Đỉnh Mẫu Sơn cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là xứ sở của mây mù, gió lạnh và sương giá quanh năm. Trong quá trình phát triển, người Dao nơi đây luôn giữ được bản sắc văn hóa rất độc đáo của mình, từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội…
Đỉnh Mẫu Sơn cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là xứ sở của mây mù, gió lạnh và sương giá quanh năm. Trong quá trình phát triển, người Dao nơi đây luôn giữ được bản sắc văn hóa rất độc đáo của mình, từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội…
Dãy núi Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn trải dài trên địa bàn xã Công Sơn thuộc huyện Cao Lộc, cùng xã Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình. Người Dao ở Mẫu Sơn gồm 4 nhóm là Dao Lù Gang, Dao Đỏ, Dao Thanh Y và Dao Lù Đạng. Đến Mẫu Sơn, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn có thể trải nghiệm cuộc sống nhiều sắc màu của người Dao nơi đây.
Nếp sống giản đơn
Người Dao ăn hai bữa chính trong ngày là buổi sáng trước khi đi làm và buổi tối, còn bữa trưa thường ăn ở trên nương. Lương thực chính là gạo tẻ và nếp, với từng loại có những cách thức và dụng cụ chế biến khác nhau. Họ dùng cối xay, cối giã đạp chân để chế biến hạt thóc thành gạo, dùng cối đá để xay xát ngô.
Một sớm lên rẫy của người Dao. Trong khi cánh đàn ông bận bịu việc đồng áng...
... thì phụ nữ ở nhà phụ trách việc nội trợ.
Người Dao nơi đây còn có tục làm xôi đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng… Màu xôi được tạo ra từ các loại lá cây để nhuộm gạo nếp trước khi đồ bằng chõ sành. Khi đồ, lần lượt cho gạo màu đỏ xuống dưới, sau đó đến các màu xanh, vàng, tím và màu trắng để trên cùng. Khi xôi chín, dỡ ra, có thể trộn lẫn các màu với nhau hay để riêng từng màu thành loại xôi nhiều màu với hương vị khác nhau và rất đẹp mắt.
Với thịt, ngoài cách chế biến thông thường như các dân tộc khác, họ còn có món thịt treo ướp muối độc đáo, món này ăn kèm với lá sau sau non lạ miệng và không bị ngấy. Lá sau sau cũng là vị thuốc hỗ trợ tiêu hoá rất tốt, nên việc đồng bào Dao ăn kèm loại lá này với thịt treo là cả một nghệ thuật và khoa học.
Sau mùa thu hoạch, ngô được phơi trên gác bếp, giữ khô, tránh mối mọt, ngô ám khói bếp ngả màu và có vị rất đặc trưng. Người Dao có truyền thống làm men rượu từ lá cây rừng. Rượu được nấu và ủ với men lá và chưng cất từ các loại cây lương thực chủ yếu như: Lúa, ngô, hạt kê.
Một góc gian bếp của người Dao.
Trang phục rực rỡ
Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Mỗi nhóm người Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ, đặc sắc.
Những người mẹ, người bà nơi đây dạy cho con gái, cháu gái mình việc dệt vải, thêu thùa từ bé. Vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, các thiếu nữ Dao ngồi vắt vẻo giữa lưng chừng đồi thi đua nhau thêu áo mới. Họ thêu cặm cụi hằng tháng, thậm chí là cả năm trời mới hoàn chỉnh một bộ quần áo như ý.
Những người bà, người mẹ dạy con và cháu gái của mình dệt vải, thêu thùa từ bé.
Các bà, các cô thường mặc áo dài bốn thân bổ tà trước ngực, bên trong là áo yếm. Áo váy của họ bên cạnh những mảng thêu dày lớp lớp hoa văn còn gắn các dây hạt cườm nhiều màu sắc điệu đà. Ở phần lưng eo, người ta thắt một dải vải màu trắng với các đường thêu tỉ mỉ, tinh tế.
Trang phục đầy sắc màu của phụ nữ Dao Lù Gang.
Trang phục đàn ông người Dao đơn giản hơn nhiều. Áo thường là màu đen, có đính các tua chỉ ngũ sắc để trang trí. Quần ống rộng buộc néo bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ. Đầu đội khăn xếp hoặc đơn giản hơn thì buộc một chiếc khăn mặt to trông rất khỏe khoắn.
So với phụ nữ, trang phục của cánh mày râu có phần giản đơn hơn. Áo thường màu đen, có đính chỉ ngũ sắc; quần ống rộng; đầu đội khăn xếp.
Người Dao chuộng trang sức bạc nên trong các dịp quan trọng, họ thường gắn các ngôi sao bằng bạc lên váy áo, đeo dây xà tích bạc bên hông, đeo khuyên bạc lớn ở tai, đeo nhiều vòng bạc xủng xoảng ở tay.
Lễ cưới náo nhiệt
Phong tục cưới của người Dao ở Mẫu Sơn rất đặc biệt, họ quan niệm mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi ông mặt trời còn chưa thức dậy. Giờ cô dâu khởi hành, bước ra khỏi nhà và bước vào nhà chồng nằm trong những nghi lễ quan trọng và giờ giấc phụ thuộc vào thầy cúng. Xưa kia trai gái người Dao thường được dựng vợ gả chồng trước tuổi hai mươi. Nay việc kết hôn đã được thực hiện đúng độ tuổi mà Luật hôn nhân quy định như các dân tộc khác.
Phong tục cưới của người Dao ở Mẫu Sơn là một nét văn hóa vùng cao đầy thú vị.
Một đám cưới gồm lễ dạm hỏi (nải nham), lễ trao lộc mệnh (giấy ghi ngày, tháng, năm sinh của đôi trai gái để so tuổi), lễ thỏa thuận cam kết và lễ cưới. Khi nhắc đến tục cưới gả, không thể không nói đến hát giao duyên và tiếng kèn Pí lè đón dâu.
Vào ngày cưới, chú rể thường mặc áo dài màu trầm phủ ngoài quần dài, vai khoác và buộc tấm khăn to kèm thêm dải khăn dài thêu thổ cẩm màu vàng đỏ. Trên đầu đội mũ cùng khăn che mặt màu tối. Phía cô dâu thì áo váy cầu kỳ hơn nhiều. Ngoài của hồi môn, cô dâu phải có hai bộ trang phục để về nhà chồng. Một bộ lúc rời nhà bố mẹ đẻ và một bộ thay trước khi bước vào nhà trai.
Trang phục của cô dâu gồm khăn che mặt, áo dài nhiều lớp cùng quần và 4 chiếc thắt lưng. Mỗi bộ trang phục của cô dâu người Dao trung bình có từ 3 đến 10 lớp. Gia đình nào sung túc thì trang phục cô dâu sẽ được may nhiều lớp hơn. Nhà trai háo hức đón dâu từ tinh mơ, còn cô dâu hồi hộp chuẩn bị sẵn sàng mọi tư trang, đồ đạc để lên đường. Trước khi vào cổng nhà trai, đoàn nhà gái sẽ dừng lại để các phù dâu phụ giúp thay đồ mới cho cô dâu. Lúc này, cô dâu đeo thêm vòng cổ, vòng tay, trang sức bằng bạc. Trên tay cô dâu chú rể đều được đặt ngay ngắn một tấm vải trắng thêu họa tiết đơn giản để làm lễ bái đường.
Trang phục trong ngày cưới của cô dâu - chú rể.
Cả hai chuẩn bị làm lễ bái đường.
Phần lễ đón dâu được tổ chức long trọng nhất, có đội trống kèn và đông đảo họ hàng hai bên chứng kiến. Khi cô dâu vào trong nhà, thầy cúng sẽ đứng ra làm lễ tơ hồng để công nhận cô dâu chính thức trở thành con cháu trong nhà.
Phía sau cô dâu, chú rể là thầy mối. Người được chọn làm thầy mối phải có gia đình hạnh phúc, đầy đủ con trai con gái, có uy tín với người dân. Nghi lễ gồm vái gia tiên, vái thầy cúng, vái bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái. Trên bàn thờ tổ tiên sắp xếp 12 đôi đũa, 12 bát và 12 chén rượu. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, người thân hai nhà mang nhiều rượu ra, đong thành chén để trên một cái sàng gạo và thực hiện lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn bà con họ hàng đến giúp đám cưới.
Cô dâu - chú rể thực hiện động tác trao rượu giao bôi.
Mỗi người được mời một chén rượu kèm theo miếng gan lợn luộc. Ai cũng phải uống hết để chúc mừng hạnh phúc cho chú rể, cô dâu và gia đình. Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới được chuẩn bị khá chu đáo và thịnh soạn để mời khách.
Lễ cưới không chỉ là dịp chúc phúc cho đôi trẻ mà còn là nơi dân làng gặp gỡ, tạo nên một khung cảnh rất đặc sắc và náo nhiệt. Người Dao ở Mẫu Sơn hồn nhiên như cây cỏ, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc…
Nụ cười hạnh phúc của đồng bào Dao trên đỉnh Mẫu Sơn.