Công bố quy hoạch chung TP. Thủ Đức: Khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, trở thành trung tâm tài chính của quốc gia
Thành phố kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư, thành phố luôn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để đạt được mục tiêu TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, trung tâm tài chính quốc tế.
Hôm nay (6/2), UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch chung TP. Thủ Đức theo Quyết định 202/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TP. Thủ Đức là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa và là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo với quy mô dân số đến năm 2030 có khoảng 1,8 triệu người, đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo TP. Thủ Đức đã giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế và các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn TP. Thủ Đức với 535 dự án cùng 5 loại hình đầu tư, tổng nguồn vốn trên 800.000 tỷ đồng.
TP. Thủ Đức quy hoạch sau năm 2040 khoảng 3 triệu người
Theo UBND TP. Thủ Đức, quy hoạch chung TP. Thủ Đức nhằm phát triển địa phương trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, vùng đô thị TP.HCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Quy hoạch cũng phát huy vai trò là đầu mối giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa với cả nước và quốc tế. TP Thủ Đức cũng sẽ tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự kiến vào năm 2040, TP. Thủ Đức được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, trên cơ sở hình thành, phát triển các khu vực trọng điểm về tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao. Không gian của thành phố được phát triển theo 9 phân vùng, gắn với tổ chức hệ thống giao thông đô thị và liên vùng đa phương thức, giao thông công cộng; phát triển đô thị tập trung hướng theo giao thông công cộng, trong đó, các ga trung chuyển quy mô lớn sẽ hình thành lõi của các trọng điểm phát triển.
Các phân vùng cũng gắn với tổ chức các khu vực đa chức năng nhằm tăng cường tương tác trong các hoạt động kinh tế - xã hội và hợp tác phát triển, với hạt nhân là các trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành các trung tâm kinh tế tri thức; đồng thời phát triển theo xu hướng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối tại TP. Thủ Đức với phần còn lại của TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành.
Điểm nhấn của không gian đô thị tại TP. Thủ Đức được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm
Điểm nhấn của không gian đô thị tại TP. Thủ Đức được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh, rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời có vai trò là các hành lang trữ và thoát nước.
TP. Thủ Đức sẽ phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị trên cơ sở khuyến khích chuyển đổi, tái thiết, hoàn thiện các khu vực phát triển hiện có, nâng tầng cao xây dựng, nâng cao hệ số sử dụng đất; bổ sung không gian mở và không gian cây xanh công cộng.
Với quy hoạch chung lần này, giao thông đối nội của TP. Thủ Đức được bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt là các tuyến đường đô thị theo hướng Đông - Tây cũng như một số đường trên cao và đường vận tải chuyên dụng. Điều này nhằm phân tách giao thông đô thị với giao thông liên vùng, giao thông phục vụ cảng và khu công nghiệp.
TP. Thủ Đức cũng được tổ chức theo 10 lưu vực thoát nước, thiết lập hạ tầng chống ngập phù hợp với điều kiện phát triển đô thị, cao độ địa hình và hạ tầng giao thông của từng khu vực, để nâng cao tính khả thi cao, dễ phân kỳ xây dựng cũng như linh hoạt trong vận hành. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được nâng cấp và xây mới đảm bảo chỉ tiêu đô thị loại đặc biệt (của TP.HCM) theo hướng thông minh và bền vững; bổ sung các nguồn điện sạch (nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính) và thu hút các doanh nghiệp có tiêu chuẩn môi trường cao.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, quy hoạch chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp TP. Thủ Đức cụ thể hóa quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, đây là cơ hội phát huy tối đa các cơ chế đặc thù chính sách phát triển TP.HCM, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP. Thủ Đức, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế văn hóa khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Kêu gọi nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào TP. Thủ Đức
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị TP. Thủ Đức phối hợp các sở ngành để sớm triển khai quy hoạch. Trong đó chậm nhất tháng 9/2025 phải hoàn thành các quy hoạch phân khu.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu TP. Thủ Đức cần tập trung nguồn lực hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện đầu tư khu đô thị đại học, mở rộng khu công nghệ cao trước năm 2030, tăng cường liên kết các địa bàn giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn với phát huy thế mạnh lợi thế của từng địa phương.
Tại Hội nghị, Chủ tịch TP.HCM cho biết Thành phố kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư, thành phố luôn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để đạt được mục tiêu TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, trung tâm tài chính quốc tế.
Tại hội nghị, TP. Thủ Đức đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở trong năm 2025 với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng. |