Vận hành công trình cống thủy lợi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng
Công trình thủy lợi Rạch Mọp ở Sóc Trăng được ví như “Cánh cổng nước” tại bờ Nam sông Hậu, xung quanh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mở ra tiềm năng phát triển du lịch.
Sáng 17/2, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển thông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện dự án và tổ chức vận hành tạm thời công trình cống âu Rạch Mọp để phục vụ sản xuất. Dự án có vốn đầu tư gần 530 tỷ đồng này do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư, xây dựng tại 2 xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú, Sóc Trăng).Ông Trần Văn Lâu (phải), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Khang.
Hơn 2 năm trước, cống âu Rạch Mọp được khởi công vào dịp lễ 30/4. Do địa phương thụ hưởng dự án đang ảnh hưởng tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025, từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, chủ đầu tư cùng nhà thầu đã rất tích cực, nỗ lực và triển khai thi công đồng thời các hạng mục, tăng ca, làm thêm giờ để hoàn thành lắp đặt cơ khí cửa van cống, xy lanh thủy lực.
Hiện, “Cánh cửa nước” lớn nhất dự án đã đủ điều kiện vận hành để thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn phục vụ sản xuất, dân sinh mùa khô năm 2024-2025. Ngoài cống âu Rạch Mọp, Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu còn 5 cống khác có tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.Rạch Mọp là công trình cống thủy lợi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng.
Mục tiêu của Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu là kiểm soát nguồn nước, triều cường, ứng phó với các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu để bảo vệ vùng sản xuất hơn 36.700 ha của Sóc Trăng và Hậu Giang.
Còn đối với nhiệm vụ của dự án, các cống sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng diện tích tự nhiên 19.220 ha trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng. Dự án còn làm tăng khả năng luân chuyển dòng chảy; nâng cao hiệu quả thau chua, rửa phèn và tiêu thoát nước, cải thiện môi trường trong vùng dự án.Khu vực cống âu Rạch Mọp có cảnh quang rất đẹp, thích hợp phát triển du lịch.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói rằng địa phương đã có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái ở khu vực có công trình cống âu Rạch Mọp.
Còn ông Lâm Tiến Thạch, Bí thư Huyện ủy Long Phú cho biết cảnh quang xung quanh cống âu Rạch Mọp rất đẹp, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch. Tại xã Song Phụng có cồn Lý Quyên còn hoang sơ và nhiều vườn cây trái dọc sông Hậu nên có thể thiết kế cho du khách đi trên sông hoặc lên cống tham quan, sau đó vào vườn cây trái, qua cồn tham quan, ngắm cảnh, ăn uống... Từ đó, địa phương sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quán ăn dọc sông Hậu làm điểm dừng chân.