Khánh thành cống thủy lợi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng
Công trình thủy lợi được ví như “Cánh cổng nước” tại bờ Nam sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng chính thức khánh thành. Đó là Cống âu Rạch Mọp, xung quanh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mở ra tiềm năng phát triển du lịch.
Sáng 19/4, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ khánh thành công trình kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và bàn giao đưa vào sử dụng công trình Cống âu Rạch Mọp. Đây là dự án cống thủy lợi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng và là công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tại lễ khánh thành. Ảnh: Duy Khang.
Công trình Cống âu Rạch Mọp xây dựng trên sông Rạch Mọp của tỉnh Sóc Trăng, có tổng chiều rộng thông nước B = 85 m, gồm 2 khoang cống B = 35 m, một khoang âu thuyền B = 15 m. Cửa van của cống phẳng bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, xung quanh có đường dân sinh và các công trình phụ trợ khác.Cống âu Rạch Mọp trong ngày khánh thành. Ảnh: Duy Khang.
Công trình Cống âu Rạch Mọp có vốn đầu tư hơn 516 tỷ đồng, được khởi công ngày 5/1/2023. Sau hơn 2 năm tích cực triển khai, đến nay tất cả các hạng mục của công trình đã hoàn thành, thi công đạt chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế, tổ chức nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, công trình này hoàn thành đạt tiến độ của hợp đồng, đảm bảo chất lượng, thi công an toàn. Chủ đầu tư có thể tự tin khẳng định công trình Cống âu Rạch Mọp - dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu đã hoàn thành theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ dự án đề ra.
Cụ thể, công trình góp phần tăng cường khả năng trữ nước, tạo nguồn và chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt, kết hợp cùng với các công trình khác đã xây dựng nhằm tạo nguồn ngọt, kiểm soát nguồn nước, triều cường, bảo vệ các vùng sản xuất và cơ sở hạ tầng của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Công trình này kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220 ha đất tự nhiên; giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiên 36.710 ha, làm tăng khả năng luân chuyển dòng chảy, nâng cao hiệu quả tháu chua, rửa phèn và tiêu thoát nước môi trường trong vùng dự án.
Công trình Cống âu Rạch Mọp còn được ví như “Cánh cửa nước” lớn nhất Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu. Ngoài Cống âu Rạch Mọp, Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu còn 5 cống khác có tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói rằng địa phương đã có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái ở khu vực có công trình Cống âu Rạch Mọp.
Còn ông Lâm Tiến Thạch, Bí thư Huyện ủy Long Phú cho biết cảnh quang xung quanh cống âu Rạch Mọp rất đẹp, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch. Tại xã Song Phụng có cồn Lý Quyên còn hoang sơ và nhiều vườn cây trái dọc sông Hậu nên có thể thiết kế cho du khách đi trên sông hoặc lên cống tham quan, sau đó vào vườn cây trái, qua cồn tham quan, ngắm cảnh, ăn uống... Từ đó, địa phương sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quán ăn dọc sông Hậu làm điểm dừng chân.