Siêu giải đấu European Super League và 3 ngày điên rồ khiến châu Âu chao đảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một trong những sự kiện hot nhất trong năm 2021 là sự ra đời của European Super League nhưng dự án chỉ kéo dài được vỏn vẹn 3 ngày.

Bóng đá thế giới năm 2021 chứng kiến nhiều biến động với những sự kiện gây sửng sốt giới mộ điệu. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện sốc nhất năm 2021 qua loạt bài của chúng tôi bắt đầu từ ngày 31/12!

Bóng đá thế giới đã trải qua năm 2021 đầy biến động với những sự kiện rất đáng chú ý. Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất là “giấc mơ ba ngày” mang tên European Super League. Đây là sự kiện tạo nên làn sóng phẫn nộ chưa từng có khi 12 đội bóng hàng đầu châu Âu định lập ra một giải đấu riêng tách biệt khỏi liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).

European Super League bất ngờ ra đời

Ngày 18/4/2021 đi vào lịch sử bóng đá thế giới khi dự án European Super League chính thức được công bố với sự tham dự của 12 đội bóng hàng đầu châu Âu là Real Madrid, Barcelona, Juventus, MU, Man City, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Chelsea, AC Milan, Inter Milan, Atletico Madrid. Dự án này còn mời thêm một số đội bóng như Bayern Munich, Borussia Dortmund, Porto... để tạo thành giải đấu có 20 đội.

Siêu giải đấu European Super League và 3 ngày điên rồ khiến châu Âu chao đảo - 1

European Super League được công bố với 12 CLB "sáng lập"

Trang web của Super League viết: "Super League là một giải đấu mới ở châu Âu giữa 20 câu lạc bộ hàng đầu bao gồm 15 đội sáng lập và 5 đội được bổ sung hàng năm. Sẽ có hai nhóm gồm 10 câu lạc bộ, thi đấu sân nhà và sân khách vòng tròn mỗi năm.

Sau vòng bảng, 8 câu lạc bộ sẽ đủ điều kiện tham dự vòng loại trực tiếp, thi đấu 2 lượt trên sân nhà và sân khách để tìm ra nhà vô địch trong 4 tuần. Các trận đấu diễn ra vào giữa tuần và các đội vẫn vẫn chơi ở các giải quốc nội". Tập đoàn tài chính JP Morgan dự định đầu tư 5 tỷ USD cho giải đấu và mỗi đội tham dự sẽ nhận được ngay 300 triệu USD tài trợ nhưng các CLB sáng lập phải ký hợp đồng dài 23 năm.

Tổng quan, đây sẽ là dự án có lợi cho người xem khi họ thường xuyên được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và kịch tính của các đội bóng mạnh nhất thế giới hàng tuần. Tuy nhiên, European Super League tan vỡ chỉ sau... 3 ngày vì điểm mấu chốt mang tên UEFA.

UEFA phản ứng cực nhanh

Các đội tham dự và địa điểm thi đấu dự kiến đều ở châu Âu nhưng lại không thông qua cơ quan bóng đá quyền lực nhất của châu lục, European Super League chẳng khác nào một “cái tát” vào mặt UEFA. Tất nhiên, chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin cùng các đồng sự không thể ngồi yên với sự kiện này.

Siêu giải đấu European Super League và 3 ngày điên rồ khiến châu Âu chao đảo - 2

Chủ tịch UEFA, Ceferin nhanh chóng đưa ra hành động đanh thép cho sự kiện này

Những hành động mang tính đe dọa “phong sát” ngay lập tức được tạo ra. Những đội bóng có ý định tham dự European Super League (ESL) đứng trước lựa chọn chơi tại ESL và các giải đấu của UEFA như Champions League, Europa League.

Sau đó, các liên đoàn bóng đá như Anh, Italia cũng đưa ra cảnh báo tương tự, chơi ở European Super League hoặc Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A... UEFA còn nhận được sự hẫu thuận của FIFA khi liên đoàn bóng đá thế giới tuyên bố sẵn sàng cấm tất cả những cầu thủ tham dự European Super League tham dự World Cup.

Thêm vào đó, áp lực từ dư luận đặc biệt là tại Anh đẩy lên cực kỳ cao. Bởi vậy, chỉ 3 ngày sau công bố, MU rồi Arsenal, Liverpool, Chelsea, Tottenham, Man City đồng loạt rút dự án European Super League. Nối theo đó, 3 CLB khác là AC Milan, Inter Milan và Atletico Madrid cũng làm điều tương tự.

Cái kết chóng vánh cho "giấc mơ 3 ngày"

Rất chóng vánh, giải đấu chỉ còn lại 3 “trùm sò” là Real Madrid, Barcelona và Juventus. Mặc dù cố gắng giải thích rằng giải đấu “không gây tác động nào tới các giải VĐQG và cúp châu Âu” nhưng rõ ràng European Super League sẽ tạo ra biến động không hề nhỏ từ lịch thi đấu đến tham vọng của các đội bóng.

UEFA cũng có bước đi đúng đắn khi "giang rộng vòng tay" với 9 đội bóng rời khỏi European Super League. Các đội bóng này chỉ phải chịu hình phạt nhẹ nhàng là 5 triệu euro góp vào quỹ phát triển bóng đá cộng đồng của châu Âu. Trong khi đó, ba kẻ cứng đầu còn lại vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý với liên đoàn bóng đá châu Âu.

Những án phạt chính thức của UEFA vẫn chưa thể được áp dụng khi cả Real Madrid, Barcelona và Juventus đều đang kháng cự mạnh mẽ. Cuộc chiến này có lẽ còn dài nhưng UEFA vốn đã giành chiến thắng khi biến European Super League thành "giấc mộng 3 ngày".

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào sáng 6/1, nói về kỳ tích giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022, điểm sáng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2021!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Lâm

CLIP HOT