“THEO DÒNG THỜI GIAN” CỦA MỘT VIỆT KIỀU MỸ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“THEO DÒNG THỜI GIAN” CỦA MỘT VIỆT KIỀU MỸ - 1     
 Tác giả Bùi Quang Đạt

Có lẽ ông không nhớ mình đã có bao nhiêu lần về quê hương. Nhưng ngày đầu tiên đứng dưới vòm trời nơi chôn rau cắt rốn là những câu chuyện, những hình ảnh khắc sâu nhất trong cuộc đời, dù là ngày đầu ấy chỉ là bước chân của một lữ khách hoài hương với mái tóc đã ngả màu. Lữ khách ấy là ông Bùi Quang Đạt. Những chuyến trở lại Việt Nam sau này ông về cùng vợ. Vợ ông là một thành viên trong Đoàn Thiện nguyện của Mỹ, trong đó có các Bác sĩ là Việt kiều và cả người Mỹ khám chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa miền Tây Nam bộ

Là người Việt xa xứ, ai mà chẳng có những lúc lặng lẽ với “Đêm đông”, ai mà chẳng có lúc vang lên trong lòng với “Trở về Surriento”như hình thức vọng tưởng “Hình bóng quê nhà”.

Là người sinh ra trên đất kinh kỳ thì dẫu lê bước tha hương tới Sài Gòn, hay thành đạt ở Mỹ quốc thì Bùi Quang Đạt vẫn không làm mất đi cái nhân văn của người tri thức.

Trở thành Chuyên gia Kinh tế Quốc tế, trải dài bước lữ hành thời trai trên khắp các lãnh thổ của Châu Phi, Châu Mỹ… thấm đẫm trong trí não của ông về cảnh, người và vật mà ông tiếp xúc ở những miền đất khi còn trong giai đoạn yếu kém về văn hoá và kinh tế ông đã sống chung. Những mảnh ghép cuộc sống ấy được ông viết thành cuốn sách “Con đường cái quan” (do Nhà sách Phương Nam xuất bản năm 2010).

Thuận thành với gia giáo thánh hiền của người cha dạy dỗ, nên ông có sẵn bản thiện như lòng từ của Phật, nhưng ông không bao giờ là một gã khờ mà luôn sáng suốt, sâu sắc của một lãng tử có cái đầu trí tuệ. Tuy không phải là Phật tử, nhưng Bùi Quang Đạt đọc nhiều kinh điển giáo lý Phật giáo, hiện ông đang sở hữu một kịch bản phim truyện về Phật giáo.

“THEO DÒNG THỜI GIAN” CỦA MỘT VIỆT KIỀU MỸ - 2

Sau mỗi chuyến trở về, ông dành mối quan tâm hơn với kinh tế Việt Nam. Ông có sự đánh giá sắc bén về các hoạt động kinh tế ở nước nhà và có cái nhìn tinh tế về tư duy và hành động của người đương thời, ông không ghi chép gì nhưng bộ nhớ trong ông đã thâu nhận tất cả, để lần lượt lên trang trong tập bút ký “Theo dòng thời gian” vừa được Nhà sách Phương Nam tiếp tục nhận ấn hành trong tháng 4/2011.

Cuộc sống sôi động của thời bùng nổ dân số, bùng nổ thông tin thời kỹ thuật số, biết bao nghiệp thế nhân, chướng duyên, thiện nghiệp, tác giả đã khôn khéo lựa chọn cách viết giản dị mô tả cuộc sống thực tế nhất khiến người đọc dễ cảm nhận tính nhân văn của tác giả cũng như của nhân vật. Ông không phê phán một cử chỉ nào, chỉ kể, chỉ nhắc lại những cuộc gặp, những đối thoại hồn nhiên, “tưng tửng” như người Nam bộ. Đọc qua, ngẫm lại mà không khỏi cười thầm. Như chuyện của ông khách bị hỏng phần mềm vi tính đối thoại với cô nhân viên bán hàng: “Cô à, tôi mua phần mềm của cô hôm qua, khi cài đặt vào phần cứng của tôi ở nhà, thì có sự cố. Bộ xử lý trung ương của tôi đột nhiên yếu hẳn rồi lịm luôn. Tôi nghĩ phần mềm của cô có vi rút. Cô bán hàng dịu dàng đáp : Ấy chết, bác đừng nói thế. Phần mềm của em chất lượng cực kỳ đấy! Có thể phần cứng của bác thuộc thế hệ cũ nên yếu rồi. Phần cứng của bác như thế thì làm sao xử lý phần mềm mới của em được? Phải nâng cấp thôi bác ạ. Phải tăng kích thước bộ mạch chính và tăng tốc độ xung nhịp cho phần cứng của bác”

Hoặc anh bạn cũ tên John, cả hai vốn quen nhau trong chuyến từ thiện năm trước ở An Giang, họ cùng là “môn đồ của phở” nên rất rành về phở Bắc, phở Nam, phở bên Mỹ khác nhau thế nào. John có mẹ trong Ngành Y, mẹ anh thường kể với mọi người: “Chồng tôi là một Nha sĩ giỏi, trước khi làm gì cũng phải đeo bao tay, khi làm thì rất nhẹ nhàng, êm dịu khiến tôi chẳng có cảm giác gì cả”. Anh bạn người Mỹ này yêu thiếu nữ Hà Đan nguyên là học trò của tác giả. Qua những trang viết, người đọc được biết không chỉ có John mê Hà Đan mà còn có anh bạn Trung thương gia người Hoa và Nhà báo Nam. Hà Đan đôi lúc ưu tư không biết chọn John hay Trung, vì cả hai đều có tình có nghĩa với mình.

Các nhân vật được ông khắc hoạ trong tác phẩm không uỷ mị hoặc không gân cốt như tiểu thuyết, rất thực tế nhưng không phàm tục, xô bồ mà rất chân thực. Phần bố cục cũng không theo thông thường có kẻ này thành công, hoặc kẻ kia bị quả báo. Như thiếu nữ Hà Đan, chàng trai John là luật sư người Mỹ, anh chàng Nam nhà báo, một thương gia người Hoa vẫn được buông lửng trên dòng thời gian. Mỗi người đều tư duy, kiến thức, họ sẽ tự lựa chọn cách sống và quyết định lấy số phận của mình. Cho dù là người nông dân mộc mạc chân quê sống bằng nghề lao động tự do trở xe ôm ở vùng sông nước miền tây.

Dù kể lể gì thì ông cũng xoay về chuyện kinh tế và phát triển ở Việt Nam: “Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 19 quận, trên diện tích 2 ngàn cây số vuông, với dân số gần 10 triệu người. Thành phố phát triển quá nhanh, nên môi trường đã bị ô nhiễm bởi phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và công nghiệp sản xuất. Mỗi năm, thành phố đón khoảng 3, 4 triệu khách du lịch quốc tế, nên các khách sạn, từ 1 sao tới 5 sao mọc như… sao trên trời. Thành phố cũng không thiếu những thương xá lộng lẫy bày hàng sang trọng Louis Vuitton, Gucci, Cartier, vv... các khu chung cư, từ bình dân cho tới cao cấp, cũng đã được xây cất khắp nơi. Hoặc nhắc lại sự khẳng định của ông Jim Adams, một viên chức cao cấp của Ngân Hàng Thế Giới rằng: “Công cuộc giảm nghèo và thành quả kinh tế của Việt Nam trong 15 năm qua, có thể coi như một trong những thành công rất ngoạn mục trong lĩnh vực phát triển kinh tế”.

Cuốn “Theo dòng thời gian” của tác giả Bùi Quang Đạt có giá trị về tư duy của một tri thức kinh tế, giúp cho bạn đọc ở Hải ngoại hiểu thêm phần nào sự tăng trưởng về văn hoá, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Quê hương đang cần sự chung tay của cộng đồng người Việt Hải ngoại và của bạn bè quốc tế, theo dòng thời gian Việt nam sẽ trở thành con rồng của Châu Á trong tương lai.

 

N.T.N.T

 


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT