Báo chí, cầu nối giúp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Trong bối cảnh Nghị quyết 68 thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, báo chí đã trở thành kênh thông tin quan trọng, đồng hành cùng ngân hàng trong định hướng dư luận, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.
Sáng 4/7, tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm "Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân".
Toàn cảnh tọa đàm "Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân".
Sự kiện nhằm khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025. Bên cạnh đó, cùng đồng hành của báo chí trong hành trình bứt phá của doanh nghiệp tư nhân, hướng tới phát huy động lực then chốt của nền kinh tế trong tương lai.
Tọa đàm gồm hai phiên thảo luận chính:
Phiên 1: Lan tỏa tinh thần thi đua làm giàu và phát triển kinh tế tư nhân theo các nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Phiên 2: Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp – Tăng năng lực cạnh tranh cho kinh tế tư nhân.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2025 được xác định là năm "tăng tốc, bứt phá", tạo đà để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Đặc biệt, Việt Nam đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính nhiều tỉnh, thành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Ông Võ Tân Thành nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng đã ban hành bốn nghị quyết chiến lược, nổi bật là Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025, lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành 2 triệu doanh nghiệp phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò then chốt, đóng góp khoảng 50% GDP, tạo việc làm cho phần lớn lao động và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, báo chí đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần giúp ngành ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn trong việc cung cấp vốn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II
Theo ông Lệnh, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết 68 có ý nghĩa then chốt, tạo động lực để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng quốc gia trong giai đoạn tới. Lan tỏa chủ trương, tạo động lực đổi mới thông qua hoạt động báo chí, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân nắm bắt kịp thời chủ trương, định hướng và chính sách phát triển.Từ đó, họ có thể chủ động xây dựng giải pháp, kế hoạch và hành động cụ thể để phát triển ngành, lĩnh vực của mình.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, chia sẻ thêm, chính sách trúng và đúng cùng với việc tổ chức thực hiện tốt, sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ hiện nay, với 4 chủ trương chính sách lớn: về cải cách thể chế; hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng pháp luật và phát triển kinh tế nhân.Trong quá trình này, báo chí có vai trò quan trọng, trở thành kênh thông tin tuyên truyền để làm tốt hoạt động truyền thông chính sách, góp phần đưa chủ trương lớn của Đảng đi vào cuộc sống thực tiễn có hiệu quả.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách phía Nam nhìn nhận, tại TP.HCM, sự hợp tác giữa Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí với khu vực kinh tế tư nhân chưa lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả tới các cấp Hội và cơ quan báo chí địa phương.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ông Dũng đề xuất cần tăng cường hợp tác sâu rộng, thường xuyên hơn, đặc biệt trên các nền tảng số giữa VCCI, doanh nghiệp tư nhân (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) với các cơ quan báo chí, nhất là các báo, tạp chí chuyên về kinh tế. Đồng thời, cần cung cấp kịp thời quan điểm, chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân và kiến thức chuyên sâu để hỗ trợ phóng viên, biên tập viên thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.Các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, bảo đảm khách quan, trung thực, lan tỏa mô hình tốt, cách làm hay, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. "Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa tin sai lệch, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và doanh nhân", ông Dũng nhấn mạnh.
Ban tổ chức cho biết, các kiến nghị và đề xuất từ tọa đàm sẽ được tập hợp, báo cáo lên VCCI để làm cơ sở cho các kiến nghị chính sách, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Thông điệp chung của tọa đàm là cùng chung tay xây dựng một nền kinh tế tư nhân vững mạnh, góp phần đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp sẽ là nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu này, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế tư nhân và thịnh vượng quốc gia.