Từ những việc nhỏ góp phần phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc*

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tối ngày 3/4, tại thành phố Thanh Hóa đã khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng chào mừng Năm Du lịch quốc gia cùng những ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cho tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung về việc phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa dân tộc để phát triển du lịch ngày một mạnh mẽ hơn! Báo Du lịch xin đăng bài phát biểu của Phó Thủ tướng.

Từ những việc nhỏ góp phần phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc* - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2015- Thanh Hóa - ảnh: Cao Ngọ

Năm 2015, đất nước ta kỷ niệm nhiều ngày lễ ý nghĩa lịch sử. Niềm tin, khát vọng và trách nhiệm đối với tương lai đang được nhân lên, được lan tỏa trong mọi con tim, khối óc, bàn tay người Việt Nam ta để cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm sánh cùng năm châu bè bạn. Trong năm nhiều ý nghĩa này, Thanh Hóa địa linh nhân kiệt, vùng đất văn minh Đông Sơn, của tam vương nhị chúa, của văn hiến, khoa bảng được chọn là địa điểm phát động Năm Du lịch Việt Nam với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”. Cùng mong muốn tiếp thêm cho ngành Du lịch cũng như cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của chúng ta niềm cảm hứng mới, quyết tâm mới và nhiều ý nghĩa, giải pháp thiết thực. Chúng ta trân trọng và cùng chung niềm vui, niềm tự hào với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm  quốc phòng - an ninh. Chứng kiến sự chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm và không khí tưng bừng trong sự kiện hôm nay, chúng ta dễ thấy nỗ lực khát vọng đóng góp ngày càng nhiều hơn, quan trọng hơn vào sự nghiệp phát triển du lịch, bảo tồn phát huy di sản nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước nói chung của Thanh Hóa, của các địa phương có di sản, của ngành văn hóa du lịch.

Việt Nam ta vinh dự có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là di sản thế giới, trong đó có Thành Nhà Hồ Thanh Hóa nằm ở vị trí trung tâm từ Vịnh Hạ Long đến di tích Chăm Mỹ Sơn. Với địa hình trải rộng cả miền núi, trung du, đồng bằng và biển, với nhiều di tích văn hóa, tín ngưỡng, làng nghề, với mạng lưới kết nối giao thông đang phát triển rất nhanh, du lịch Thanh Hóa có tiềm năng và điều kiện phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong kết nối di sản,  tương hỗ du lịch các địa phương khác cùng phát triển. Du lịch không chỉ là ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế dịch vụ xuất khẩu tại chỗ có giá trị cao và thu hút nhiều lao động, mà còn giúp những giá trị văn hóa của dân tộc được thấm sâu, được lan tỏa trong nước và quốc tế. Chúng ta phấn khởi trước những bước phát triển của ngành Du lịch: Gần 8 triệu lượt khách quốc tế, hơn 38 triệu khách nội địa, doanh thu 230 nghìn tỷ đồng năm 2014 là thành quả của nỗ lực, của cố gắng rất đáng được biểu dương. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự bằng lòng, thỏa mãn. Nhìn ra xung quanh Thái Lan, Malaysia đón 26, 27 triệu lượt khách quốc tế, Singapore đón trên 15 triệu; doanh thu trực tiếp từ du lịch Thái Lan đạt trên 40 tỷ USD, Malaysia và Singapore cũng đều trên 20 tỷ USD. Chúng ta vui mừng vì Việt Nam nằm trong danh sách 20 quốc gia được du khách đánh giá là điểm đến yêu thích nhất.Chúng ta cũng mừng vui trước những chia sẻ tốt đẹp của đông đảo du khách quốc tế về đất nước, về con người Việt Nam ta. Nhưng chúng ta cũng phải trăn trở và không khỏi chạnh lòng trước những nhận xét của không ít du khách một đi không trở lại sau khi bị bắt chẹt, vòi vĩnh, moi tiền, phải chứng kiến những cảnh ăn xin, móc túi, phải e sợ trước tình trạng mất vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, vi phạm an toàn giao thông và nhiều biểu hiện thiếu văn minh, văn hóa ở một số nơi.

 Kết nối di sản không chỉ nhằm phát huy các giá trị di sản thế giới để phát triển du lịch, mà rộng hơn còn nhắn nhủ chúng ta phải khơi dậy, phải phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để du khách không còn những trải nghiệm đáng thất vọng, để đi rồi vẫn nhớ những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người và luôn mong ngày được trở lại quê hương ta, đất nước ta.

Từ những việc nhỏ góp phần phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc* - 2

Tiết mục văn nghệ chào mừng trong Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa

 Chủ đề của Năm Du lịch 2015 này cũng không chỉ nhằm thúc đẩy kết nối di sản, mà còn muốn nhấn, đòi hỏi phải tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và sự chung tay của cả cộng đồng để phát triển một nền du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, khắc phục cho được tình trạng manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ, không chỉ làm du lịch chưa phát huy tốt tiềm năng mà còn có tác động tiêu cực về mặt văn hóa, xã hội và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Du lịch không chỉ liên quan tới di sản, tới phong cảnh, tới khách sạn, tới nhà hàng. Những con số hàng chục triệu du khách, hàng chục tỷ đô la không chỉ nhờ những chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư, những công trình lớn về hạ tầng, phương tiện kỹ thuật, mà còn từ sự nỗ lực tưởng chừng là nhỏ bé trong tất cả các khâu. Thủ tục nhanh gọn, tác phong lịch sự, thái độ thân thiện của những người lính biên phòng, chiến sĩ công an nơi cửa khẩu; sự tận tình chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của các cán bộ, nhân viên du lịch và các ngành, sự văn minh thân thiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười người dân... Tất cả đều góp phần phát triển du lịch. Chúng ta, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và mỗi người dân đều có vai trò và cần chung sức đồng lòng bằng những cơ chế chính sách, bằng những hành động thiết thực để tạo lập môi trường lành mạnh phát triển du lịch. Những bài học kinh nghiệm thực tiễn rất nhiều, không nhất thiết phải từ những nước có nền du lịch phát triển hơn. Chúng ta có thể học hỏi ngay từ những địa phương đã xây dựng được những kỹ năng thực hành du lịch lành mạnh như di sản văn hóa phố cổ Hội An. Chúng ta cũng có thể học ngay từ du khách và từ chính những suy ngẫm về mong muốn, về những trải nghiệm của bản thân và của những người quen biết khi đi du lịch. Những kỹ năng này cần được thực hành kiên trì và dần hoàn thiện tới mức thành thói quen, thành ứng xử tự nhiên. Từ câu cảm ơn, câu xin mời nơi cửa miệng, nụ cười mến khách, thái độ trung thực, khiêm cung, đến những việc bảo đảm  an ninh trật tự, cơ chế chính sách về xuất nhập cảnh, về đầu tư, về quản lý giá cả... Hãy đừng coi du khách chỉ đơn thuần là khách hàng và ta là người bán hàng với mục đích thu được nhiều tiền nhất. Hãy coi du khách là những người khách quý và ta là chủ nhà mến khách.Hãy để du khách được thỏa lòng với những sản phẩm, những dịch vụ mà ta thực hiện bằng kỹ năng chuyên nghiệp, bằng sự nâng niu, bằng tấm lòng yêu nghề, yêu người, yêu cuộc sống.Những lợi ích vật chất chúng ta xứng đáng nhận được từ du khách tự nhiên sẽ tới và quan trọng hơn là sẽ tới bằng tình người cùng sự tôn trọng, quý mến, sẻ chia.Giá trị và niềm vui cuộc sống của ta, của du khách sẽ được nhân lên.

 Về với xứ Thanh núi biếc như bia đá sử xanh mãi tạc ghi những tên tuổi, sự nghiệp của Lê Hoàn, Lê Lợi, Đào Duy Từ và bao anh hùng, nhân sĩ đã viết lên những trang sử chói ngời trong lịch sử dân tộc. Trời mây gió nước như phảng phất bóng hình Bà Triệu cưỡi voi đánh cồng “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”, như âm vang lời cáo “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, như vẳng điệu hò sông Mã dô tá dô tà Thanh Hóa anh hùng. Mỗi người con Thanh Hóa, người con đất Việt chúng ta hãy thêm niềm tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng mà đậm nét văn hoa của dân tộc, của quê hương. Hãy thêm khát vọng, thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình để cùng nhau góp sức phát triển đất nước giàu mạnh, để nền văn hiến Việt Nam mãi rực rỡ trong dòng chảy văn minh nhân loại.Hãy nỗ lực thay đổi những thói quen, những cách làm không còn phù hợp và hình thành những thói quen tốt, những cách làm hay. Hãy trau chuốt, làm sạch, làm đẹp thêm căn nhà, nơi làm việc của mình và làm đẹp chính con người mình bằng những hành xử văn hóa. Thay vì vứt bừa mảnh giấy, mẩu thuốc,  hãy cúi xuống nhặt mảnh rác chợt thấy cho vào sọt rác; thay vì cố lách lên ở chỗ đông người hãy tuần tự và nhường nhịn cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật. Những việc tưởng chừng nhỏ ấy chính là góp phần phát triển du lịch và quan trọng hơn là góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.

 Tôi đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Thanh Hóa cùng các tỉnh, thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch cũng như cho tổ chức sự kiện có ý nghĩa này. Tôi xin cảm ơn các tổ chức quốc tế và bè bạn quốc tế đã luôn dành cho Việt Nam, cho sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch của Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự hợp tác, giúp đỡ quý báu.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Vũ Đức Đam

 Ủy viên BCH TƯ Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ 

*Tít bài do Báo Du lịch đặt

(Báo Du lịch Việt Nam, Số 16, thứ Năm ngày 9.4.2015)

Xem thêm tại: http://www.baodulich.net.vn/vn/official/tintuc/5001/T%E1%BB%AB-nh%E1%BB%AFng-vi%E1%BB%87c-nh%E1%BB%8F-g%C3%B3p-ph%E1%BA%A7n-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-du-l%E1%BB%8Bch-v%C3%A0-ph%C3%A1t-huy-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-v%C4%83n-h%C3%B3a-c%E1%BB%A7a-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c*.htm

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT