VỀ TRÀ SƯ MÙA NƯỚC NỔI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VỀ TRÀ SƯ MÙA NƯỚC NỔI - 1

 

 

Đến Trà Sư thích nhất là vào mùa nước nổi, cả khu rừng Tràm ngập nước mênh mông. Mặt nước rải đầy bèo tấm trông như thảm nhung xanh mướt. Mùa của cây cỏ xanh tươi, Sen, Súng khoe sắc, chim chóc no nê bay rợp trời, cá từng đàn tung tăng bơi lội dưới nước

Từ năm 2005 rừng Tràm Trà Sư được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, diện tích 845ha. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 10km. Rừng Tràm Trà Sư nơi sinh sống định cư của khoảng 11 loài thú, 23 loài cá 70 loài chim, trong đó Điêng Điểng và Giang Sen thuộc loại rất qúi hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Trung tuần tháng 9.2011, nghe tin lũ lớn, chúng tôi háo hức về Trà Sư. Từ thị trấn Nhà Bàn, rẽ vào tỉnh lộ 948, đến cây số 6 nhìn bên trái là lối vào rừng tràm Trà Sư. Trước đây đoạn này là đường đất nhỏ, hẹp nên xe lớn không vào được. Mùa nắng bụi mù, mùa mưa bùn nhão, đất cuốn vào bánh xe, đường trơn như mỡ. Đoạn đường chỉ có 3,5 km mà xe chạy vật vã như một thách thức. Bây giờ đường nhựa thẳng tắp, đi một mạch tới cửa rừng. Đi bộ thêm vài bước chân qua chiếc cầu dây đẹp như dải lụa vắt qua con kênh là tới thế giới chim chóc.

VỀ TRÀ SƯ MÙA NƯỚC NỔI - 2

Tác giả Hồ Kim Loan tại rừng Tràm

Nơi bình yên chim hót

Trà Sư đón chúng tôi trong không khí mát dịu yên ả. Sau mấy năm trở lại đây, trụ sở rừng vẫn bé nhỏ khiêm tốn không hề thay đổi. Vẫn chiếc ti vi cũ kỹ ở góc phòng, trên tường treo bản đồ rừng tràm và một số hình ảnh giới thiệu sơ sài. Chị Lan nhân viên khu sinh thái, có bầu, dáng nặng nề, vui vẻ đón đoàn. Chúng tôi được mời uống nước trà, nghe giới thiệu về các tuyến du lịch trong rừng, các loại tài nguyên như động vật hoang dã, thảm thực vật, các loài thuỷ sản. Chị nói trong ánh mắt lấp lánh: “Năm nay lũ “đẹp” nên khách đến Trà Sư đông hơn, chúng em tất bật, mệt nhưng mà vui ”

Theo chương trình, chúng tôi sẽ lên tắc ráng chạy qua các con kênh rồi bơi xuồng vào vùng lõi. Hôm nay khách không đông, nhưng cũng phải chờ khá lâu vì thiếu phương tiện. Hiện nay, cả rừng chỉ mới có 6 chiếc tắc ráng, đang có kế hoạch mua thêm.

Rừng được chia thành nhiều khu, ở đây quần xã thực vật thân gỗ chỉ có cây tràm và một số loại thực vật thủy sinh. Chiếc tắc ráng nhẹ nhàng rẽ sóng đưa chúng tôi đi giữa những cánh rừng Tràm thẳng tắp, dài hun hút. Cảnh sắc thay đổi liên tục, thấp thoáng những bông súng ma màu trắng tinh kiết, trong nắng sớm những bông Sen hồng, những lá Sen to như chiếc nón xanh ngắt nổi bật trên mặt đầm, thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ những bông Tràm. Chiếc tắc ráng nhẹ nhàng lách qua, hơi nước phả lên mặt mát rượi.

Vào vùng lõi, chúng tôi chuyển sang đi xuồng. Chị Năm chèo xuồng nhè nhẹ đưa chúng tôi len lỏi vào sâu giữa rừng bốn bề im ắng ngát ngát mùi hương tràm. Không gian yên tĩnh, mọi người như nín thở, im lặng lắng nghe hơi thở của cỏ cây, tiếng thì thầm của chim chóc.

Chiếc xuồng chở chúng tôi bồng bềnh trên mặt nước rải đầy bèo tấm trông như tấm thảm nhung màu xanh mạ, ai cũng xuýt xoa ngỡ ngàng trước cảnh sắc êm đềm. Chị Năm nói: “Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi. Mấy năm qua lũ “non ”, nước ở rừng chỉ lấp xấp. Năm nay, nhờ lũ “đẹp” nên rừng xanh tốt”.

Đi rừng vào mùa nước nổi mới thấy hết sự phong phú đa dạng của động thực vật nơi đây. Trên mặt nước, chỗ thì bèo tấm nhỏ li ti, dày đặc như một tấm thảm xanh, chỗ thì bèo cánh to phổng phao, chỗ thì Sen, Súng khoe sắc. Rất nhiều loài cây thuỷ sinh có hoa nổi trên mặt nước khá đẹp. Ấn tượng nhất là những bông súng ma hoa trắng nhị vàng.

Ở đây, thiên nhiên được nâng niu gìn giữ, nên chim chóc thân thiện. Cạnh gốc Tràm, những chú chim mơ màng đứng nhìn trời đất. Đôi bạn trích cồ khoác chiếc áo màu xanh lam, mỏ đỏ ngơ ngác nhìn chúng tôi như thắc mắc. Tiếng chim líu lo, thỉnh thoảng nghe tiếng chiêm chiếp ở ngay trên đầu, ngước nhìn thấy tổ chim, chú chim non đang thập thò ngóng mẹ... Xa xa, những đôi uyên ương đứng bẽn lẽn. Chim mẹ âu yếm tỉa lông cho con...

VỀ TRÀ SƯ MÙA NƯỚC NỔI - 3

Đang mải chiêm ngưỡng mấy chú chim, chìm đắm trong không gian bao la, tôi giật mình nghe tiếng quẫy mạnh. Khi nhìn xuống nước, tôi thấy cả đàn cá tung tăng. Theo con nước ùa về, đặc biệt mùa nước nổi, rừng có nhiều loài cá trắng như cá mè vinh, cá linh, lăng...

Xuồng chúng tôi luồn lách trong rừng tràm mênh mông, bát ngát một màu xanh tít tắp. Chị Năm chống xuồng nghỉ ngơi bên gốc tràm cổ thụ. Khi tôi hỏi về công việc, chị tâm sự: “Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, mùa nước nổi nhiều khách đến thăm rừng, chèo xuồng cũng kiếm được 10.000 đồng/chuyến. Ngày nào đông khách, bà con mừng lắm, bởi mỗi người cũng được năm bảy chuyến”.

Hương hoa gọi mời

Sau khi khám phá thế giới dưới nước chúng tôi lên tháp canh. So với trước, tháp mới cao hơn, khoảng 15 m với 5 tầng bề thế, vững chãi, thay cho tháp cũ đơn sơ. Mỗi tầng đều có khoảng rộng để du khách dừng chân thoải mái chiêm ngưỡng ngắm cảnh quan thay đổi từ thấp lên cao khá thú vị. Nhưng kể ra công trình này hơi thô cứng so với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ mộc mạc ở đây. Giá như tính toán kỹ hơn, thiết kế một tháp canh mềm mại, nhẹ nhàng thanh thoát như một tác phẩm nghệ thuật sẽ tôn thêm vẻ đẹp của khu đất ngập nước ở giữa vùng bán sơn địa này.

VỀ TRÀ SƯ MÙA NƯỚC NỔI - 4

Nghe giới thiệu loại ống nhòm 5 ngàn đồng (đổi 5 ngàn đồng được đồng xu bỏ vào ống xem 3 phút), chúng tôi háo hức lên tầng trên cùng. Kể ra cũng đáng đồng tiền bát gạo khi nhìn qua kính viễn vọng thấy rõ đất nước chùa tháp, kênh Vĩnh Tế mùa nước nổi nước trắng xóa, những thảm rừng xanh lốm đốm màu trắng. Đó chính là bóng dáng hàng vạn chú cò trắng đang bay lượn dập dờn.

Đứng trên tháp canh, sướng nhất được ngắm toàn cảnh mùa nước nổi ở đây. An Giang trông như hòn non bộ của Đồng bằng sông Cửu Long do nằm vũng trũng, khu vực tứ giác Long Xuyên, lại có núi non, biển cả. Từ đây thấy rõ năm non bảy núi, sừng sững dãy núi Thất Sơn hùng vĩ mịt mù mây phủ, nhìn về Châu Đốc thấy núi Sam đứng cô đơn, núi Sập lẻ loi một mình ở Thọai Sơn...

Chiều về, nắng nhạt dần. Vào lúc hoàng hôn, lũ chim sau một ngày kiếm ăn no nê từng đàn bay về tổ. Tiếng vỗ cánh rộn ràng, những màn biểu diễn chao liệng như múa. Chúng tụ họp chí chóe ầm ĩ, thật náo nhiệt đông vui. Bọn cồng cộc, le le đứng lấp ló trên ngọn cây, cò trắng bay rợp trời. Con giang sen chân dài mảnh mai kiêu sa, điệu đà làm dáng trên những cành cây cong. Bọn dơi quạ cũng lũ lượt kéo về đu mình trên các ngọn cây, có con giang cánh dài cả thước... Mải mê ngắm chim cò chúng tôi như lạc vào thế giới thần tiên chỉ có chim chóc ríu rít cây cối xanh tươi, thật diệu kỳ, khó tìm nơi nào thanh bình như ở chốn này.

Đói bụng chúng tôi vào căn tin. Đủ các các món ăn đồng quê, cá lóc rừng cuốn lá sen nướng trui, gà nướng muối ớt, gỏi gà, cháo gà, cua đồng chấm mắm me, cá lóc hấp bầu… thức ăn ngon, giá rất phải chăng. Chiều xuống, chúng tôi ra khỏi rừng nhưng lòng vẫn vấn vương .

Trà sư nơi ấy đâu xa

Tràm chen Sen, Súng hương hoa gọi mời.

 

Đầu tư chưa xứng với tiềm năng

Ở đây, quà lưu niệm nghèo nàn, chỉ có mấy chồng mũ tai bèo bày lèo tèo, trong một tủ kính be bé tại văn phòng. Ngoài mũ ra tìm mỏi mắt không có món quà gì đặc trưng của rừng tràm Trà Sư. Tôi đã từng đi nhiều nơi như Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Thành Cổ và một số khu lưu niệm… đều có bán loại mũ này nhưng phải công nhận chưa đâu có mũ đẹp như ở Trà Sư. Mũ bằng loại vải dù nhẹ, in lô go của rừng sắc nét, ghi hai câu thơ khắc họa bức tranh rừng tràm như mời gọi mà giá chỉ có 20.000đồng/cái. Ngoài mấy cái mũ tai bèo ra chẳng có gì để mua, khách đến đây muốn tiêu tiền cũng khó.

Trà Sư có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, tiềm năng rất lớn nhưng đầu tư chưa xứng tầm. Sau mấy năm “tiếng lành đồn xa”, khách đến nhiều hơn nhưng dịch vụ vẫn chưa có gì khởi sắc, kể cả dịch vụ nghỉ dưỡng. Khách muốn ở lại xem bình minh chim hót cũng chịu. Cả vườn chỉ có mấy cái tum (lều) không đủ sức chứa. Nhà vệ sinh tạm bợ, sơ sài nhưng không vệ sinh, phải dũng cảm mới dám dùng, nếu không chỉ có cách… “nhịn”.

Để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, thì Ngành Du lịch địa phương còn nhiều việc phải làm. Muốn rừng tràm Trà Sư thu hút khách đến tiêu tiền góp phần thay đổi diện mạo cũng như đời sống của cư dân địa phương, đòi hỏi các ngành chức năng đổi mới về tư duy, chuyên nghiệp trong khâu phục vụ; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, có nơi nghỉ dưỡng, có nhà vệ sinh... Tổ chức giới thiệu bài bản về tài nguyên rừng, nên có phòng triển lãm, phòng chiếu phim. Trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho người chèo xuồng, bởi họ chính là những hướng dẫn viên tốt nhất giới thiệu với du khách vẻ đẹp và sự giàu có của rừng.

HKL

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT