Võ sỹ chuyển giới đấm đối thủ gãy mũi: Đề xuất cách chơi công bằng ở Olympic
(Tin thể thao, tin Olympic) Sau vụ đấm gãy mũi gây chấn động võ đài tại Thế vận hội Paris 2024, nhiều ý kiến đề xuất cho VĐV chuyển giới đấu với nhau.
Tại Thế vận hội Paris 2024, nội dung Boxing nữ đang gây xôn xao khi võ sỹ Imane Khelif, người từng bị loại khỏi giải vô địch thế giới vì không đạt tiêu chuẩn giới tính, đấm đối thủ người Ý Angela Carini đến gãy mũi. Vụ việc này đã dấy lên nhiều tranh cãi và đề xuất mới về việc cho các võ sỹ chuyển giới thi đấu với nhau để đảm bảo công bằng.
Khelif (đỏ) quá vượt trội so với Carini (xanh)
Carini phải bỏ cuộc trong nước mắt chỉ sau 46 giây thi đấu với Khelif, võ sỹ 25 tuổi người Algeria. Khelif được phép thi đấu tại Thế vận hội Paris 2024 sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) xác nhận rằng cô đáp ứng các tiêu chí về giới tính của họ.
Khi trả lời truyền thông Ý sau trận đấu, Carini nói rằng cô chưa từng nhận cú đấm nào mạnh như vậy và quyết định bỏ cuộc vì lo sợ cho tính mạng của mình. Cô chia sẻ: "Tôi đến đây để vinh danh cha mình và đại diện cho đất nước. Tôi đã nhiều lần được khen là một chiến binh, nhưng lần này tôi phải ngừng lại vì sức khỏe".
Việc Khelif được phép thi đấu gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là sau khi cô bị loại khỏi giải vô địch Boxing nữ thế giới vì kết quả xét nghiệm DNA cho thấy có nhiễm sắc thể XY và mức testosterone cao. Khelif khẳng định rằng việc loại cô là một âm mưu để ngăn cản một võ sỹ Algeria giành chiến thắng.
Reem Alsalem, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đã chỉ trích IOC trên mạng xã hội: "Carini đã đúng khi lắng nghe bản năng và đặt an toàn cá nhân lên hàng đầu, cô ấy và các VĐV nữ khác không nên bị đặt vào tình huống bị bạo lực về thể chất và tâm lý như vậy".
Claressa Shields, ngôi sao tên tuổi của Boxing nữ thế giới, cũng lên tiếng phản đối việc cho phép võ sỹ chuyển giới thi đấu với các võ sỹ nữ. Cô cho rằng quyết định này không nên xảy ra và việc cho phép như vậy là không công bằng với các võ sỹ nữ.
Shields, võ sỹ nắm giữ 2 HCV Olympic, 2 lần vô địch thế giới, tuyên bố: "Thể thao cần có sự công bằng giữa các giới với nhau. Nam đấu với nam, nữ đấu nữ. Người chuyển giới cũng vậy, nên để họ tự đấu với nhau. Đừng để VĐV chuyển giới đấu với VĐV nữ".
Carini (xanh) sợ hãi trước những cú đấm của đối thủ
Dù gặp phải nhiều phản đối, IOC vẫn khẳng định rằng Khelif đáp ứng các quy định về giới tính của họ. Trong một tuyên bố, IOC nói: "Tất cả các VĐV tham gia giải đấu quyền Anh tại Thế vận hội Paris 2024 đều tuân thủ các quy định về đủ điều kiện và nhập cuộc, cũng như tất cả các quy định y tế áp dụng".
Tuy nhiên, vụ việc này đã đặt ra câu hỏi về tính công bằng trong thể thao khi liên quan đến các VĐV chuyển giới. Nhiều khán giả và các chuyên gia cũng đồng quan điểm với Shields, muốn các sự kiện thể thao có nội dung riêng cho người chuyển giới.