THƯƠNG MẠI HÓA LỄ HÔI: TẬN THU VÀ BÁT NHÁO

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

Cả nước có gần 9.000 lễ hội nhưng hiện nay nhiều lễ hội đã trở thành cơ hội để ban tổ chức, chính quyền địa phương tận thu còn người dân đi lễ chỉ để cầu lợi. Vì lẽ đó, nhiều lễ hội đang dần mất điểm khi du khách một đi không quay lại.

THƯƠNG MẠI HÓA LỄ HÔI: TẬN THU VÀ BÁT NHÁO - 1

Cảnh chen chúc, xô đẩy đến ngạt thở; người sau cúng lưng người trước ở chùa Đồng, Yên Tử (Quảng Ninh).

Bỏ tiền thật, vay tiền ảo

Ở vùng núi cao, lễ hội thực sự là một cuộc vui của đồng bào dân tộc, có nhiều trò chơi sôi động nhưng ở đồng bằng và các đô thị, người dân kéo về các lễ hội như chùa Hương, Yên Tử, Phủ Giày, đền Bà Chúa Kho, đền Hùng, chùa Bái Đính… chỉ để cúng bái, cầu may rủi. Vì thế, người dân đã thi nhau đổ tiền của để mua sắm lễ, đốt vàng mã. Rồi thi nhau rải tiền lẻ khắp các ban bệ, tượng Phật, thậm chí ném cả xuống ao hồ, giếng trong di tích. Ngay cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) không phải là một di tích tâm linh nhưng đầu năm nay cũng trở thành nơi người dân kéo vào lễ lạt, cúng bái mưu cầu học hành, đỗ đạt. Ở đây cũng có cảnh khói hương nghi ngút, tiền lẻ được nhét vào miệng những cụ rùa đá, ném lên mái nhà.

Trong khi đó, ở khu vực đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh) xảy ra tình trạng ùn tắc, chen chúc ngay từ đầu năm đến nay do người dân kéo về “vay” lộc. Bà con cho rằng, muốn có một năm làm ăn “vào cầu”, trúng quả phải vay mượn vốn liếng của đền Bà Chúa Kho. Lễ càng to càng thắng đậm, nên ai cũng cố sắm mâm lễ tới cả triệu đồng, có người hàng chục triệu đồng, đua nhau bỏ tiền thật để vay tiền ảo. Bắt được tâm lý “tham tài” của khách, hàng trăm chủ tiệm kinh doanh ngoài đền đua nhau “chặt chém” không thương tiếc.

Đáng buồn là chính người dân đang làm dung tục hóa các lễ hội. Ở đền Bà Chúa Kho, có người còn bỏ cả đống tiền thật để mua một núi vàng mã đem đốt, trả lễ Bà Chúa Kho. Nhiều gia đình còn hóa cả... ô-sin giấy cho người chết.

Tại đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Phủ Giày (Nam Định), các loại vàng mã chất đống, ngựa giấy to bằng ngựa thật, hình nhân thế mạng xếp từ bên trong ra ngoài. Ở lễ hội chùa Hương, mặc dù dư luận đã lên án từ nhiều năm nay nhưng hiện nay đủ loại thịt thú rừng, thịt cầy giả thịt thú rừng vẫn vô tư treo lủng lẳng khắp khu Hương Sơn, Bến Đục, thậm chí tấn công lên tận cổng chùa Thiên Trù, làm ô tục cõi Phật. Khách đông, chủ các nhà hàng tha hồ “chặt chém”: một bát phở, mì tôm giá 40.000 đồng; trứng gà, trứng vịt 8.000 đồng/quả…

Còn tại các lễ hội như hội Lim (Bắc Ninh), đền Trần, chợ Viềng Chùa (Nam Định), Côn Sơn - Kiếp Bạc… nổi lên nạn cờ bạc bịp, trò chơi may rủi trá hình. Năm nào, các hình thức như tôm cua cá, ném vòng, ném đĩa, phi tiêu… trúng thưởng cũng tái diễn, ngang nhiên hoạt động, làm nhiều du khách bị mất tiền oan. Thậm chí ngay cả lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) tổ chức vào ngày 17 tháng giêng hàng năm hiện nay cũng hóa thành một sòng bạc khi giới cá độ kéo về lôi kéo cả người dân địa phương cá cược.

Tận thu

Lễ hội truyền thống ngày càng trở nên bát nháo, trong khi nhiều nơi lại lợi dụng lễ hội để tận thu ngân sách; việc cải thiện các mặt tiêu cực, bất cập vẫn chưa được bao nhiêu. Nhiều nơi tổ chức lễ hội nhưng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, làm cho bản sắc lễ hội bị tha hóa, biến tướng.

Hiện nay, hầu như các di tích đều tràn lan các ban thờ, hòm công đức, đĩa đặt tiền giọt dầu, thậm chí một gốc cây với vài nén nhang cũng đặt hòm công đức, dẫn đến việc đặt tiền vung vãi, gây phản cảm. Ở khu đền Bà Chúa Kho, Phủ Giày và nhiều nơi khác, dường như mỗi năm lại “mọc” thêm các ban thờ mới. Trước đây, dư luận đã từng lo ngại hiện tượng tượng giả, chùa giả, “gia đình hóa” di tích…

Tính thương mại hóa, tận thu lễ hội thể hiện ở việc nhiều lễ hội đua nhau tổ chức đấu thầu các điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ, dẫn đến chủ hàng đẩy giá cả lên để thu lợi nhuận và ban tổ chức không thể kiểm soát được giá cả, tiêu biểu như hội Lim (Bắc Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Phủ Tây Hồ (Hà Nội)… Tại hội Lim, nơi có đặc sản dân ca quan họ, từ nhiều năm nay, người dân đã bức xúc vì bị biến thành hội chợ mỗi năm mở hội vào ngày 13 và 14 tháng giêng Âm lịch. Gần đây, hội Lim đang dần vãn khách hoặc du khách chỉ tìm về nghe quan họ trong các làng chứ không lên khu vực hội chợ nữa.

Ngay cả lễ hội chùa Hương, danh thắng Yên Tử cũng đang được khai thác theo kiểu tận thu. Trong khi từ đầu tháng 1-2012, giá vé tham quan di tích chùa Hương được tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng, tức là tăng đột ngột tới 20.000 đồng/người chỉ sau một mùa lễ hội thì các dịch vụ đi kèm như phí thuê đò, giá vé cáp treo lên động Hương Tích đều tăng theo. Trong đó, phí đi đò đã tăng thêm 10.000 đồng lên mức 25.000-35.000 đồng/người và giá vé đi cáp treo lên động Hương Tích là 120.000 đồng/khách (khứ hồi).

Nhiều người cho rằng, trong khi di tích Yên Tử (Quảng Ninh) vẫn không thu phí tham quan thắng cảnh thì việc chùa Hương bắt buộc mua vé thắng cảnh trong nhiều năm qua là tận thu, chưa kể tới việc liên tục tăng phí và đây là nơi tổ chức cho nhiều chủ hộ, doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thuê, đấu thầu địa điểm kinh doanh, buôn bán dịch vụ nhiều nhất hiện nay.

Theo UBND TP Hà Nội, mùa lễ hội năm 2011, chùa Hương đã bán được 1,38 triệu lượt vé tham quan thắng cảnh, thu về 41 tỷ đồng. Năm nay do nâng giá vé nên nguồn thu sẽ tăng lên 69 tỷ đồng. Đó là chưa tính tới khoản thu khổng lồ từ tiền công đức và phí đấu thầu địa điểm kinh doanh, phí hoạt động của chủ đò, tiền bãi gửi xe…

GS Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu về lễ hội và văn hóa dân gia, bày tỏ sự không hài lòng về cách tổ chức lễ hội cũng như quan niệm về đi lễ hội của người dân như hiện nay.

Theo ông, ngày xưa lễ hội tổ chức là để hòa nhập và tạo sức mạnh cộng đồng, còn bây giờ người dân đến lễ hội, đình chùa chỉ là để cầu xin cho chính mình. Thậm chí còn có tư tưởng mâm cao cỗ đầy, lễ lạt nặng quả thì được lộc nhiều, theo kiểu “tốt lễ dễ kêu”. Đáng buồn là các lễ hội bị thương mại hóa, dung tục hóa. Hòm công đức trá hình, những trò mê tín dị đoan, cờ bạc, móc túi xuất hiện tràn lan... Mục đích thực dụng, trần sao âm vậy tràn vào lễ hội, đình chùa. Người ta rải tiền vào chốn linh thiêng như “hối lộ” thánh thần, cầu xin tiền tài lộc lá sỗ sàng, không còn nét thảnh thơi, chiêm bái như trước nữa.

 Văn Phúc

(Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 5.2.2012)

 


 

BÀI 2: CHÉM TRÊN, CHẶT DƯỚI

 

Do đặc điểm lịch sử, ĐBSCL không có nhiều lễ hội như ở miền Bắc. Vùng đất này hiện chỉ có khu du lịch núi Sam (An Giang) và khu du lịch Quán Âm Phật Đài (Bạc Liêu) là thu hút đông du khách nhất. Trước đây, phải đợi đến khi lễ hội khai mạc, khách thập phương mới đông đúc, còn hiện nay, cứ vào ngày nghỉ là lại có khách viếng. Chính vì vậy, tình hình ở các khu du lịch này ngày càng bát nháo, mất dần tính linh thiêng vốn có.

  • Chặt chém, lừa gạt

Năm nào cũng vậy, sau dịp Tết Nguyên đán, khu du lịch núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang lại nhộn nhịp khách hành hương về cúng viếng và dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Dù đến 24-2, lễ hội mới chính thức khai mạc nhưng hiện mỗi ngày, khu du lịch núi Sam đã đón hàng chục ngàn lượt khách. Do lượng khách hành hương quá đông nên rất nhiều hoạt động ăn theo lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phát sinh, trong đó có nhiều hoạt động lừa đảo, mê tín, gây mất an ninh trật tự…

Bà Hạnh, một khách hành hương ở Cần Thơ, kể: “Vừa cúng xong bước ra cổng chùa Bà, một người ôm lồng chim tiến lại và mời tôi mua chim phóng sinh. Lúc mua tôi hỏi nhiêu tiền 1 chục, người bán bảo 5.000 đồng. Sau đó tôi mua 1 chục, người bán bỏ vào cái bọc để tôi thả nhưng trong lúc tôi còn nhắm mắt cầu nguyện, mở mắt ra chim đã bay sạch. Rồi người bán đòi 500.000 đồng. Tôi hỏi lại thì họ nói tỉnh bơ: 50.000 một cặp, nãy giờ thả 2 chục thì phải trả 500.000 đồng. Tôi không chịu trả tiền họ liền kêu 4 - 5 người đến đe nạt. Để khỏi phiền hà, tôi đành trả 500.000 đồng oan ức”.

Theo nhiều người dân địa phương, ngày nào, chuyện cự cãi giữa khách hành hương và dân buôn bán dạo cũng đều xảy ra và phần thiệt thường thuộc về khách hành hương. Không ít trường hợp khách ấm ức nhất quyết không chịu trả tiền đã bị các đối tượng bán chim phóng sinh hành hung và dọa xử đẹp hết đường về nhà...

THƯƠNG MẠI HÓA LỄ HÔI: TẬN THU VÀ BÁT NHÁO - 2

 Cảnh bát nháo ở khu vực Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Lừa gạt trắng trợn không kém hoạt động bán chim phóng sinh là bán gạo, muối, bán lộc. Theo chị Thảo, ngụ tại thị xã Châu Đốc, khi khách vừa bước đến cổng sẽ được các đối tượng này đeo bám mời mọc. Ai ghé mua liền được hướng dẫn: 1 năm có 12 tháng phải mua 12kg gạo, muối với giá khoảng 180.000 - 240.000 đồng. Sau đó họ sẽ kêu khách đưa tiền gói lộc, trong lúc khách móc tiền, họ để ý và biết được khách thuộc hạng nào để khi khách cúng xong, họ sẽ hét giá gạo muối 480.000 - 1.000.000 đồng. Ngay cả lễ vật để cúng như heo quay cũng bị các đối tượng lừa đảo phù phép gạt khách.

Theo người dân ở khu vực Miếu Bà, khi mua heo quay, tốt nhất khách nên đến trực tiếp các điểm nhận quay đặt hàng với giá 150.000 - 180.000 đồng/kg. Không ít trường hợp khách hành hương hám rẻ, nên đã mua phải heo chết ướp đá cả tháng của các đối tượng cò mồi. Cũng trong những ngày này, giá cả các dịch vụ ăn, nghỉ ở thị xã Châu Đốc tăng vọt. Giá một nhà nghỉ xập xệ khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/đêm.

Hiện các hoạt động bói toán, xin xăm, giải hạn cũng nở rộ ở các miếu, chùa, lăng ở khu vực núi Sam. Tại khu vực miếu Bà Chúa Xứ, không khó để gặp những đối tượng coi bói dạo. Họ thường tìm cách tiếp cận những khách đang ngồi nghỉ ngơi, ăn uống rồi thao thao phán về tài lộc, sức khỏe… Lần nào xem bói, các “thầy” cũng chỉ có 1 bài: “Năm nay là năm thí chủ làm ăn phát tài, tiền vào bể tay. Có quý nhân phù trợ nên mọi hoạn nạn đều qua khỏi…”.

  • Đổ, hứng, uống!

So với những địa phương khác của khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều lễ hội, nhất là vào tháng giêng. Đặc biệt là khu du lịch Quán Âm Phật Đài hay còn gọi là khu du lịch Phật Bà Nam Hải, tọa lạc tại biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Nơi này mỗi ngày đón hàng chục ngàn du khách đến dâng hương, chiêm bái. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, nạn giật dọc, móc túi, rạch giỏ xách, chen lấn, kẹt xe, tranh giành khách để bán nhang, hoa quả và xả rác tứ tung... khiến nhiều du khách ngao ngán.

 

Bên trong khu tượng Phật Bà Nam Hải, nhang đèn, hoa quả và đủ loại chất thải nằm ngổn ngang. Những ngày đông người, do không thể chen lấn vào khu vực tượng Phật Bà để cúng viếng nên nhiều người đã bày mâm bàn, trái cây, hoa... ở các khu đất gần đó rồi đốt nhang cắm khắp nơi.

Việc đi chùa dâng hương, xin phúc, xin lộc và cầu cho một năm mới tốt lành đã trở thành nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, việc đi lễ chùa hiện nay, bên cạnh những phong tục tốt đẹp như cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an hay được thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy ghe theo tín ngưỡng dân gian của người dân xứ biển vẫn còn tồn tại nhiều vấn nạn mê tín. Đó là tình trạng lấy nước uống đóng chai đổ lên chân tượng Phật Bà Nam Hải rồi hứng uống, vuốt đầu, rửa mặt tạo nên cảnh nhếch nhác.

Nhiều người cứ chen nhau lên chân tượng thờ để được “đổ, hứng, uống” cầu cho hết bệnh, sức khỏe, phát lộc… Cộng thêm sình bùn từ giày dép và “nước phép” vung vãi ra khiến chốn trang nghiêm không còn vệ sinh.

Ngoài hình ảnh khó coi trên, nhiều hàng quán tại khu du lịch này còn thay nhau chặt chém khách hàng. Như giá gửi xe máy từ 2.000 đồng/phương tiện nâng lên 5.000 đồng/phương tiện; còn cơm, hủ tiếu cũng tăng bình quân hơn 10.000 đồng/tô, dĩa so với mức bình thường.

Ông Đồng Thanh Út, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra thường xuyên nhưng trong dịp tết, Chi cục Quản lý thị trường vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về giá”.

Một số chủ sơ sở kinh doanh chấp nhận chịu phạt thay vì chấp hành theo luật. Đây được coi là tình trạng khá phổ biến ở khu du lịch Phật Bà Nam Hải, khi mức phạt chưa đủ răn đe. Cùng với khu du lịch này, nhiều điểm du lịch và di tích khác như: Chùa Quan Đế Cổ Miếu, Chùa Bà Địa Mẫu, Chúa Xứ Cổ Miếu phường 2, TP Bạc Liêu vẫn còn nhan nhản hình ảnh chèo kéo khách từ những hàng quán, dịch vụ gửi xe, đội quân bán vé số dạo cứ thay nhau án ngữ trước cổng các chùa tạo điều kiện cho bọn móc túi hành nghề. 

ĐÌNH TUYỂN - SONG HỶ

 

(Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 6.2.2012)

 

 

 

 

ĐỪNG LÀM “HƯ” LỄ HỘI

Năm nào cũng vậy, khi những ngày tết chưa kịp qua hết là khắp nơi từ trong Nam ngoài Bắc bắt đầu vào mùa lễ hội. Có những lễ hội cổ truyền, nhưng cũng không ít các lễ hội mới. Nét sinh hoạt cộng đồng này lẽ ra sẽ mang giá trị văn hóa tinh thần trọn vẹn tạo đà cho một năm mới, nhưng có một điều gì đó không ổn khiến cho lễ hội ngày càng mất đi giá trị văn hóa và nét đẹp vốn có của nó. Vì vậy, nhân mùa lễ hội nói chuyện mặt trái là điều không mới, nhưng lại luôn thời sự.

Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước có trên dưới 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Tính về số lượng thì có thể nước ta thuộc… quán quân về lễ hội. Những lễ hội này, thật ra, phần lớn đều có nguồn gốc từ hội làng dân gian.

Theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, hội là một không gian và thời gian chứa đựng đậm đặc năng lượng thiêng của cả vũ trụ và thời gian. Cho nên, mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn đến với hội để được đắm mình trong không gian và thời gian thiêng đó. Thế nhưng, khi mà hội làng dân gian ngày xưa vốn được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử đã dần được gọi bằng cái tên lễ hội ngày nay, cùng với việc những người tổ chức và tham gia càng hiểu ít đi bản chất và ý nghĩa của nó thì những điều không đáng có lại xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhếch nhác, xô bồ, thực dụng, thiếu an toàn… là những điều dễ thấy nhất ở không ít lễ hội hiện nay. Người ta đã phải dùng đến từ “dung tục hóa” để nói về điều này. Có đi mới thấy thực trạng trên khó mà dùng từ ngữ nào khác hơn.

Đường lên chùa Hương thì dày đặc hàng quán, thịt rừng; hội Lim thì biến thành nơi bán hàng, quan họ được hát qua loa phóng thanh… Đó là những lễ hội chính, nhiều người biết, còn ở những lễ hội nhỏ hơn thì mức độ dung tục hóa ra sao có lẽ khó mà xem xét hết. Cũng đáng suy nghĩ khi một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng tất cả những điều trên không hẳn là mặt trái của lễ hội, mà đó là những yếu tố sinh ra từ tính vụ lợi vật chất chứ không phải từ yếu tố tâm linh. Điều này cho thấy hội làng ngày xưa hay lễ hội ngày nay đều mang giá trị văn hóa, nhưng chính các nhà tổ chức, quản lý đã vô tình hay cố ý đưa hoặc để cho yếu tố vụ lợi vật chất vào lễ hội, gây ra những hiện tượng được khái quát bằng cụm từ cũng khá thị trường, là thương mại hóa lễ hội.

Giao lưu văn hóa vùng miền là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động văn hóa. Ngày nay, lễ hội của một địa phương cũng có thể được nhiều người từ khắp nơi về dự, trong đó không thể không nhắc đến du khách trong và ngoài nước. Lẽ ra, người ta phải tổ chức lễ hội sao cho thực chất để có được cái không gian và thời gian thiêng. Tiếc là, nhiều nơi đã làm chệch đi, thậm chí để thu hút du khách, người ta không ngại nâng quy mô lễ hội bằng cách kéo dài thời gian, mở rộng không gian, thêm thắt vài yếu tố hiện đại vào lễ hội… khiến cho lễ hội nào cũng có nhiều yếu tố na ná nhau. Người dự lễ hội thì không hiểu rõ hội này là gì, hội kia thờ ai, có ý nghĩa gì, nên mê tín đã gần như là yếu tố duy nhất khiến người ta chen lấn, bỏ tiền triệu tiền tỷ ra cúng bái…

Đừng làm “hư” lễ hội. Rất nhiều ý kiến, công trình nghiên cứu, hội thảo phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp để chấn chỉnh, hạn chế mặt trái phát sinh, bảo tồn bản chất, ý nghĩa của lễ hội truyền thống, nhưng dường như hiệu quả mang lại chưa được nhiều. Xét trên khía cạnh thị trường, muốn duy trì, tổ chức lễ hội thì phải có kinh phí, nên không tránh khỏi tình trạng nhiều nơi chấp nhận “phá rào” để có nguồn thu. Và khi mà lễ hội dần trở thành nơi thu hút khách, gia tăng quyền lợi vật chất thì khó mà ngăn được sự phát triển, chỉ có điều, giá trị văn hóa tinh thần sẽ ngày càng bị lấn át. Có lẽ, để bảo vệ được những giá trị văn hóa, hãy trả lễ hội về với không gian hội làng, đồng thời với việc mở rộng giáo dục văn hóa truyền thống để người dân hiểu kỹ hơn ý nghĩa của lễ hội mà không sa đà vào hoạt động mang tính mê tín. Mong sao, đừng để đến lúc nào đó người ta phải dùng cụm từ biến tướng để nói về lễ hội.

Hoàng Mai

(Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 5.2.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT