Giới trẻ mang di sản người Tày về triển lãm phố thị
Diễn ra tại Hội Mỹ Thuật TP.HCM, triển lãm "Chàm Then Chạm Tính" không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là nỗ lực đưa di sản hát Then của dân tộc Tày đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tại TP.HCM.
Cầu nối di sản hát Then
Tại triển lãm "Chàm Then Chạm Tính", không gian được thiết kế như một cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Tày, đan xen cùng các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hát Then Đàn Tính và trang phục vải chàm truyền thống.
Khu vực đầu tiên mở ra không gian các tác phẩm vải nhuộm chàm đặc biệt từ Saigon Indigo . Khách tham quan có thể tìm hiểu quy trình những tẩm vải trắng đổi thành màu chàm biểu trưng của dân tộc Tày, thông qua việc ứng dụng màu sắc của cây chàm mà núi rừng ban tặng.
Đàn tính, nhạc cụ không thể thiếu trong những màn hát Then, được trưng bày sáng tạo cùng vật phẩm, nhạc cụ đặc trưng. Đồng thời, để cảm nhận sinh động hơn, người tham dự còn thể trải nghiệm bản phối mới của bài hát "Mời anh về Tây Bắc" do ca sĩ Sằm Minh Hiệu thể hiện. Bài hát này không chỉ là một tác phẩm âm nhạc, mà còn là một thông điệp tính đương đại hoá để đưa tác phẩm bản sắc dân tộc gần gũi hơn với thế hệ trẻ.
Một trong những bộ sưu tập đáng chú ý còn phải kể đến "Đồng điệu" của Hapuu Chaotic Pattern, với những mẫu vải bông nhuộm chàm vẽ bằng sáp, tạo ra vẻ đẹp thẩm mỹ độc đáo. Bộ sưu tập "Bản sắc" của họa sĩ người Tày Vi Việt Nga, với tranh khắc gỗ và áo dài vẽ tay khắc hoạ đời sống và tín ngưỡng của người Tày, thể hiện sự khéo léo và tài hoa của nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, ban tổ chức ứng dụng AI để làm mới các hoạ tiết Tây Bắc, đưa ra đời sống từ hình chụp trong quá trình nghiên cứu, tạo ra tác phẩm cách điệu thú vị qua lăng kính hiện đại.
Dự án "Chàm Then Chạm Tính" được khởi xướng bởi bốn bạn trẻ năm cuối trường Đại học FPT. Trước trăn trở về bộ môn hát Then Đàn Tính, vốn được hỗ trợ truyền thông ít hơn so với các di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác như Quan họ Bắc Ninh hay Nhã Nhạc Huế, nhóm sinh viên đã chọn chủ đề này cho khoá luận tốt nghiệp, và hướng tới dự định dài hạn hơn.
"Chúng em rất vui khi khi thấy mọi người đón nhận và thích thú với triển lãm này và sắp tới. H vọng qua dự án này, di sản Đàn Tính Hát Then sẽ đến gần hơn với công chúng. Thời gian sắp tới, chúng em cố gắng tạo ra cộng đồng người trẻ yêu thích hát then tại Tp.HCM." chia sẻ Ngô Bảo Hùng, đại diện ban tổ chức dự án.
Dự án này nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình từ Nghệ nhân hát Then – ThS. Xuân Bách, giảng viên khoa Nghiệp vụ Văn hóa & Du lịch tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Nghệ nhân Xuân Bách không chỉ là người truyền cảm hứng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và chia sẻ kiến thức về hát Then cho ban tổ chức.
Trong hai ngày 11 và 12 tháng 4, triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, vào khung giờ 15:30 – 16:00, chương trình hát Then do CLB Dân gian Tây Bắc thuộc Hội Di sản TP.HCM hứa hẹn góp thêm sắc màu trải nghiệm cho khách tham quan.
Cùng với Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự kiện mang thêm luồng gió mới trong nỗ lực tăng cường sự hiểu biết và yêu mến đối với các di sản văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam.