Tượng Phật nhập niết bàn ở núi Tà Cú

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Câu chuyện về chùa Tà Cú gắn liền với  nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887), theo đó thì  ông  từ Phú Yên đã đến Bình Thuận tu hành, bốc thuốc cứu người. Sau một thời gian, vào năm 1872 ông đã lên núi Tà Cú, vào trong một hang đá ở ẩn tu hành, nay gọi là hang Tổ cho đến khi qua đời mà không bước chân xuống núi. 

Tượng Phật nhập niết bàn ở núi Tà Cú - 1

Đường đi đến núi Tà Cú thuận tiện, xe từ TP.HCM trên Quốc lộ 1A, tới huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 30km là tới địa danh này. Xe chúng tôi phóng thẳng vào ngay cổng khu du lịch, xây dựng rất khang trang và tiện lợi. Hiện nay vé vào cổng là 20 ngàn đồng. Vé đi xe điện từ cổng tới  nơi đi cáp treo là 20 ngàn/ hai lượt và vé đi cáp treo hai vòng là 120 ngàn. Du khách có thể chỉ mua vé tham quan, sau đó thì leo núi để tận hưởng cảm giác chinh phục. Nếu đi bộ, độ dài hơn 2.500 m, có  cảm giác thú vị hơn  vì len qua các mỏm đá như: Đá Bàn Hạ, Đá Bàn Thượng, Dốc Bằng Lăng, Dốc Yên Ngựa, Giếng tiên. Nhiều người cho rằng lên chùa cầu xin thì đi bộ là chứng tỏ tâm mình thành khẩn. Tuy nhiên, việc đi bộ không đơn giản.

Tượng Phật nhập niết bàn ở núi Tà Cú - 2

 So với cáp treo nhiều nơi thì cáp treo ở Tà Cú không hoạt động thường xuyên, chỉ khi có khách mới  khởi động, tuy nhiên mức độ an toàn bảo đảm vì cung đường không dài.  Cáp treo đưa bạn lên độ cao 1.000 mét, sau đó lại bắt đầu đi xuống để tới khu vực chùa, nằm trong thung lũng. Từ cáp treo có thể ngắm nhìn cánh rừng Tà Cú, với thảm thực vật phong phú. Vào mùa Xuân, nhìn xuống thấy cả một rừng hoa Mai nở vàng, con suối bên dưới chảy rất nên thơ. Vào mùa Hè,  con suối chỉ trơ lòng đá cuội.

Tượng Phật nhập niết bàn ở núi Tà Cú - 3

 Từ cáp treo, chúng tôi đi theo con đường đất, con đường rất nhiều đá nỗi lên mặt đất, khiến cho người đi có cảm giác đang băng rừng.  Con đường đi tiếp tục sẽ gặp hang Tổ, là nơi nhà sự Trần Hữu Đức đã tu hành. Tuy nhiên, đa phần khách lại đi vào cổng chùa, một trăm bậc đá tam cấp rêu phong ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa. Những bậc cấp dẫn ngược cao lên, đến chùa Tà Cú hay còn gọi là chùa Linh Sơn Trường Thọ. Chùa được xây dựng từ khoảng năm 1870 – 1880, sau trùng tu nhiều lần và hiện nay vẫn tiếp tục trùng tu do nhu cầu tín ngưỡng của đạo hữu tìm đến mỗi ngày mỗi đông. Chùa có ba gian: Giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả là nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ tổ Hữu Đức. Mái chùa được uốn cong nổi bật, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tới đây, nghe câu chuyện sau khi Tổ viên tịch Bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ, chẳng hề ăn uống và mấy hôm sau  nằm chết bên tháp. Do vậy mà bên cạnh tháp có một nấm mộ Bạch hổ do nhà chùa mai táng.

Tượng Phật nhập niết bàn ở núi Tà Cú - 4

  Lại tiếp tục đi theo con đường bên trái, tiếp tục lên cao. Lưng chừng núi bắt gặp nhóm tượng Di Đà Tam Tôn- có người gọi là Tam Thế Phật. Ba pho tượng Phật Di Đà (7m) Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (6,5m) hiện nay là một trong bảy cấp của cảnh tịnh độ đạo tràng theo Quán kinh và Kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960.  Lại đi tiếp, những bậc tam cấp còn ẩm ướt sau cơn mưa bám rêu xanh, những tán cây rừng che khuất bóng mặt trời. Đi nhẹ, đi cẩn thận, vì trên những bậc tam cấp có rất nhiều con cua đỏ nhỏ hồn nhiên đi qua lại. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt chúng, ngắm nhìn. Cuối cùng là điểm đến trên đỉnh Tà Cú này, chính là tượng Phật nhập niết bàn có chiều dài 49 mét, cao 7 mét.  Tượng Phật được xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành sau bốn năm, tuy nhiên, ngay thời điểm sau 50 năm tượng Phật được xây dựng, vẫn đẹp và có thể nói là một kiệt tác mỹ thuật với màu sơn trắng mỗi năm đều được sơn lại. Được biết, người chủ trì đúc tượng là một Phật tử tên Trương Chí, và vào thời điểm đó, việc vận chuyển xi măng, sắt thép lên tận tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Để bảo đảm sự tôn nghiêm, bảo vệ ngày đêm canh chừng, có bảng cấm khách tới gần tượng Phật, và ngay giữa là một đỉnh để đốt hương.

 Đường đi về, du khách sẽ gặp nhiều hàng bán các loại đặc sản của Bình Thuận, đó là mủ trôm, hoặc có thể giải khát với một ly nước mủ trôm,lại có nhiều loại cây, rễ được khai thác từ núi Tà Cú như chuối rừng, ngũ gia bì… với giá dao động từ 70 đến- 100 ngàn đồng/ gói cho du khách mua về sử dụng.

 Bài và ảnh: CẨM VÂN

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT