100 năm trước người Pháp đã biến bán đảo Đồ Sơn thành khu nghỉ mát như thế nào?
Đầu thế kỷ XX, trung tâm nghỉ mát Đồ Sơn càng được nhiều người biết đến và lui tới. Những yếu tố như: đường vào thuận lợi, cảnh trí như tranh, khí hậu trong lành, sự chào đón niềm nở… đã giúp Đồ Sơn trở thành điểm đến lý tưởng ở Bắc Kỳ.
Tuần san Indochine là tờ báo tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes, hoạt động từ đầu năm 1940 đến cuối năm 1944. Tờ báo này có ưu thế khi thu hút được nhiều cộng tác viên là thành phần trí thức ưu tú của Pháp và Việt Nam trong những năm 40 thế kỷ trước, trong đó có nhiều người là thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đưa lên mặt báo mọi vấn đề, chính trị cũng như nghệ thuật, kinh tế cũng như văn chương. Vì vậy Indochine là một tờ báo có nội dung đa diện và đa dạng, đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm cũng như bình dân thời bấy giờ.
Trên tờ tuần san này, bên cạnh những bài viết về khoa học kỹ thuật, giáo dục, lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, tập tục, công trình kiến trúc…, còn có các bài viết về việc quy hoạch các đô thị, các khu nghỉ mát nghỉ dưỡng ở Đông Dương. Bài viết Những điểm nghỉ mát trên biển của Bắc Kỳ: Đồ Sơn của tác giả X. (Tuần san Indochine số 176, ngày 13/01/1944 có đăng) là một ví dụ.
Theo bài viết, người Pháp biết đến bán đảo Đồ Sơn từ khá sớm. Năm 1880, Jean Dupuis đổ bộ lên bán đảo nhưng chỉ khảo sát qua loa các địa điểm. Năm 1886, các ông Vlaveanos, Costa và Gouma “phát hiện” ra Đồ Sơn. Bị chinh phục bởi sự trong lành của khí hậu nơi này, ba người đã khuyên các gia đình muốn trốn cái nóng oi bức của Bắc Kỳ, hãy tới các bãi biển của Đồ Sơn. Làm theo những người táo bạo đi ngựa qua các bãi và đầm lầy hoặc trên những chiếc thuyền tam bản thô sơ, các gia đình này đã mạo hiểm ra Đồ Sơn và dựng nhà lá.
Sau đó không lâu, một công ty thương mại, rồi Nha Thương chính (thuế quan), thiết lập dịch vụ vận chuyển hàng tuần giữa Đồ Sơn và đất liền bằng xà lúp mà những người Hải Phòng gọi là xà lúp của những ông chồng. Chiếc xà lúp này không thể cập sát vào các bãi biển, do đó du khách đi nghỉ hè phải thuê ngư dân dùng thuyền chở vào bờ hoặc cõng.
Năm 1891, một tuyến đường bộ nối Hải Phòng với Đồ Sơn được khởi công và năm 1892 thì hoàn thành. Vào thời kỳ này, trú sứ Kiến An cho xây dựng ở Đồ Sơn một ngôi biệt thự. Việc làm này của ông ngay lập tức được hàng chục gia đình hưởng ứng và số căn nhà bằng gạch xây mới tại Đồ Sơn ngày càng nhiều. Những chiếc xe hơi đầu tiên ra đời càng tạo điều kiện cho Đồ Sơn phát triển. Các con đường lớn dần dần thay thế những tuyến đường mòn và người ta có thể đi lại khắp thị trấn trên những con đường to đẹp phần lớn đã được trải nhựa.
Càng ngày trung tâm nghỉ mát Đồ Sơn càng được nhiều người biết đến và lui tới. Những yếu tố như: đường vào thuận lợi, cảnh trí như tranh, khí hậu trong lành, sự chào đón niềm nở… đã giúp Đồ Sơn trở thành điểm đến lý tưởng ở Bắc Kỳ.
Hàng năm từ tháng 5 tới tháng 10, Bãi Lớn, vịnh Clateau, vịnh Hoa tiêu (Baie des Pilotes), vịnh Pagodon rất nhộn nhịp. 150 biệt thự, 3 khách sạn và nhiều hàng ăn không đủ phục vụ khách đi nghỉ hè.
Bài viết cũng cho biết, bán đảo Đồ Sơn là vùng đất giành được nhiều sự ưu ái của Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đây là vọng gác của đất liền vươn ra biển, dãy núi liên tục được gió biển mang lại sự trong mát và lành mạnh. Đồ Sơn không chỉ thu được thành quả to lớn vào mùa hè nóng nực mà vào duyên dáng lôi cuốn của nó còn sinh động hơn vào mùa xuân và mùa thu. Vào hai mùa này, sự biến mất của cái nóng cho phép người ta thoải mái đi dạo trên những đoạn đường dài hay đua thuyền ra Hon – dâu (Hòn Dấu) và những ngày chủ nhật thị trấn nhỏ lại nhộn nhịp trong vài giờ.
Dân cư Đồ Sơn đa phần sống tại các làng chài nằm bên bờ biển lô nhô đá. Tuy nhiên vào những năm 1940, số người Âu sinh sống tại đây gia tăng đáng kể do nhiều gia đình ở Hải Phòng chạy ra để tránh bom.
Bài viết cũng cho biết, quá trình người Pháp quy hoạch bán đảo Đồ Sơn thành đô thị: Năm 1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ký ban hành Nghị định ngày 18/5 về việc nâng Đồ Sơn lên thành đô thị. Năm 1911, địa hạt của đô thị này được chia thành ba khu và được xác định rõ vào năm 1929. Địa giới hành chính của khu khu đô thị được phê chuẩn vào năm 1933 và các thủ tục đăng ký nhà đất được thực hiện bằng Nghị định ngày 27/5/1940.
Ngày 31/12/1921, thị trấn được coi như ngoại ô đặt dưới quyền của thị trưởng Hải Phòng. Theo Nghị định ngày 29/2/1924, của Toàn quyền Đông Dương, Đồ Sơn trực thuộc tỉnh Kiến An.
Vào những năm 1940, các công trình đô thị hóa được đẩy mạnh. Hai tuyến đường, một tuyến nối dinh thự của trú sứ với Nhà Thanh Niên, một tuyến chạy men theo bờ biển có biệt thự Saint Mathurin tới khu quân sự được lập ra; một sân thể thao cạnh đồn binh. Một khu chợ và một lò mổ phù hợp với quy mô của thị trấn được xây dựng. Bên cạnh đó, chính quyền dự định sẽ xem xét quy hoạch các làng cá, trong đó mỗi nhà từ nay trở đi sẽ có vườn rau.
Câu lạc bộ Hàng hải Đồ Sơn có một cơ sở khá duyên dáng. Thuyền đơn, ván lướt, thuyền máy phao hơi là những thứ gây hứng thú cho các vận động viên thể thao trong mùa hè. Hàng năm, các cuộc đua thuyền tại đây giành được nhiều thành công lớn và thu hút một lượng lớn những người đam mê thuyền buồm đến từ khắp xứ Bắc Kỳ.
Có thể nói sự quan tâm của Đô đốc Jean Decoux trong việc làm đẹp khu nghỉ mát là một sự đảm bảo vững chắc cho sự thành công của các công trình đã thực hiện…
Cuối cùng, bài viết kết luận: Bán đảo Đồ Sơn giữ vai trò quan trọng ở Bắc Kỳ. Bởi đây vừa là khu nghỉ mát nổi tiếng vừa là ngư trường lớn. Những thành tựu đạt được hiện nay về phương diện du lịch cũng như về kinh tế của Đồ Sơn cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của vùng đất này.