Trung tâm tài chính Wall Street, những bước thăng trầm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tại New York (Mỹ), ngày 1.10.2011, hơn 2.000 người dựng trại gần “Phố Uôn” (Wall Street, Trung tâm Tài chính của nước Mỹ) bắt đầu tuần hành đến Sở cảnh sát New York để chống các công ty và ngân hàng cá mập đã “hút” hết tiền của những người thất nghiệp, bị “kéo” nhà và vướng vào nợ nần. Vài ngày sau đó, phong trào lan sang Los Angeles rồi đến Oakland (California), Seattle (bang Washington), Boston (bang Massachusetts), Vancouver (Canada) và một số Thành phố khác. Tuy nhiên, do thiếu sự thống nhất về tổ chức, phong trào chiếm “Phố Uôn” và các biến tướng đã lùi vào quá khứ. Nhưng tại sao Wall Street là mục tiêu đầu tiên của phong trào? Tháng 10.2012, phong trào này lại cố hồi sinh nhân dịp tranh cử Tổng thống Mỹ nhưng cũng không thành công.

Trung tâm tài chính Wall Street, những bước thăng trầm - 1

Lịch sử

Qua năm tháng, một số nhân vật ưu thế mà sự nghiệp gắn liền với Wall Street đã trở nên quen thuộc với thế giới. Một số nổi tiếng nhờ chiến lược đầu tư khôn ngoan như Warren Buffet (kẻ biết cách lấy lòng người nghèo) nhưng cũng có người nổi tiếng nhờ lòng tham như Bernie Madoff (trùm lừa quĩ đầu tư đang ngồi tù dài hạn), nhất là khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và mới đây là cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu và bộ máy quyền lực của nước Mỹ.

Một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất của Wall Street thời thịnh vượng là tượng con bò mộng Charging Bull của điêu khắc gia Arturo Di Modica. Đại diện cho nền kinh tế thị trường, bức tượng này đặt trước toà nhà NYSE rồi mới di chuyển đến Bowling Green như hiện nay. Wall Street là tên một tuyến đường không rộng lắm ở khu doanh nghiệp Lower Manhattan, New York City. Nó trải dài từ Broadway ở phía Đông đến South Street chạy dọc con sông East River và đi qua trung tâm tài chính có bề dày lịch sử Financial District. Đây là bản doanh thường trực đầu tiên của Thị trường Chứng khoán New York (NYSE). Có Wall Street, New York City đã cạnh tranh với thành phố Luân Đôn để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Và nay NYSE đã làm được điều này khi trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới nếu tính theo giá trị vốn hoá của các công ty niêm yết. Nhiều giao dịch chứng khoán và tài chính quan trọng của Mỹ vẫn tập trung tại Wall Street nói riêng và Financial District nói chung.

Trung tâm tài chính Wall Street, những bước thăng trầm - 2

Suy đồi và Hồi sinh

Manhattan Financial District là một trong những quận doanh nghiệp lớn nhất ở Mỹ và lớn thứ hai tại New York City chỉ sau Midtown. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nền văn hoá công ty của New York tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các ngôi nhà chọc trời, đối thủ của thành phố Chicago. Financial District lúc đó và cả hôm nay đứng biệt lập với những kiến trúc độc đáo của riêng nó, tách biệt khỏi Midtown cách đó vài dặm về phía bắc với những toà nhà cao hơn. Được xây vào năm 1914, nhà số 23 Wall Street có biệt danh “House of Morgan” là bản doanh của Ngân hàng Morgan trong nhiều thập niên và là địa chỉ quan trọng nhất trên bản đồ tài chính Mỹ. Vào giữa trưa ngày 16.9.1920, một quả bom nổ ngay trước ngân hàng, giết chết 38 người và làm bị thương 300 người khác. Không lâu trước khi bom nổ có một thư cảnh cáo được bỏ vào hộp thư ở ngã tư Cedar Street và Broadway. Trong khi có nhiều lý thuyết về kẻ đánh bom và động cơ, cuộc điều tra kéo dài 20 năm của FBI không tìm ra thủ phạm nào.

Thị trường chứng khoán Mỹ bị cú sốc nặng trong cuộc Đại Trì trệ (Great Depression) năm 1929. Trong suốt thời gian này, Manhattan Financial District không phát triển và giậm chân tại chỗ. Việc xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center-WTC) là một trong ít dự án lớn của 75 năm cuối thế kỷ 20. Nhưng nó không thành công như mong đợi về mặt tài chính. Đây là dự án do chính phủ tài trợ và do chính quyền khu vực hành chính Port Authority gồm New York và New Jersey xây dựng với ý đồ tạo thêm đà tăng trưởng kinh tế cho khu vực trung tâm New York City. Họ hy vọng tất cả những công cụ cần thiết cho mậu dịch quốc tế sẽ được đặt trong toà nhà. Tuy nhiên, lúc toà nhà xây dựng xong, nhiều diện tích vẫn không có người thuê. May mắn là một số công ty lớn và mạnh đã mua không gian của WTC. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến vùng lân cận toà nhà để đặt trụ sở. Về mặt nào đó, WTC đã thay đổi bộ mặt của Manhattan Financial District từ một điểm giao dịch tài chính đơn thuần đến một trung tâm thương mại tầm cỡ. Khi WTC bị khủng bố Al-Qaeda đánh sập vào ngày 11.9.2001, nó để lại một lổ hổng kiến trúc. Cuộc tấn công dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chuyển sang bang New Jersey và các thành phố như Chicago, Denver và Boston. Tự thân Wall Street nói riêng và Manhattan Financial District nói chung đã quá chật chội với các toà nhà cao tầng đủ kiểu dáng.

Trung tâm tài chính Wall Street, những bước thăng trầm - 3

“ Phố Uôn  vẫn là Phố Uôn             

Một toà nhà WTC mới, tâm điểm của bản đồ án Memory Foundations do Daniel Liebeskind thiết kế đã từng bước trở thành hiện thực. Toà nhà WTC cao 541 mét có tên chính thức là Freedom Tower nằm không xa khu tưởng niệm các nạn nhân Ground Zero. Một số toà nhà dân cư mới cũng mọc lên quanh đó. Các toà nhà văn phòng trước đó khi được chuyển thành khu dân cư đều được hưởng lợi của sáng kiến thuế. Nổi bật nhất tại Manhattan Financial District là trạm xe điện đưa đón hành khách mới và Trung tâm vận tải nội thị mới trên đường Fulton. Văn hoá kinh doanh của Wall Street bị chỉ trích nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là khoản tiền thưởng của các chủ ngân hàng đang phải trông cậy sự trợ vốn của chính phủ trong gói cấp cứu. Nhiều chỉ trích tập trung vào vấn đề cấu trúc và thiếu khát vọng thay đổi những tập quán kinh doanh đã nhiễm vào máu mà có lúc rất thành công nhưng nay không còn hợp thời trong một thế giới ngày càng đòi hỏi sự công bằng và chia sẻ.

Các định chế đang hoạt động tại Wall Street được gọi là “cá mập tài chính” luôn chống lại sự giám sát và các luật lệ điều tiết của chính phủ. Đội ngũ vận động hậu trường đông đảo tại “Phố Uôn” vừa thành công trong pha vận động ngoạn mục sửa đổi dự luật cải cách tài chính của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi nó được đưa ra biểu quyết tại Thượng Viện và Hạ viện. Họ đã làm thay đổi điều khoản Volcker của dự luật, trong đó cấm các ngân hàng và quĩ đầu tư rót tiền vào các giao dịch địa ốc và chứng khoán có nguy cơ cao, nhằm ngăn ngừa tái diễn khủng hoảng tài chính. Dự luật sửa đổi cho phép các ngân hàng và quĩ đầu tư dùng 3% vốn hoạt động vào việc này thay vì cấm hoàn toàn.

Thành phố New York cũng nổi tiếng về tính quan liêu bảo thủ khiến những người muốn vào đây làm ăn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp bậc trung. Nói chung, bối cảnh đạo đức của Wall Street vẫn không có nhiều thay đổi từ ngày các “bá tước đường xe lửa” (railway baron) mang hàng đống tiền đến đây vào những năm đầu thập niên 1900. Đôi khi Wall Street còn được dùng để gọi “Thế giới công ty Mỹ” (Corporate America). Đối với nhiều người Mỹ, Wall Street không chỉ đại diện cho sức mạnh kinh tế tài chính Mỹ, mà còn đại diện cho chủ nghĩa ưu việt (elitism) và quyền lực chính trị (power politics).

Trung tâm tài chính Wall Street, những bước thăng trầm - 4

Cái tên Wall Street có từ thế kỷ 17 khi Wall Street được xây dựng như biên giới phía Bắc khu định cư New Amsterdam của người Hà Lan. Nó được dùng như chiến luỹ để ngăn chặn ý đồ xâm lược của người Anh. Sau đó, nhân danh công ty Hà Lan Dutch West India Company, Peter Stuyvesant đã sử dụng các nô lệ châu Phi để củng cố “pháo đài” vững chắc hơn. Một bức tường cao 4 mét được tăng cường để chống lại những cuộc tập kích của các bộ lạc bản xứ Da đỏ. Năm 1685, khu thương mại-tài chính Wall Street hình thành dọc theo bức tường này. Năm 1699, bức tường bị chính quyền thực dân Anh phá dỡ. Cuối thế kỷ 18, bên dưới tán cây buttonwood trồng tại chân bức tường Wall Street cũ là nơi tụ tập của các nhà mậu dịch và đầu tư. Họ đến đây để buôn bán, trao đổi với nhau.

Năm 1792, cũng dưới tán cây này các nhà mậu dịch thành lập hội ngành nghề riêng theo “Thoả thuận Buttonwood”. Thoả thuận này chính là cha đẻ của NYSE. Năm 1789, hội trường Federal Hall và Wall Street là nơi diễn ra lễ tuyên thệ của Tổng thống Mỹ đầu tiên. Ngày 30.4, Tổng thống George Washington tuyên thệ trên balcony Federal Hall nhìn ra Wall Street. Đây cũng là nơi thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill Of Rights) của nước Mỹ. Năm 1889, bản tin thư đầu tiên về tình hình giao dịch cổ phiếu có tên “Customers' Afternoon Letter” chính thức trở thành tờ báo The Wall Street Journal, lấy theo tên Wall Street. Hiện nó đã trở thành tờ báo ngày kinh doanh quốc tế rất uy tín và vẫn xuất bản tại New York City. Trong nhiều năm, tờ báo có lượng phát hành lớn và phủ trùm hơn bất cứ tờ nhật báo nào xuất bản ở Mỹ. Nhưng nay nó đã tụt xuống hàng thứ 2 sau tờ báo bình dân USA Today. Từ 2007, chủ nhân của The Wall Street Journal là tập đoàn News Corp. của tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch. Tờ báo vẫn làm ăn khấm khá, cả với báo mạng và báo in nhờ bám sát tin tức NYSE và thị trường tài chính nói chung.

TN

           (Theo The New York Times, Wall Street Journal và Fortune 10.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT