VỀ THĂM PHỐ CỔ HÀ THÀNH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VỀ THĂM PHỐ CỔ HÀ THÀNH - 1

 

 

Phố cổ Hà Nội lúc nào cũng đông vui. Trong không gian xưa cũ, đầy ắp tiếng cười, khách nhiều hơn chủ nhà nên ai cũng cởi mở mặt mày rạng rỡ. Đi chơi ở chỗ mọi người vui nên rất thích...

 

 

Tại bữa ăn sáng ở khách sạn, cô Marie Laure (du khách Pháp) ngồi cùng bàn quay sang nói: “Khách sạn này giá phòng cao ngất, các bạn Việt Nam giàu thật!”. Tôi cho cô biết, tôi là đại biểu tham dự hội thảo và được Ban Tổ chức bố trí ăn ở tại đây, chứ ăn ở tự do thì tôi không dám đặt chân đến. Marie Laure cho hay, cô ở đây vì đặt phòng từ năm ngoái nhân dịp khách sạn khuyến mãi và chỉ ở một ngày. Trưa nay trả phòng, nên sau bữa ăn sáng cô sẽ vào Phố cổ tìm nơi trọ. Theo cô, ở đó giá cả dễ chịu và muốn hiểu kỹ về đời sống người dân Hà Nội, hiểu về Thủ đô ngàn năm của Việt Nam thì phải ở Phố cổ.

Nghe cô nói mà tôi ngỡ ngàng. Tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mà dường như biết ít hơn cô gái phương xa này. Phải chăng vì gần gũi quá, quen mắt quá mà tôi quên cái đẹp ẩn tàng nơi chôn nhau cắt rốn? Và sau hội thảo, tôi làm theo gợi ý của Marie Laure.

Tây rành hơn ta

Lần đầu đến Hà Nội mà lớ ngớ thì phòng ốc khó khăn, không biết chỗ thì ăn uống đắt đỏ, đi lại lúng túng… thiếu thông tin chả biết đi đâu, ăn ở chỗ nào, nhiều thứ tù mù làm chán nản. Nếu biết thì nhiều chỗ ăn ngon, bổ, rẻ… Ăn, ngủ ở đâu sạch sẽ thuận tiện, giá phải chăng thường là nỗi lo của du khách. Phố cổ, khách sạn nhiều san sát có đủ loại, đáp ứng mọi nhu cầu, muốn ở kiểu gì cũng có. Nhiều tiền thì vào khách sạn sang trọng có “sao” giá ngất ngưởng được phục vụ tới tận răng. Loại thường thường bậc trung thì đầy rẫy, phòng 1 người thì xấp xỉ vài trăm ngàn đồng/ngày, 2 người thì có giá cỡ ba trăm rưỡi ngàn đến bốn trăm ngàn đồng/ngày. Muốn giá “mềm” hơn, thì ta cứ việc chọn ở những hostel, ở ghép với du khách quốc tế, nghe tiếng Anh đầy tai, chào hỏi í ới cả ngày. Anh Eric Milet, 47 tuổi (du khách Tây Ban Nha) là kỹ sư thiết kế đồ họa, cho biết lúc chân ướt chân ráo đến Hà Nội, ngày đầu tiên anh phải tạm chấp nhận ở khách sạn 350.000 đồng/ngày. Anh tâm sự: “Đi chơi cả ngày, chủ yếu chỉ để gửi hành lý mà ở khách sạn giá cao thấy cũng phí, hôm sau tôi lang thang khắp phố phường hỏi giá cả ăn ngủ khắp nơi. Cuối cùng, tôi đã tìm được chỗ nghỉ rất tốt ở hostel giá chỉ 5 USD/ngày mà cũng chăn ấm nệm êm, ra gường trắng tinh sạch sẽ thơm tho, phòng ốc mát mẻ, sáng còn được miễn phí bữa ăn nhẹ, tối uống cốc bia hơi, internet miễn phí. Thật là tuyệt! Và nói thật, các bạn Việt Nam xài sang hơn chúng tôi.”

VỀ THĂM PHỐ CỔ HÀ THÀNH - 2

Chúng ta hay gọi họ là Tây ba lô, tiêu pha tiết kiệm và cũng có ý… coi thường. Nhưng chưa hẳn họ nghèo như ta nghĩ. Họ khác chúng ta ở cách tư duy, rất thực tế, không sĩ diện, nên mới có tiền du ngoạn khắp thế giới. Với họ, cái gì đáng chi thì chi không tiếc tiền, còn ngược lại thì một xu cũng không chịu bỏ ra. Nói chuyện với anh, tôi học được nhiều điều .

Cô Eric Taylor, bạn cùng ở hostel với anh, dặn tôi nếu muốn ăn uống nên tránh xa những phố gần hồ Hoàn Kiếm, bởi mặt tiền thủ đô “tấc đất tấc vàng”. Hàng quán nơi đây giá cả đắt đỏ là điều dễ hiểu. Ở các nước mà cô đã đặt chân qua cũng thế, chứ chẳng cứ gì Hà Nội. Tôi cũng cho cô biết, người Hà Nội thường… nhường những nơi đắt đỏ cho… khách vãng lai. Hai bạn cùng cười, cho rằng gặp khách vãng lai “siêng” đi chơi như họ thì những nơi đắt đỏ chỉ biết chào thua! Tôi hỏi họ, đã biết những nơi nào ở Phố cổ có đồ ăn ngon và rẻ, thì tôi mời. Họ vui vẻ dẫn tôi đi không xa. Từ chỗ quán cà phê cóc, chúng tôi chỉ cần đi vài trăm mét vào những phố nhỏ gần đó như Hàng Mắm, Hàng Muối, Đinh Liệt, Tạ Hiện, Mã Mây... thì cơ man là quán to nhỏ giá cả hợp lý. Nếu chịu khó len lỏi trong các ngõ nhỏ như Phất Lộc, Trung Yên, ngõ Gạch, Gia Ngư… thì tha hồ ăn giá rất bình dân nhưng vẫn ngon. Chỗ này mới thực là nơi mua bán sinh hoạt của người dân phố cổ. Hàng rau, hàng hoa, hàng thịt, cá, hàng ăn san sát. Ở đây bán đủ các món ăn bò, lợn, gà, bún, phở, miến, măng, chè cháo bánh trái... Giá cả món ăn cũng bình dân như chính chủ nhân của nó.

VỀ THĂM PHỐ CỔ HÀ THÀNH - 3

Món ăn Hà Nội

Phố cổ có nhiều gánh hàng rất đơn giản, bát đũa sạch sẽ, khô ráo. Các bà các cô bán hàng đon đả mời khách ăn quà. Các nhà văn nổi tiếng như Vũ Bằng,Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã hết lời ca ngợi những món quà Hà Nội. Thạch Lam khẳng định: ”Phàm thứ quà gì ngon nhất đều có mặt ở Hà Nội” đúng là “Ăn Bắc, mặc Nam”. Và tôi thật sự khâm phục hai người bạn nước ngoài mới quen. Hỏi ra, họ cũng chẳng phải giỏi giang gì, mà những người đã từng đến Hà Nội, đã lùng sục các hang cùng ngõ hẻm, ghi lại rất rõ từng chi tiết rồi in thành sách, trở thành cẩm nang du lịch cho những ai thích đi đây đi đó mà khỏi phải sợ “chặt chém” một cách vô tội vạ.

Ở Hà Nội có những phố chuyên bán món ăn nào đó, như muốn ăn thịt chó thì đến Nhật Tân, Nghi Tàm. Muốn ăn ốc thì Hồ Tây; các món rắn thì đến Lệ Mật bên Gia Lâm... Muốn ăn bún đậu mắm tôm thì chạy đến ngõ Phất Lộc, nem chua rán thì ra ngõ Tạm Thương, ăn xôi thì ghé qua phố Nguyễn Huân Hữu,... Xôi là một thứ quà ăn sáng bình dân, trước đây chỉ có xôi xéo, xôi lúa, xôi lạc, xôi gấc... các bà các chị bán xôi hay ngồi một góc đường nào đó. Bây giờ, món xôi đa dạng lắm và bước hẳn lên quán ăn lớn như nhà hàng, người ăn cả ngày. Buổi tối đông đúc và tấp nập nhất vẫn là quán xôi Yến. Chỗ này xôi ăn với món cổ truyền như giò, chả, ruốc, thịt kho… hay xôi ăn theo kiểu “tây” như patê, trứng ốp lết… Mỗi người chỉ ăn chừng 30.000đ thì no đến tức bụng.

Phố cổ rất sẵn món ăn truyền thống, riêng bún cũng nhiều loại như bún riêu, bún ốc, bún ngan, bún thang, bún mọc, bún măng, bún bung, bún đậu, bún nem, bún chả, bún cá,… Các món này tập trung ở Hàng Gà, Hàng Điếu, Hàng Mành, Hàng Hành, Hàng Khoai. Phở thì các kiểu phở bò, gà, tái lăn, xào, sốt vang. Ở Phố cổ ăn quà cả ngày, nhiều món ăn tùy túi tiền nặng hay nhẹ. Tối đến, chúng ta có thể làm bát cháo cho nhẹ bụng. Buổi tối ở Phố cổ có đủ loại cháo, như cháo lòng, cháo vịt, cháo gà, cháo cá, cháo trai…, hoặc có thể ăn chả cá Lã Vọng, quẩy nóng, nem rán, nem tai, nem cuốn… Ăn kiểu tây thì bánh mỳ Patê, bít tết, bánh mỳ tây rất sẵn ở Hàng Cân, Hàng Buồm, Hàng Điếu. Nói chung, tại phố cổ không chỉ có món ăn truyền thống mà còn có các quán ăn Tây, Tàu, Thái, Nhật, Hàn Quốc… đủ cả.

Nói về thức uống, đến Hà Nội là phải uống bia hơi, được xem như đặc sản, đang khát mà được một cốc bia hơi uống một mạch, uống đến đâu sướng đến đó. Cứ ra Hàng Tre, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến góc Đào Duy Từ, các công dân của “Liên Hiệp Quốc”, đủ màu da, ngôn ngữ ngồi uống bia tươi vỉa hè đầy đường, nhìn ông đi qua bà đi lại, chuyện trò rôm rả chỉ có 5.000 đồng đến 7.000 đồng/cốc, tha hồ uống. Khu vực Đào Duy Từ mọi người cứ nói vui là “đào ra tiền”, bởi ở đây người mua kẻ bán tấp nập. Các loại nước giải khát hoa quả, kem sữa nhiều vô kể, quán bar, cà phê đủ phong cách, cổ điển, lãng mạn... nhưng tôi vẫn thích ngồi ở nhà hàng Cá Mập uống cà phê ngắm toàn cảnh Hồ Gươm. Đó không chỉ là cái thú của người nơi khác đến Hà Nội, mà ngay chính dân gốc Hà Nội cũng thấy thế.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố

Phố cổ vẫn còn rất nhiều quán nước chè be bé. Người bán ngồi ngay bậu cửa, đồ nghề đơn giản chỉ có ấm trà với mấy cái cốc, vài bao thuốc lá thế mà cũng nuôi được con cái khôn lớn. Lang thang trên phố, cứ đi mệt lại ngồi thụp xuống làm cốc chè tươi vài ngàn đồng là tỉnh táo ngay. Một lần ngồi uống nước chè ở phố Hàng Bè, anh bạn Romeo Cassin (du khách Pháp) quay sang nói: Đi nhiều nơi, đến Hà Nội tôi thích ở Phố cổ. Ở đây rất tiện có đủ dịch vụ, mà giá cả không đắt, chỉ cần 2 USD là uống cà phê ăn sáng ngon lành. Muốn đi chơi mua tour dễ dàng có xe đưa đón tận nơi.


Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, nhiều số phận đã gắn bó với vỉa hè Hà Nội tự bao giờ. Do đó, đặc trưng của Phố cổ là hàng quán ngay trên vỉa hè, ngồi ăn uống san sát, hơi gò bó không thoải mái lắm, nhưng bù lại rất tiện buôn chuyện và nghe chuyện xung quanh, đấy ắp thông tin vỉa hè sốt dẻo hấp dẫn. Sướng nhất là vừa ăn vừa được nghe đủ mọi chuyện to nhỏ của cư dân Phố cổ, các bà các cô ăn uống khen chê, người mua kẻ bán í ới...

Mua sắm, hàng hoá rất sẵn, từ Hồ Gươm đi thắng qua dãy phố “Đào, Ngang, Đường” là đến chợ Đồng Xuân, đủ thứ thượng vàng hạ cám, mùa nào thức ấy. Vào cuối tuần ở đây họp chợ đêm, hàng hóa phong phú, quần áo giày dép vô số… Khách xem thoải mái, tha hồ mặc cả. Người bán kẻ mua cứ ríu rít. Chợ đêm sầm uất đông vui người đi nườm nượp, ai cũng mặt mũi hân hoan như xem hội. Ở trước cửa chợ Đồng Xuân tối thứ bảy có hẳn một sân khấu ca nhạc dân tộc miễn phí. Đến đây, mọi người được đắm mình trong không gian rực rỡ sắc màu, được nghe những làn điệu dân ca mượt mà, tiếng nhạc lời ca như mời gọi. Bà con, du khách vai kề vai, say sưa thưởng thức vòng trong vòng ngoài. Phố cổ buổi tối thật vui hàng quán lên đèn, đủ sắc màu xanh đỏ, không khí sôi động, người đi xuối kẻ đi ngược…

Phố cổ lúc nào cũng đông vui. Trong không gian xưa cũ, đầy ắp tiếng cười, khách nhiều hơn chủ nhà nên ai cũng cởi mở mặt mày rạng rỡ. Đi chơi ở chỗ mọi người vui nên rất thích. Ở Hà Nội chẳng thấy đâu vui như phố cổ, không trộm cắp, cướp giật, ăn xin, ăn mày, nhất là chẳng có nạn chèo kéo mua bán. Đến Phố cổ mới thấy được nếp ăn, nếp ở của người Hà Nội, hiểu được lối sống thanh lịch, hào hoa phong nhã. Người Thủ đô lịch thiệp, thân thiện trong giao tiếp. Buổi sáng rộn ràng tiếng chào mời nhau ăn quà. Đi lại, ăn, ở Phố cổ chật chội một tý nhưng mà vui, ấm áp tình người…

H.K.L

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT