TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trường Sa – quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sừng sững giữa Biển Đông như một Hạm đội khổng lồ, ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Đã có rất nhiều bài viết về Trường Sa, ca ngợi những người Chiến sĩ Hải quân kiên cường, gan góc ngày đêm bám trụ Trường Sa, những ngư dân từ miền Trung ra bám biển, những Chiến sỹ Công binh không quản ngại khó khăn. Nhưng chưa bao giờ thấy tác giả nào viết về những người thợ, người kỹ sư tham gia chế tạo lắp đặt và gia cố, sửa chữa những Nhà giàn DK1, để nó đứng vững giữa biển trời cho các chiến sĩ Hải quân vững tâm bảo vệ biển đảo.

TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG? - 1

Chúng tôi tự hào là những Cán bộ, Công nhân của Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (VPCMS) là đơn vị duy nhất của đất nước mình, đã được vinh dự tham gia thực hiện trọn vẹn những phần việc đầy vất vả nhưng cũng thật vinh quang đó.

TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG? - 2

Những Nhà giàn DK1 gọi là Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học Kỹ thuật được lắp đặt trên các bãi đá ngầm san hô Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính… thuộc Huyện đảo Trường Sa Việt Nam. Giai đoạn ban đầu những Nhà giàn này còn khá thô sơ và mỏng manh giữa biển khơi nên chúng thường xuyên phải được gia cố và sửa chữa.

Trong tôi còn in đậm ký ức về những lần đi sữa chữa Nhà giàn trên các bãi ngầm ở Trường Sa. Để gia cố cho Nhà giàn thêm vững chắc, chúng tôi chế tạo những kết cấu kim loại dạng “càng cua” bằng ống thép gắn với một máng định vị để hàn vào chân Nhà giàn sau đó đổ bê tông phủ kín toàn bộ.

Khác hẳn với việc đi ra các Giàn khoan Dầu khí có hệ thống dịch vụ bữa ăn chuyên nghiệp, mỗi lần đi Nhà giàn với lực lượng khoảng ba, bốn mươi người ngoài máy móc, trang thiết bị chúng tôi còn phải chuẩn bị hàng tấn gạo, rau xanh và cả những chú bò, heo, gà, vịt cũng lên tàu tiến ra biển cả. Những chiếc tàu và sà lan mà khi ở trên Cảng Vũng Tàu trông thật to lớn chúng tôi cảm thấy thoải mái và anh em thì thật háo hức. Nhưng, càng đi xa chúng tôi cảm thấy tàu như nhỏ lại giữa biển trời mênh mông, như những chiếc lá tre giữa bốn bề sóng nước. Chỉ có những cánh chim Hải Âu vẫn kiên trì chao liệng xung quanh mạn tàu như cổ vũ tinh thần anh em.

TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG? - 3

Không như những ngư dân dạn dày kinh nghiệm hay các Chiến sĩ Hải quân được tôi luyện trong sóng gió, vì ít khi đi biển nên anh em chúng tôi bắt đầu say sóng. Mà cũng lạ là mấy chú heo lại say sóng trước. Hơn nửa quân số say sóng nằm vật vạ lăn lộn với đàn heo đang mệt nhoài nằm thở, người gối đầu lên heo trông thật là ngộ, chỉ mong mau chóng đến nơi.

Sau nửa ngày và một đêm vật lộn với sóng gió, tàu đến Trường Sa đúng lúc bình minh đang lên. Chúng tôi thấy cả một vùng rực sáng. Xa xa là Đảo An Bang trông giống chiếc muỗng bằng vàng úp xuống biển. Nhà giàn như chuồng chim Bồ câu giữa biển mênh mông. Từng đàn chim Hải Âu bay lượn, những chú Cá Chuồn tinh nghịch bay vèo vèo trên mặt nước trước mũi tàu, bầy Cá Heo thì lượn lờ ngụp lặn. Tất cả như có ý chào đón chúng tôi. Sinh vật biển ở Trường Sa hay thật. Bỗng có ai đó reo lên “Ôi nước biển ở đây trong quá mọi người ơi” chúng tôi ào ra mạn tàu thấy biển xanh trong vắt, nhìn thấy những chú cá đủ màu sắc trong các rạn san hô, thấy rõ cả ốc sò và từng viên sỏi.

Vừa lúc đó, chúng tôi nhìn thấy những phát pháo hiệu từ Nhà giàn bay vút lên không trung. Thì ra các Chiến sỹ Hải quân trông thấy có khách mới đã bắn pháo hiệu chào mừng. Lãnh đạo Đoàn lên giao lưu với các Chiến sỹ Hải quân và được tặng những chú cá vừa câu được thật tươi ngon. Anh em cũng tặng lại Nhà giàn một chú heo béo mập. Không khí tràn ngập những niềm vui.

Với bước khởi đầu khá thuận lợi chúng tôi nghĩ công việc chắc cũng chẳng có khó khăn gì. Nhưng thật không ngờ sóng gió Trường Sa lại dữ dội như vậy. Ở đây, có những lúc những ngọn sóng to như ngôi nhà ba gian hai chái quê tôi được những cơn gió ầm ù gào rít đẩy lên hết lớp này đến lớp khác, như chực vồ lấy anh em chúng tôi. Rồi những dòng nước ngầm ở Trường Sa cũng rất kỳ lạ, nó không giống những dòng Hải lưu ở Bắc Bán cầu hay Nam bán cầu thường chảy theo một hướng tương đối cố định. Ở đây gần đường xích đạo nên dòng Hải lưu liên tục đổi hướng di chuyển. Chính vì vậy, ở Đảo An Bang có hiện tượng rất thú vị là có bãi cát vàng rất mịn cứ di chuyển xung quanh Đảo, sau một năm lại trở về vị trí cũ. Tất cả những yếu tố kỳ lạ của khí hậu đã thử thách lòng kiên trì của các cán bộ kỹ thuật trong việc xác định vị trí thả neo để định vị tàu và xà lan đúng vị trí lắp đặt. Khi tiến hành công việc phải chờ những thời điểm sóng gió giảm đi, biển hơi dịu một chút là chỉ huy ra lệnh thả “càng cua” xuống biển, nhưng lắp hoài mà máng định vị vẫn không khớp đúng vào vị trí, gặp gió lớn lại phải kéo lên. Có những lúc sóng to gió lớn đến mức có thể đánh chìm cả sà lan. Đến sáng ra, tàu kéo đi tìm chúng tôi đưa về và lại tiếp tục công việc tưởng như rất đơn giản nếu làm ở gần bờ.

TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG? - 4

Với áp lực công việc như vậy, anh em chúng tôi phần lớn đều “phải ốm”. Chỉ có một số cán bộ chủ chốt là được ưu tiên chuyển sang Nhà giàn để điều trị, còn lại thì do Y sỹ trên sà lan chăm sóc. Hơi khỏe một chút là mọi người lao vào công việc để mong sao mau kết thúc. Phải mất gần một tháng mới gắn được các “càng cua” vào chân đế Nhà giàn. Lúc này mới bắt đầu nhớ vợ, nhớ con hoặc “người thương” ở nhà nên mọi người muốn nhanh nhanh để về bờ. Nhưng thật lạ lùng khi về đến bờ lại nhớ day dứt sóng gió Trường Sa.

TOUR DU LỊCH TRƯỜNG SA, TẠI SAO KHÔNG? - 5

 Hầu hết các Nhà giàn cho Bộ đội Hải quân ở vùng biển Trường Sa đều do chúng tôi chế tạo. Có người vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và còn nhiều người xứng đáng được vinh danh, nhưng đối với anh em chúng tôi chỉ mong có một ngày nào đó Ngành Du lịch Việt Nam tổ chức được các tour du lịch Trường Sa, tổ chức các tour du lịch lặn biển, để du khách được thỏa thích ngắm những rạn san hô muôn màu, muôn sắc và tìm bắt những chú ốc Vú Nàng thường bám vào chân đế Nhà giàn, để thưởng thức món đặc sản đặc biệt của vùng biển Trường Sa.

 

V.H-PVC-M

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT