TƯƠNG LAI CỦA CÁC NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TƯƠNG LAI CỦA CÁC NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ - 1      
Đội bay Atlantic

 

 

Tháng 9.1969, cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã bổ nhiệm một lực lượng đặc nhiệm với trọng trách “thiết kế và chế tạo các hệ thống không gian cơ động, có thể dùng lại, linh hoạt, chi phí thấp và đáng tin cậy”

 

 

 

Chương trình tàu con thoi ra đời sau khi lực lượng này thuyết phục được Quốc hội Mỹ và các nơi tài trợ khác về tính “khả thi”, “an toàn” và “lợi ích” của nó. Gần giữa tháng 7.2011, các Phi hành gia Mỹ đã bước lên Atlantic để thực hiện chuyến bay cuối cùng (thứ 135) của chương trình tàu con thoi lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Họ cũng gửi đi một thông điệp ý nghĩa: “Nước Mỹ sắp kết thúc một chương trình du lịch không gian đáng nhớ”. Từ lần phóng đầu tiên 12.4.1981 (tàu Colombia), đội tàu con thoi (gồm 5 chiếc Atlantis, Challenger, Colombia, Discovery và Endeavor) bay quanh quĩ đạo thấp của trái đất đã giúp nước Mỹ duy trì được vai trò đầu tàu trong khám phá không gian, ngay cả lúc Mỹ tham gia các chương trình hợp tác như ISS. Đội tàu bị nổ hai chiếc, Challenger và Colombia, lúc rời đàn phóng và lúc sắp về đến trái đất.

NASA phải giải quyết những tồn tại khi chương trình tàu con thoi bị xóa sổ

Sau khi Atlantis kết nối với ISS (và lưu lại đó 12 ngày), hai Phi hành gia Ron Garan và Mike Fossum đã thực hiện chuyến đi bộ cuối cùng của kỷ nguyên tàu con thoi, chuyến đi thứ 160. Lúc Atlantic trở về Trái đất, nó sẽ tham gia cùng các tàu con thoi khác hiện nằm trong Viện Bảo tàng tại các thành phố như New York và Washington. Nhưng điều đó không có nghĩa là NASA sẽ đỡ được một gánh nặng, mà cơ quan còn phải giải quyết chế độ cho hàng ngàn công nhân viên liên quan đến tàu con thoi bị mất việc làm. Rồi còn phải giải quyết đội ngũ Phi hành gia tốn nhiều công sức đào tạo. 50 năm sau khi ra đời, chương trình đào tạo phi hành gia không gian Mỹ cũng đang trải qua sự biến hình. Chương trình không kết thúc, nhưng đội ngũ Phi hành gia Mỹ sẽ co lại và vai trò cũng không rõ ràng khi nước Mỹ đang tư nhân hóa dần các dự án không gian ở quĩ đạo thấp. Đội ngũ Phi hành gia tương lai sẽ có ít phi công hơn mà chiếm ưu thế sẽ là các nhà khoa học và chuyên viên được Soyuz của Nga đưa lên ISS.

TƯƠNG LAI CỦA CÁC NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ - 2

Challenger

Từng được tôn vinh là các “anh hùng của nước Mỹ” như Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, nay các Phi hành gia Mỹ chỉ còn làm các nhiệm vụ lặt vặt trên trạm không gian như lau ống lọc khói hoặc nghiên cứu thí nghiệm. Từ hữu hình, họ biến thành vô hình với tên tuổi sẽ chẳng còn được mấy ai nhớ. Thật ra, NASA đã chuẩn bị thu hẹp đội ngũ Phi hành gia từ tháng 1.2004, sau thảm họa Columbia gần 1 năm và sau khi tổng thống Bush công bố kế hoạch xóa sổ chương trình tàu con thoi vào năm 2010 và kết thúc sự tham gia của Mỹ vào ISS sau 2015 (Đến thời Tổng thống Obama, sự liên quan của Mỹ đến USS được kéo dài đến ít nhất là năm 2020). Từ đỉnh cao hơn 100 Phi hành gia hoạt động vào năm 2000 (cao điểm của các chuyến đi tàu con thoi), nay chỉ còn 65 người và sẽ giảm nữa. Tiến sĩ Peggy Whitson, phụ trách đội bay NASA, là người thuộc thế hệ mới Phi hành gia không gian. Có bằng PhD về sinh hóa, bà hiện người giữ kỷ lục “sống nhiều ngày nhất trên quĩ đạo trái đất” của NASA. Bà hiểu rằng kết thúc sứ mệnh tàu con thoi cũng là thời gian thách thức cho đội ngũ Phi hành gia từng được hưởng cả những vinh quang lẫn bi kịch.

TƯƠNG LAI CỦA CÁC NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ - 3

Tàu con thoi Discovery

Các Phi hành gia Mỹ thế hệ đầu được chọn vào thập niên 1960 được sống trọn vẹn với giấc mơ không gian và sự hồi hộp của nó. Họ được tham gia vào các chuyến bay “nín thở”, và phi vụ nào lên không gian cũng trở thành một “sự kiện lịch sử của loài người”. Các Phi hành gia trở thành nổi tiếng chỉ sau một chuyến bay. Tên tuổi của họ được nhớ mãi. Xem tên lửa rời bệ phóng cũng hấp dẫn và đứng tim không thua gì xem một trận đấu vòng chung kết bóng bầu dục Super Bowl. Nhưng tình hình đã thay đổi vào thập niên 1970 khi chương trình Apollo chuẩn bị kết thúc. Năm 1972, Tổng thống Nixon chấp nhận kế hoạch phát triển đội tàu con thoi hoạt động được nhiều lần. Ba năm sau đó, Mỹ thực hiện các phi vụ không gian chung với Liên Xô, mở đầu sự hợp tác giữa hai kẻ thù. Ấn tượng nhất là cảnh Apollo kết nối với Soyuz trên quĩ đạo. Sau sự kiện này, không còn Apollo cũng như không còn cỗ xe nào của Mỹ đưa Phi hành gia lên không gian. Phải 6 năm sau (1981) mới có chuyến bay đầu tiên của tàu con thoi.

TƯƠNG LAI CỦA CÁC NHÀ DU HÀNH VŨ TRỤ - 4

Vận chuyển tàu con thoi đến bệ phóng

Chuyển sang khu vực tư nhân

Dù vẫn còn được xem là thành phần ưu tú nhất của lực lượng lao động Mỹ, nhưng công việc của các nhà du hành vũ trụ Mỹ không còn nhiều, và cũng không gây ấn tượng như người đầu tiên bay quanh quĩ đạo trái đất hay người đầu tiên đổ bộ lên Mặt trăng. Các Phi hành gia thất nghiệp tìm cách chuyển sang làm việc cho các công ty chế tạo tên lửa đẩy tư nhân. Khi các công ty không gian thương mại tư nhân phát triển đầy đủ, họ sẽ mở ra một mặt trận cạnh tranh mới hoàn toàn trên không gian. Có sẵn nhiều Phi hành gia dư thừa để thuê mướn là điều rất thú vị đối với George Whitesides, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Virgin Galactic, do Sir Richard Branson sáng lập với mục tiêu đầu tiên là chế tạo các phương tiện đưa du khách vào không gian từ một bệ phóng tại bang New Mexico.

Tháng 4 qua, công ty đã cho đăng quảng cáo tuyển Phi hành gia. Whitesides cho biết ông rất quan tâm đến các phi hành gia đã từng là chỉ huy hay lái tàu con thoi bay lên vũ trụ của NASA. “Khu vực không gian tư nhân cũng đề nghị cơ hội cho những ai muốn trở thành Phi hành gia nhưng chưa qua đào tạo” - David Mackay, phi công trưởng của Virgin Galactic và cũng sẽ là phi công đầu tiên lái tên lửa chở du khách Spaceship 2 và tàu mẹ có hệ thống đẩy phản lực White Knight 2 của Virgin Atlantic nói. Nhu cầu Phi hành gia thương mại sẽ tăng mạnh khi các công ty không gian tư nhân mở rộng hoạt động ra ngoài giới hạn đưa du khách vào không gian. Cuối tháng 2, Viện Nghiên cứu Southwest đã ký các hợp đồng với Virgin Galactic và công ty XCOR Aerospace chuyên xây dựng các phương tiện đưa du khách đến “hạ quĩ đạo (suborbit) của trái đất bản doanh đặt tại California để thực hiện 17 lần phóng rocket nghiên cứu khoa học.

Đối với Alan Stern, Phó Chủ tịch của một tổ chức phi lợi nhuận, thì khi các công ty không gian thương mại thực hiện được hàng trăm chuyến bay mỗi năm thì chi phí cho những thử nghiệm khoa học và du lịch tại “hạ quĩ đạo” sẽ giảm đáng kể do cạnh tranh. “Tôi mơ đến ngày người dân không còn nhớ được tên các Phi hành gia, vì những chuyến bay vào vũ trụ nở rộ quá nhiều nhờ sự cạnh tranh tích cực của khu vực tư nhân. Đi vào không gian lúc đó không còn là chuyện riêng của NASA mà của công chúng nói chung” – Mackay nhận xét. Tuy nhiên, ngay cả khi không gian đã trở thành sân chơi chung và nơi làm việc của nhiều người thì nó vẫn luôn tiềm ẩn nhưng bất ngờ thú vị và cả bất trắc. “Đi vào không gian không có nghĩa là bạn đã giải mã được không gian, cho dù bạn có là Phi hành gia từng bay vào không gian hàng chục lần” – Phi hành gia NASA Sunita Williams nói.

L.X

(Theo Science, CNN, Washington Times 7.2011)



Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT