Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen: Ngành tôn thép xu thế chung là đi xuống

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mở đầu Đại hội đồng cổ đông năm 2025, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen đánh giá năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động xuất khẩu tôn - thép theo đó sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khó đảm bảo ổn định thị phần.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen: Ngành tôn thép xu thế chung là đi xuống - 1

Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. (Ảnh: ST)

Xuất khẩu thép 2025 sẽ rất khó khăn

Ngày 18/3, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.

Tại Đại hội, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HSG cho biết: “Chi phí mỗi tháng của tập đoàn trên dưới 300 tỷ đồng. Quý I lãi 150 tỷ đồng, quý II ước lãi khoảng 100 tỷ, lũy kế nửa đầu năm khoảng 250 tỷ, tức là đi được nửa đường. Nếu năm ngoái giá thép không rớt từ 600 USD xuống 500 USD thì lợi nhuận có thể đạt 800 - 1.000 tỷ nhưng tình thế đã ngược lại”.

Theo ông Lê Phước Vũ, năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cộng với bất ổn địa chính trị sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Niên độ 2024 - 2025, tập đoàn tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt là mảng tôn thép truyền thống.

Bối cảnh là hầu hết đều suy thoái, xu hướng toàn cầu hoá bị đảo ngược, Tổng thống Trump sau khi đắc cử, đưa ra chủ trương nước Mỹ trên hết, đã đảo ngược các xu thế hiện nay, kể cả đồng minh EU, Canad

“Trong xu thế này, xuất khẩu là vấn đề khó với hầu hết doanh nghiệp trong trung hạn. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và với điều kiện khách quan như thế, chúng ta phải thích nghi, điều chỉnh chiến lược, chiến thuật để thích nghi. Tôi nói rõ luôn ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”, ông Vũ nói thêm.

Theo ông Vũ, tổng công suất nhà máy nội địa hiện nay gấp 3 lần so với nhu cầu trong nước, trong khi xuất khẩu khó khăn nên ngành đi ngang là giỏi lắm rồi.

Kế hoạch thận trọng

Kế hoạch 2025, ban lãnh đạo HSG đưa ra hai kịch bản kinh doanh, với lợi nhuận dao động trong khoảng 400-500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu lạc quan nhất vẫn thấp hơn kết quả 515 tỷ đồng đã đạt được trong năm tài chính trước đó.

Theo HSG, sự thận trọng này xuất phát từ nhiều yếu tố bất ổn toàn cầu, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại từ chính quyền Trump, cùng các biện pháp thuế quan bảo hộ từ Mỹ, Ấn Độ và châu Âu. Trong khi đó, thị trường nội địa vẫn đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu và nguồn cung tôn thép dư thừa.

Hoa Sen tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu mô hình hoạt động: Trong đó Tập đoàn sẽ giữ vai trò công ty mẹ đối với mảng sản xuất kinh doanh tôn thép truyền thống, với hệ thống sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam, bao gồm nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất 1,2 triệu tấn/năm - được coi là lớn nhất Đông Nam Á, Hoa Sen Nghệ An (1 triệu tấn/năm), Hoa Sen Nhơn Hội tại Bình Định và Hoa Sen Hà Nam.

Ở mảng nhựa, HSG lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu Nhựa Hoa Sen cho nhà đầu tư chiến lược. Sau khi phát hành, sở hữu của HSG tại Nhựa Hoa Sen sẽ giảm từ 99% xuống còn dưới 50% và trở thành công ty liên kết.

Ở mảng bất động sản, HSG đang đẩy mạnh thông qua CTCP Hoa Sen Yên Bái. Hồi tháng 5/2024, công ty này được tăng vốn lên 621 tỷ đồng để "hồi sinh" dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái - một dự án đã được khởi động từ năm 2016.

Cổ phiếu xuống cũng là hợp lý

Theo ông Vũ, cổ phiếu xuống thì cũng hợp lý. Nhà đầu tư và thị trường đã nắm bắt rất nhanh và điều chỉnh phù hợp với xu thế.

Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết: “Giá cổ phiếu chỉ 18 (18,000 đồng/cp). Trong khi giá trị sổ sách đã gần 18.000 đồng/cp rồi. Sao bèo thế. Tôi cày mấy chục năm trời mà giá cổ phiếu chỉ gần giá trị sổ sách. Thương hiệu và nhà máy chúng ta bỏ đâu, rồi đội ngũ điều hành nhân sự. Vì cổ phiếu ngành thép, PE luôn là 5-6 lần. Nếu gộp Hoa Sen Home vào HSG thì buộc phải theo PE 5-6”.

Cũng theo Chủ tịch HSG, thì Việt Nam hiện nay lớn nhất Đông Nam Á, top 10 thế giới về ngành tôn thép. Một doanh nghiệp Việt sản xuất đạt doanh thu 1 tỷ USD là hơi hiếm. Nước ngoài thì nhiều, nhưng Việt Nam thì rất hiếm. Điều đó nói lên năng lực, khả năng của Tập đoàn.

“Từ năm 2020, lẽ ra chúng ta phải làm tổ hợp thép, như HPG và Formosa, nhưng vì bị chơi xấu nên không làm tổ hợp thép Cà Ná. Nhưng đó là điều may vì nếu làm thì giờ sẽ bị mệt… Chúng ta giờ không nợ nhờ không làm dự án đó” – ông Vũ chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch HSG, để có một lợi thế như hiện nay, chúng ta đã trải qua quá trình tích luỹ. Chúng ta không thể dừng ở đây được vì nếu dừng chỉ đi xuống thôi và không tạo thêm giá trị cho cổ đông.

Đáng chú ý, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại 50-100 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông trước những biến động phức tạp của thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết thực chất mua lại cổ phiếu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Vừa rồi (tháng 2) có thời điểm cổ phiếu từng xuống chỉ còn 16.x đồng/cp, ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông.

Vị lãnh đạo nhấn mạnh xin ý kiến cổ đông thông qua nhưng có thể sẽ không mua, trong trường hợp giá cổ phiếu đạt 19.000 - 20.000 trở lên đồng/cp thì công ty không còn lý do để mua nữa. Ngược lại, nếu vì lý do khách quan nào đó, giá giảm xuống dưới giá trị sổ sách sẽ ảnh hưởng đến cổ đông.

Doanh nghiệp hiện không thiếu tiền, đang sử dụng vốn với chi phí lãi vay thấp. Tuy nhiên, nếu không can thiệp mà vì lý do khách quan khiến cổ phiếu giảm xuống sẽ rất ảnh hưởng tới cổ đông. Đây là biện pháp dự phòng cần thiết.

Về mức giá cụ thể để công ty mua lại, vị Chủ tịch cho biết chưa thể trả lời. Điều này phụ thuộc vào tình hình thế giới, Việt Nam, VN-Index (chỉ số đại diện thị trường chứng khoán)...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bảo Phương

CLIP HOT

Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây
Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tết, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân tăng cao, việc vận chuyển hàng hóa mùa tết gia tăng làm cho các tuyến đường, nhất là tại các giao lộ, trục đường chính kết nối các tỉnh, thành ra vào trung tâm thành phố quá tải và xãy tình trạng giao thông ùn ứ kéo dài.