Chứng khoán chững lại sau chuỗi tăng, khối ngoại tiếp tục là điểm tựa với khẩu vị ưa thích là ngân hàng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là điểm tựa của thị trường với chuỗi mua ròng ấn tượng suốt 4 phiên đầu tuần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch từ 12 - 16/5 với những biến động tích cực xen lẫn áp lực điều chỉnh. Chỉ số VN-Index ghi nhận bốn phiên tăng liên tiếp đầu tuần trước khi chịu áp lực bán chốt lời trong phiên cuối tuần, qua đó kết tuần tại mốc 1.301,39 điểm, tăng tổng cộng 34,09 điểm (+2,69%) so với tuần trước. HNX-Index cũng tăng 4,56 điểm lên 218,69 điểm (+2,13%).

Chứng khoán chững lại sau chuỗi tăng, khối ngoại tiếp tục là điểm tựa với khẩu vị ưa thích là ngân hàng - 1

Tăng mạnh đầu tuần, áp lực chốt lời cuối tuần

Khởi đầu tuần giao dịch, VN-Index tăng mạnh 15,96 điểm trong phiên 12/5, đạt 1.283,26 điểm nhờ dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là TCB, VIC và FPT. Đà hưng phấn tiếp tục lan tỏa trong ba phiên kế tiếp, giúp chỉ số lần lượt vượt mốc 1.300 điểm và tiến sát vùng kháng cự tháng 3/2025.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần 16/5 ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể khi VN-Index mất 11,81 điểm, lùi về sát mốc tâm lý 1.300 điểm. Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt là nhóm ngân hàng khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng có tuần tăng điểm tích cực, dù phiên cuối tuần điều chỉnh nhẹ (-0,27%). Tính chung cả tuần, chỉ số tăng 4,56 điểm lên 218,69 điểm (+2,13%).

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất tuần qua là VPL, cổ phiếu chào sàn HOSE đã liên tục tăng trần trong các phiên giao dịch đầu tiên. Trong tuần, VPL không chỉ đóng góp đáng kể vào đà tăng của chỉ số VN-Index mà còn vươn lên nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thậm chí vượt qua cả FPT về vốn hóa trong phiên 16/5. Thanh khoản của VPL duy trì ở mức cao với nhiều phiên giao dịch quanh ngưỡng 100–150 tỷ đồng, cho thấy mức độ quan tâm đặc biệt từ dòng tiền đầu cơ lẫn đầu tư. Diễn biến của VPL trong những tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến thị trường chung.

Dòng tiền trong nước sôi động, khối ngoại tiếp sức hơn 3.000 tỷ đồng

Thanh khoản toàn thị trường tuần qua tăng trưởng vượt trội. Khối lượng giao dịch bình quân trên HOSE đạt 990 triệu cổ phiếu/phiên, tương đương giá trị 23.900 tỷ đồng – tăng hơn 39,2% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt 87 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị tương đương 1.313 tỷ đồng. Riêng phiên ngày 15/5, thanh khoản đạt đỉnh tuần với hơn 1,116 tỷ cổ phiếu được khớp trên HOSE, giá trị giao dịch đạt 25.883 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là điểm tựa của thị trường với chuỗi mua ròng ấn tượng suốt 4 phiên đầu tuần. Tính chung tuần, khối ngoại mua ròng gần 3.020 tỷ đồng trên cả hai sàn, trong đó HOSE đạt hơn 3.030 tỷ đồng, HNX bị bán ròng nhẹ gần 10 tỷ đồng.

Xét theo mã cổ phiếu, MBB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với giá trị ấn tượng lên tới 1.087 tỷ đồng. MWG và FPT theo sau với giá trị mua ròng lần lượt là 893 tỷ và 863 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ mạnh vào các mã PNJ (506,9 tỷ đồng), VPB (425,8 tỷ đồng) và CTG (375,5 tỷ đồng). 

Ở chiều bán ròng, VHM tiếp tục là cái tên bị khối ngoại xả mạnh nhất trong tuần với tổng giá trị lên tới 1.080 tỷ đồng, cho thấy áp lực rút vốn khỏi nhóm bất động sản vẫn đang hiện hữu. Các mã ngân hàng và bất động sản khác như VCB (-849 tỷ đồng) và VRE (-384 tỷ đồng) cũng nằm trong danh sách bị bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như STB (-251,2 tỷ đồng), GEX (-250,4 tỷ đồng), MSN (-219,7 tỷ đồng) và VNM (-167,4 tỷ đồng) cũng chịu áp lực thoái vốn đáng kể từ khối ngoại. 

Việc dòng vốn ngoại tiếp tục luân chuyển mạnh giữa các nhóm cổ phiếu lớn phản ánh sự thận trọng trước vùng kháng cự kỹ thuật, dù nhìn chung, lực mua ròng trong tuần vẫn giúp giữ nhịp tăng cho VN-Index bất chấp áp lực chốt lời dâng cao vào cuối tuần.

Nhóm ngành ngân hàng dẫn dắt nhưng cũng là tác nhân điều chỉnh

Trong tuần qua, nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong việc nâng đỡ chỉ số. Các mã như MBB, SHB, VPB, CTG, BID ghi nhận nhiều phiên tăng mạnh, đặc biệt trong ngày 14–15/5. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã xuất hiện rõ rệt trong phiên 16/5 khiến hầu hết cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm, kéo theo sắc đỏ bao phủ nhóm VN30. Trong top 10 cổ phiếu kéo giảm VN-Index mạnh nhất phiên cuối tuần, có tới 8 mã đến từ ngành ngân hàng.

Trong tuần giao dịch vừa qua, VNE là cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trên HOSE, khi bật tăng tới +38,59%, được hỗ trợ bởi mô hình kỹ thuật Rising Window và dòng tiền đột biến vượt SMA 200. Các mã khác như TDH (+34,56%), TCD (+28,82%), BCG (+21,31%) và DHM (+20,33%) cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng nhờ yếu tố dòng tiền và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II. Ở chiều ngược lại, nhóm giảm giá đáng chú ý có CCC giảm mạnh nhất với mức -25,52%, theo sau là TCO (-7,06%), TPC (-6,96%), VSC (-6.93%) và VHM (-6.75%). Việc VHM bị khối ngoại bán ròng mạnh liên tục nhiều phiên đã tạo áp lực lớn lên mã này. 

VN-Index kết tuần tại 1.301,39 điểm, duy trì đà hồi phục tuần thứ 2 liên tiếp và tăng tổng cộng hơn 21% từ đáy 1.075 điểm trong tháng 4. Tuy nhiên, vùng kháng cự quanh 1.315 điểm đang cho thấy dấu hiệu tạo áp lực chốt lời ngắn hạn.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), đây là giai đoạn nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn (20–25%), đặc biệt khi thanh khoản cao nhưng lực mua có dấu hiệu suy yếu. Mốc hỗ trợ mạnh tiếp theo có thể nằm ở vùng 1.250 điểm, nơi dòng tiền có thể quay trở lại mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Kiên

CLIP HOT

Video hướng dẫn cách góp ý Hiến pháp trên ứng dụng VneID
Video hướng dẫn cách góp ý Hiến pháp trên ứng dụng VneID

Tại buổi họp báo Kinh tế - Xã hội chiều 15/5, Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an TP.HCM cho biết, người dân TP.HCM có thể thể hiện ý chí, nguyện vọng của bản thân thông qua việc tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua VNeID.