BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 1Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM:

“Chúng tôi kể cho du khách nghe, để họ hiểu thế nào là tội ác chiến tranh, để họ yêu hòa bình”!

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những ảnh hưởng của nó còn rất sâu đậm trong đời sống của rất nhiều người dân Việt Nam. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM đã sưu tập, giữ gìn và lưu truyền các hiện vật lịch sử, với ước nguyện để mọi người hiểu và đồng cảm với những con người đã hy sinh gian khổ cho độc lập, hòa bình, đồng thời nói lên nghị lực phi thường và khát vọng vươn lên của những con người đầy nghị lực ấy. Để tìm hiểu thêm những hoạt động của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, phóng viên Tạp Chí Du lịch TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM:

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 2
Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM

*Phóng viên: Xin chào, Bà có thể giới thiệu khái quát về hoạt động của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM trong thời gian qua?

- Bà Huỳnh Ngọc Vân: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM được thành lập ngày 4/9/1995, lúc đầu là Nhà Trưng bày. Cho đến nay, Bảo tàng đã có trên 15.000 hiện vật và rất nhiều tài liệu quý về các cuộc chiến tranh. Chúng tôi tái hiện nhiều góc nhìn khác nhau về chiến tranh. Tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa du khách và các nhân chứng: những người từng bị tù đày, các nạn nhân chất độc da cam… Với lĩnh vực hiện vật chiến tranh, Bảo tàng đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân thế giới. Năm 2010, Bảo tàng đã tiếp đón hơn 200.000 lượt du khách, năm 2011 đã có hơn 660.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Chúng tôi tin tưởng những gì đang trưng bày tại đây sẽ là nhân chứng sống động nhất, và nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 3
Bộ sưu tập vũ khí chiến tranh

*Bà có thể cho biết về công tác sưu tầm, bảo quản và trưng bày các hiện vật?

- Có lẽ phải kể đến Bộ sưu tập vũ khí, phương tiện chiến tranh mà Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam, như: Máy bay, xe tăng, đại bác, bom, mìn…Bộ sưu tập hiện vật liên quan đến tội ác chiến tranh, như rocket, lựu đạn, những phương tiện mang chất độc hóa học, chất độc da cam đã để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ sưu tập ảnh của 134 phóng viên từ 11 quốc gia và các phóng viên ảnh trong nước, khắc họa chân dung những nạn nhân chất độc da cam, hay tấm gương vượt qua nỗi đau để sống. Những thước phim tư liệu về hậu quả chiến tranh. Có thể nói, việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật chỉ là một góc nhỏ trong khối các công việc chuyên môn của anh chị em nhân viên Bảo tàng. Các công việc đã chiếm rất nhiều thời gian, công sức của các bộ chuyên môn, như đi tìm kiếm, khai quật, xác minh, lập hồ sơ để hiện vật đó trở thành những hiện vật của Bảo tàng, bảo quản hiện vật tránh hư tổn, rỉ sét. Khi trưng bày cũng phải nghiên cứu phương pháp, kịch bản trưng bày. Phối hợp hiện vật với ánh sáng, vị trí…

Hiện vật của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM rất khác biệt, lại mang không khí buồn, đau thương, đòi hỏi những người gắn bó với Bảo tàng phải rất tâm huyết và tin tưởng rằng những việc mình làm sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho xã hội. Khi tiếp xúc với những nhân chứng, những nạn nhân, chúng tôi rất trăn trở, làm thế nào để tái hiện được hết những nỗi đau, những hậu quả mà chiến tranh để lại. Để rồi chúng tôi kể cho du khách nghe những câu chuyện về những nỗi đau ấy, để họ hiểu được thế nào là tội ác chiến tranh, để họ yêu hòa bình. Đó là những trăn trở lớn nhất của chúng tôi.

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 4
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM

*Tiền thân là Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh từ năm 1975, qua 37 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng đã đạt được những thành tích nổi bật nào?

- Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 1995), Huân chương Lao động hạng 2 (năm 2001). Chúng tôi rất lấy làm phấn khởi, quý trọng, song điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là tình cảm của du khách. Đó là cảm xúc của họ trước những bằng chứng tội ác, họ đã ngẫm nghĩ, đã xúc động và có những chuyển biến về suy nghĩ… Rất nhiều du khách quốc tế sau khi trở về nước, đã có nhiều hành động hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Họ kêu gọi, vận động các tổ chức y tế, giáo dục, văn hóa… và rất nhiều trong số họ đã quay trở lại Việt Nam với vai trò Tình nguyện viên, hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh vượt lên mất mát, đau thương. Rất nhiều trong số họ đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, đây là nơi để họ nhìn lại những gì họ đã gây ra, rồi ăn năn, sám hối, và cũng là nơi để họ hiểu sự độ lượng, bao dung của nhân dân Việt Nam. Đó là những phần thưởng tinh thần rất quý báu đối với những người gắn bó với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM.

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 5

*Theo Bà, làm thế nào để Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM luôn thu hút, hấp dẫn du khách?

- Bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn, chúng tôi rất chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Đội ngũ Hướng dẫn viên trẻ, nhiệt huyết, thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách quốc tế. Khi họ nhất thiết đòi gặp những nhân chứng sống, chúng tôi đều cố gắng tổ chức, sắp xếp để họ được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc, trò chuyện.

Bảo tàng có mối quan hệ thân thiết với các Công ty Du lịch, đây là một trong những lựa chọn ưu tiên cho các tour đến Việt Nam. Chúng tôi cũng tiến hành quảng bá thông tin, hình ảnh trên trang web và nhiều phương tiện truyền thông khác.

Song song đó, chúng tôi thường niên tổ chức các hoạt động phong trào như: Ẩm thực thời kháng chiến; trưng bày triển lãm tranh của các em thiếu nhi bị nhiễm chất độc da cam… Để du khách trực tiếp chứng kiến, cảm phục trước tinh thần của các em, vượt lên những dị tật, thiệt thòi để học tập, lao động. Nhiều du khách quốc tế đã canh các thời điểm diễn ra các sự kiện này để quay lại Việt Nam.

Tại Ngày hội Du lịch TP.HCM, năm 2011, do Sở VHTTDL TP.Hồ Chí Minh tổ chức, khi đến tham gia, chúng tôi mới thấy mình khác biệt, các đơn vị khác trưng bày rất công phu, cầu kỳ, chúng tôi tham gia với gian hàng khiêm tốn, để giới thiệu về Bảo tàng. Gian hàng của chúng tôi đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn du khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin qua các tờ rơi, tài liệu phát miễn phí.

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 6

*Với khoảng 60 cán bộ, nhân viên, Ban Lãnh đạo có những hoạt động phong trào nào chăm lo đời sống tinh thần của anh chị em?

- Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong năm, kể cả Lễ, Tết, nên anh chị em phải luôn phiên nhau đi làm. Gồng gánh công việc cho nhau, sẵn sàng thay thế bảo đảm công việc luôn thông suốt. Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em tham gia học tập, nâng cao trình độ, về kiến thức chuyên môn, tin học, ngoại ngữ… Tổ chức các Hội thi tay nghề nội bộ: Như cuộc thi Hướng dẫn viên, Hội thi tay nghề bảo vệ, công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách... Qua đó, anh chị em trao đổi rút ra nhiều kinh nghiệm phục vụ cho công việc chính của mình, đồng thời hiểu thêm để hỗ trợ đồng nghiệp ở các bộ phận khác. Mỗi chuyến đi thực tế, sưu tầm hiện vật đều có nhiều cán bộ ở nhiều bộ phận khác nhau cùng đi, để tạo điều kiện ai cũng được đi cọ sát với thực tế. Đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ chung. Với những sự kiện, hội nghị, chúng tôi không thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, mà để anh chị em tự lên ý tưởng, lập kế hoạch và thực hiện. Từ đó, khơi dậy sự sáng tạo, nhiệt huyết của tất cả các cán bộ, nhân viên. Để cùng nhau làm, cùng hoàn thành ý tưởng, thêm phần đoàn kết.

*Bà có thể cho biết những hoạt động nổi bật của Bảo tàng trong năm 2012?

- Sắp tới, tại Ngày hội Du lịch TP.HCM (tháng 4/2012), chúng tôi sẽ tham gia sâu hơn về lĩnh vực Bảo tàng. Giới thiệu sâu các hoạt động cụ thể, mục đích là tuyên truyền, giáo dục về hòa bình. Ngoài các hoạt động truyền thống là trưng bày và thuyết minh, năm nay Bảo tàng có những hoạt động mới: tổ chức giao lưu với các nhân chứng chiến tranh, các nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi cũng phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và một số đơn vị, tổ chức cuộc vận động sáng tác tranh cổ động về đề tài Hòa bình. Đây là lần đầu tiên tổ chức cuộc vận động, chúng tôi rất hy vọng thu hút được nhiều bạn trẻ, quan tâm, yêu chuộng hòa bình.

Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức chuyến giao lưu, nói chuyện với hơn 6.000 công nhân ở Khu Chế Xuất Linh Trung, với đề tài Tình yêu trong chiến tranh. Họ đã rất hào hứng tham dự, họ thật sự xúc động và bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều buổi giao lưu như vậy. Từ đó, chúng tôi thấy được nhu cầu tinh thần của thanh niên, công nhân là có thật, trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy phong trào này.

*Xin cảm ơn, chúc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM có thêm nhiều hiện vật, tư liệu quý và ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế nhiều hơn nữa!

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH - 7
Một du khách chăm chú đọc thông tin về những hình thức tra khảo giã man

T.H
(Thực hiện)

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT