Ngành dệt may hướng đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp dệt & may, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải SaigonTex - SaigonFabric 2025 đang diễn ra tại TP.HCM, chú trọng đến chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Diễn ra từ ngày 9-12/4, sự kiện là cầu nối góp phần thúc đẩy giao thương sôi động trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều thách thức.
Triển lãm giới thiệu đầy đủ các khía cạnh của hệ sinh thái ngành dệt may, bao gồm máy móc dệt may và may mặc, công nghệ nhuộm và hóa chất, vải và phụ kiện may mặc, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp, và khách hàng từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Với diện tích khoảng 34.000 m2, SaigonTex - SaigonFabric 2025 quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm (tăng 6% so với năm 2024). Các nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các đại diện nổi bật từ Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Việt Nam…
Khách tham quan sẽ trải nghiệm thực tế các sản phẩm dệt may đa dạng, mang màu sắc riêng của mỗi nước tại các cụm gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức (Official Pavilions). Các cụm gian hàng này bao gồm: các công ty có trụ sở, nhà máy sản xuất tại Việt Nam; cụm gian hàng của tỉnh Giang Tô và thành phố Nam Thông (Trung Quốc); cụm gian hàng đến từ Liên Đoàn Dệt May Đài Loan (TTF); cụm gian hàng của Hàn Quốc như KOFOTI; và cụm gian hàng quốc gia Ấn Độ.
Chia sẻ tại triển lãm, ông Trần Ngọc Liêm - Giám Đốc VCCI-HCM cho biết, giá trị xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2024 đạt 44 tỷ USD (tăng 11,26% so với năm 2023), nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh và trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo tỉ trọng lần lượt là: Hoa Kỳ (37,98%), EU (9,77%), Hàn Quốc (8,93%), Trung Quốc (8,3%), ASEAN (6,59%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Toàn ngành xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024; riêng ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu từ 47 đến 48 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2024, ngành dệt may có khoảng 3.500 dự án FDI, với tổng mức đầu tư trên 37 tỷ USD. Khu vực FDI đang chiếm giữ vai trò quan trọng, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Những quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào dệt may Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Theo ông Liêm nhận định, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đạt được nhiều thành quả cả về thương mại lẫn đầu tư, nhưng trong thời gian tới, ngành vẫn còn phải đối đầu với nhiều thách thức lớn như sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đón định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống, v.v.
Để vượt qua những khó khăn này, ông Liêm cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa, và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, và hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm trên, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) nhận định, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế dài hạn của cả thị trường dệt may thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt kịp xu thế và đáp ứng yêu cầu của khách hàng với nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao. “Sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ chuyển đổi kép, chuyển đổi số là những biện pháp mà doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đang hướng tới.”- ông Hiếu chia sẻ thêm.
Nắm bắt được xu hướng này, SaigonTex - SaigonFabric 2025 được thiết kế với những chương trình đặc biệt bên cạnh những hội thảo chuyên sâu, để các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng, cũng như tìm ra giải pháp tối ưu cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là chương trình thuyết trình sản phẩm và diễu hành thời trang mùa thứ 2 (gọi tắt là chương trình PPP). PPP bao gồm 8 chủ đề được quan tâm và lựa chọn kỹ lưỡng, với đa dạng sản phẩm trưng bày từ các nhà triển lãm chất lượng cao, cùng nhau giới thiệu trực tiếp công nghệ tiến bộ mới nhất trong ngành tới những người mua tiềm năng tại Việt Nam. Năm nay, chương trình đem đến chủ đề mới “Công nghệ sản xuất”, thu hút rất nhiều nhà triển lãm quan tâm giới thiệu.
Đặc biệt, trong chương trình PPP, khách tham quan có thể trải nghiệm một cuộc diễu hành thời trang đầy hấp dẫn với các bộ trang phục đã được chọn lựa theo xu hướng thịnh hành nhất từ chất liệu cung cấp bởi các nhà triển lãm. Giới thiệu sản phẩm thông qua diễu hành thời trang sẽ tạo sức hút hơn, đồng thời giúp người tham gia có cơ hội tương tác với các thương hiệu trình bày thông qua các hashtag đặc biệt được thể hiện qua các màn biểu diễn của người mẫu và vũ công.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng thiết lập một khu kết nối thương mại chuyên sâu, và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) sẽ đảm nhận vai trò chủ trì nhằm thúc đẩy các kết nối thương mại quan trọng giữa các nhà triển lãm và khách hàng. Khách tham quan sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với đại diện từ các thương hiệu quốc tế hàng đầu cũng như một loạt các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ mới nhất trong sản xuất dệt may.
Là sự kiện dệt may hàng đầu của Việt Nam được tổ chức hai lần mỗi năm (tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), SaigonTex - SaigonFabric đã khẳng định vị thế vững chắc của mình trong suốt 35 năm qua. Triển lãm cũng là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với những cải tiến công nghệ và xu hướng thiết kế đột phá, triển lãm hứa hẹn mang lại lợi ích thiết thực cho toàn ngành.
Các đơn vị bảo trợ và phối hợp đồng tổ chức SaigonTex - SaigonFabric 2025 bao gồm: Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS); Tập Đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX); CP Exhibition Ltd (Hong Kong); và Công ty TNHH Tổ chức Triển lãm CP Việt Nam. Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) là đơn vị tham gia tài trợ cho triển lãm này. |