khi đến vùng đất Lập Trạch, vốn giỏi phong thủy, địa lý nên ông Vũ Hồn nhận ra đây là đất phát đại khoa đời đời nên ông lập nên xóm nhỏ đặt tên Khả Mỗ trang lâu dần chuyển thành Mộ Trạch. Ngày mồng 3 tháng Chạp năm Quý Dậu 853, cụ Vũ Hồn tạ thế, hưởng thọ 49 tuổi. Cụ có ba người con trai thì cả ba đều đỗ đạt: Đệ Nhất lang là Tiến sĩ Nam quốc; Đệ Nhị lang là Tiến sĩ Bắc quốc; Đệ Tam lang văn võ kiêm toàn biệt phù Chiêm quốc. Cũng từ đó, con cháu họ Vũ ở Mộ Trạch học hành đỗ đạt cao và đưa làng Mộ Trạch trở thành làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Trong số 36 vị đỗ đại khoa của làng Mộ Trạch, họ Vũ chiếm đa số tuyệt đối với 9 Hoàng giáp và 20 Tiến sĩ. Từ đó, con cháu họ Vũ tỏa đi cả nước và lập nên được nhiều kỳ tích trong các lĩnh vực, trở thành những người nổi tiếng.

Dòng họ Vũ- Võ ở Việt Nam - 2

Tượng cụ Tổ Vũ Hồn


    Về Chính trị:
    Thời xưa: Trạng nguyên: Vũ Kiệt, Vũ Tuấn Chiêu, Vũ Duệ, Vũ Dương (Vũ Tích), Vũ Giới.
    Vũ Diễm: Đình Nguyên Hoàng Giáp.Vũ Tông Phan, tiến sĩ đời Minh Mạng.Vũ Duy Thanh, Đình nguyên Bảng nhãn (trạng Bồng), nhà cải cách cuối thế kỷ 19.Võ Trường Toản, chí sĩ yêu nước, một nhà giáo lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII.Vũ Phạm Hàm, Tam nguyên, Thám hoa triều Nguyễn.Võ Xuân Cẩn, đại thần triều nhà Nguyễn, Đông các Điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thái bảo, nguyên Thượng thư Bộ Hình và Tổng đốc Bình Phú, (cha vợ vua Tự Đức)...
    Thời nay: Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vũ Thiện Tuấn tức Trần Xuân Bách: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Vũ Oanh- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam. Vũ Hồng Khanh, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng.
     Vũ Văn Mẫu, một học giả về Luật Việt Nam,  từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa. Vũ Đình Hòe, luật sư, nhà báo, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Trần Chí lãnh tụ Cách mạng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Võ Sĩ, tên thật của Lê Văn Sỹ, là một liệt sĩ Cách mạng Việt Nam, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Vũ Khuyên – Giáo sư Nhà giáo Nhân dân chủ tịch Dòng họ Vũ – Võ Việt Nam. Vũ Khoan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính. Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư. Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương.Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Vũ Đức Huề tức Trần Quang Huy, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế, nay là Bộ Tư pháp Việt Nam.

     Về Quân sự:
    Thời xưa: Có Vũ Hải, Bạt Hải Đại Vương (danh tướng nhà Trần), đền thờ ở Du Lễ, Kiến Thụy, Hải Phòng.Vũ Uy - Một trong 18 vị tham gia Hội thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi chống giặc Minh. Đền thờ ông ở thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa.Vũ Văn Uyên, được nhà Lê phong Khánh Dương Hầu Gia Quốc Công .Vũ Văn Mật, tức chúa Bầu, được nhà Lê phong An Tây vương Gia Quốc Công. Vũ Công Kỷ, Thái Phó Nhân Quốc Công.Vũ Đức Cung, Thái Bảo Hòa Quốc Công Vũ Công Ứng, Thái phó Thụy Quận Công. Vũ Công Sực, Tống Quận Công. Vũ Công Tuấn, Khoan Quận Công.Vũ Văn Nhậm: tướng nhà Tây Sơn.
    Thời nay: Tổng đốc Định Biên Võ Duy Ninh - Quan chức cấp cao nhất hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1858.Quê quán Đại An, Hành Thuận, Nghĩa Hành,Quảng Ngãi. Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Vũ Nguyên Bác (Nguyễn Sơn): Thiếu tướng thường được gọi là Tướng Nguyễn Sơn. Đặc biệt là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông cũng là vị Đại tướng sống lâu nhất trong lịch sử nhân loại, ông mất vào lúc 18g09 phút, ngày 4/10/2013 hưởng thọ 103 tuổi. Đám tang Đại tướng có cả một biển người đứng hai bên đường tiễn linh cữu ông đi qua từ Nhà tang lễ quốc gia đến sân bay Nội Bài( Hà Nội) và từ sân bay Đồng Hới(Quảnh Bình) đến nơi an nghỉ cuối cùng của ông ở Vũng Chùa...

Dòng họ Vũ- Võ ở Việt Nam - 3

Tác giả đang xem rước bia Tiến sĩ.


    Về Khoa học- Giáo dục:
    Có Vũ Hữu, Nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam.Võ Tử Văn (Vũ Văn Thọ): Phó Bảng , Tư nghiệp trường Quốc Tử giám thời Vua Tự Đức.Vũ Tuyên Hoàng, nhà nông học. Vũ Ngọc Khánh, Giáo sư, người có nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long, Hà Nội.Võ Tòng Xuân, giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà nông học.Võ Quý, Giáo sư, TSKH. Võ Đình Tuấn, Ng¬ười Mỹ gốc Việt, nhà khoa học, nổi tiếng vì các thành tựu quang sinh học...

    Về Văn học:
    Có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Vũ Trọng Phụng, nhà văn, tác giả của tiểu thuyết Số đỏ. Vũ Ngọc Phan, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học. Vũ Hoàng Chương, nhà thơ.Vũ Đình Long, chủ báo, nhà viết kịch, tác giả Chén thuốc độc, vở kịch đầu tiên của Việt Nam.Vũ Đình Liên, nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân.Vũ Bằng, nhà văn, tác giả Thương nhớ Mười Hai. Vũ Cao, nhà thơ, tác giả bài Núi đôi. Vũ Đình Văn, nhà thơ.


    Về nghệ thuật:
     Có Vũ Như Tô, "Kiến trúc sư" thế kỷ 16, người phụ trách xây dựng "Cửu Trùng đài" .Vũ Năng An, nhiếp ảnh gia, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam. Võ An Ninh, nhiếp ảnh gia.Vũ Văn Ký, tức Văn Ký, nhạc sĩ. Nhạc sĩ Vũ Hoàng...
    Hàng năm vào cứ ngày 8 tháng Giêng, con cháu họ trong cả nước lại kéo nhau về dự Lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch có tổ chức rước kiệu long đình, hồng kỳ, đội tế, đội múa lân, bát bửu, bảng vàng tôn vinh 36 tiến sĩ… Lễ rước từ Miếu thờ Đức Thần Thủy Tổ Vũ Hồn vòng quanh làng rồi về Đình làng.  Thật may mắn cho một kẻ hậu duệ như tôi, đã được về quê cụ Tổ trúng ngày Hội làng. Những nam thanh niên, học sinh mặc trang phục lễ hội truyền thống, hai tay cầm bia Tiến sĩ tượng trưng đi vòng quanh làng để thành kính tôn vinh nhân tài của dòng họ Vũ-Võ của đất nước. Hàng vạn khuôn mặt hân hoan của con cháu họ Vũ ánh lên một niềm tự hào về dòng họ mình, về cụ Tổ Vũ Hồn – một người nổi tiếng tài cao, chí lớn và đức độ để con cháu đời đời tôn kính và noi theo.


                                                                                                Nhà văn VŨ ĐẢM
 Hà Nội,  Xuân Giáp Ngọ 2014

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT