Cơ giới hóa - "chìa khóa" then chốt hiện đại hóa nông nghiệp
Với đà phát triển của nông nghiệp Việt Nam, đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất quy mô lớn, hiện đại hơn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa sản xuất là “đòn bẩy” để giảm công lao động, nâng cao năng suất, giúp giảm chi phí đầu vào.
Cơ giới hóa đóng vai trò then chốt trong hiện đại hóa nông nghiệp
Phát biểu tại họp báo Triển lãm AGRITECHNICA ASIA 2025 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”, do Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cơ giới hóa đóng vai trò then chốt trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới một nền sản xuất bền vững, hiệu quả và giảm phát thải.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam
“Ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa không chỉ thúc đẩy các mô hình nông nghiệp phát triển bền vững, còn giúp tăng năng suất và giảm chí phí đầu vào, từ đó đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định và bền vững. Mong rằng AGRITECHNICA ASIA sẽ được tổ chức luân phiên ở Thái Lan và Việt Nam, đưa hai quốc gia nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung trở thành trung tâm tri thức trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp”, ông Thạch kỳ vọng.
Mặt khác, việc nâng cao tay nghề của nông dân là một yếu tố không thể thiếu. Khi tiếp cận được những công nghệ mới, nông dân sẽ tự tin hơn trong việc ứng dụng đổi mới sáng tạo vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp, sự kết nối giữa “4 nhà” - Nhà quản lý, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông là vô cùng quan trọng.
Theo ông Peter Grothues, Thành viên Hội đồng Thị trường DLG, thế giới nói chung, tại Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng, đang đối mặt với các thách thức cốt lõi của ngành nông nghiệp như biến đổi khí hậu, năng suất cao hơn và đa dạng sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững và tái tạo của người dân.
“Trước các thách thức này, AGRITECHNICA ASIA VIETNAM 2025 sẽ đóng vai trò như một nền tảng cốt yếu để thúc đẩy nhanh chóng cơ giới hóa và đổi mới sáng tạo nông nghiệp tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, ông Peter Grothues nhấn mạnh.
Tổ chức sản xuất là khâu cốt lõi trong ứng dụng cơ giới hóa
Phát biểu tại họp báo, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khẳng định, đi cùng với công nghệ là kỹ thuật trong sản xuất, điển hình như muốn cơ giới hóa thì phải có sự đồng đều. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của người nông dân.
Tổ chức sản xuất, không thể cơ giới hóa nhỏ lẻ mà phải có sự vào cuộc đồng loạt của người nông dân. Trong đó, vai trò của khuyến nông cơ sở để gắn kết các HTX với doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên quy mô lớn. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho từng hộ sản xuất.
Trước ý kiến “nền nông nghiệp hiện nay đang cơ bản ‘kịch trần’ về năng suất và cần phát huy lợi thế về giá trị. Điều này yêu cầu tổ chức sản xuất một cách hợp lý nhất và trong đó ứng dụng cơ giới hóa là 'đòn bẩy' để giảm công lao động, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, giúp giảm chi phí đầu vào trong đó có giống, phân bón”, theo ông Hồng, với đà phát triển của nông nghiệp Việt Nam, đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất quy mô lớn, hiện đại hơn, tổ chức sản xuất là khâu cốt lõi trong ứng dụng cơ giới hóa với điều kiện hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa được xem là vấn đề cốt lõi và rất thời sự trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Các công nghệ như công nghệ gieo trồng, công nghệ bảo vệ thực vật... có thể giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động và giá trị sản xuất.
Triển lãm AGRITECHNICA ASIA 2025 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”, diễn ra từ ngày 12-14/3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Triển lãm được tổ chức luân phiên tại Thái Lan (năm 2026) và Việt Nam (năm 2027 trở đi), nhằm tạo điều kiện triển lãm có quy mô và hiệu quả ngày càng lớn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để giới thiệu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các hợp tác xã và nông dân có thể tiếp cận và lựa chọn các giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, triển lãm được coi là nơi gặp gỡ, kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hợp tác xã, nông dân. Thông qua triển lãm, các bên có thể ký kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ, công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với nguồn vốn dẫn dắt là đầu tư công, năm nay TP.HCM vẫn kiên trì mục tiêu giải ngân đạt 95%, trong đó quý 1 giải ngân...