"Ông trùm" Ratcliffe thay đổi văn hóa MU và cái “nghiệp” của Sir Alex Ferguson

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việc chấm dứt hợp đồng Đại sứ thương hiệu toàn cầu với Sir Alex Ferguson là sự cố mới nhất ở hậu trường MU. Nhìn tổng thể, đang có một "cuộc chiến tranh văn hóa” trong nội bộ MU, mà người kích hoạt chính là Sir Jim Ratcliffe, chủ sở hữu của 27% cổ phần CLB.

Sir Alex Ferguson và "văn hóa" ở MU

Trước mắt, giới hâm mộ MU đã “chia phe” tương đối rõ ràng. Những ai ủng hộ Ferguson đều nhấn mạnh: Sir Alex không đơn thuần là một cựu HLV thành công. Ông là một biểu tượng, là một nét văn hóa của MU.

Ngược lại, cũng đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng Ferguson đã già nua, cũ kỹ. Ông đã dừng lại, trong khi MU cứ phải tiến lên phía trước, chứ đâu thể phụ thuộc mãi vào Sir Alex. Cũng có thể hình dung, đây là một cuộc đối đầu giữa huyền thoại ngày xưa và hiện thực lúc này, giữa chất thơ và thực tế cuộc sống.

"Ông trùm" Ratcliffe thay đổi văn hóa MU và cái “nghiệp” của Sir Alex Ferguson - 1

Sir Jim Ratcliffe đang muốn giảm tầm ảnh hưởng của Sir Alex trong phòng thay đồ MU?

So sánh “lương đại sứ” hơn 2 triệu bảng/năm của Ferguson với hàng chục triệu bảng hoang phí từ mỗi vụ chuyển nhượng thất bại của MU là điều vô nghĩa. Một mặt, đấy là những việc hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, như Ratcliffe đã nói, công việc của Ferguson chỉ là chi tiết cụ thể trong cả một chuỗi đổi mới, mang tính vĩ mô.

Đại khái, nếu cảm thấy đang chi tiêu một đồng không hiệu quả, hoặc không cần thiết thì MU sẽ cắt ngay khoản chi ấy. Mỗi việc từ nhỏ tới lớn ở MU đều phải được thực hiện bởi những con người chuyên nghiệp và tài giỏi. Sẽ không có công việc thừa thãi. Khi hệ thống vận hành nhuần nhuyễn thì thành công sẽ tự tìm đến MU.

Theo Ratcliffe, văn hóa MU lâu nay là thứ văn hóa không đem lại thành công. Vậy, “văn hóa MU” là như thế nào?

Đối với Sir Alex Ferguson "độc đoán", sự nỗ lực đến cùng là quan trọng nhất

Hãy bắt đầu từ một sự kết thúc. Một trong những thông điệp quan trọng nhất mà Alex Ferguson để lại cho giới hâm mộ Old Trafford là yêu cầu họ ủng hộ HLV mới. Ông nói: “Việc của các bạn từ nay là ủng hộ HLV của đội bóng (bất cứ HLV nào)”.

Đấy là lý do vì sao MU dù luôn thất bại sau thời Alex Ferguson, nhưng chưa có HLV nào thật sự bị giới hâm mộ “vùi dập”. Cũng có những tràng la ó, chỉ trích, nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều so với những trường hợp thất bại ở các CLB khác. Ferguson nói gì người ta cũng nghe. Chẳng lẽ Ferguson không bao giờ sai?

Hồi còn ngự trị ở đỉnh vinh quang, Ferguson được gọi là “máy sấy tóc”. Ông thường mắng như xối xả và việc của các ngôi sao trong phòng thay đồ chỉ là gục mặt lắng nghe – hoặc tỏ ra như thế, mỗi khi MU kết thúc hiệp 1 với tỷ số không như mong muốn. Ngay cả David Beckham cũng phải lãnh “chiếc giày bay” một cách oan uổng. Khó có HLV nào độc đoán, thậm chí hung dữ hơn Ferguson.

Nhân viên dọn phòng cầu thủ thường xuyên ám ảnh khi phải dọn mớ tách trà vỡ vụn sau những buổi giáo huấn của Ferguson. Một ngôi sao MU từng kể trong tự truyện: Ferguson từng thẳng tay đấm mạnh vào một bình nước lớn bằng kim loại để trên bàn, khi ông nóng giận. Chẳng ngờ đấy là cái bình đầy nước, nghĩa là Ferguson tự làm khổ mình, như đấm vào núi đá. Lúc ấy, hẳn ông đau lắm. Và các cầu thủ đều tự cho là họ đã thành công mỹ mãn trong việc… cố nín cười.

Ferguson nói gì thì ai liên quan đến MU cũng phải nghe, đấy là nét văn hóa mà phe “cách tân” ở MU đang muốn rũ bỏ.

Về mặt bóng đá thuần túy, một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của MU thời Ferguson là nỗ lực đến tận phút chót. Từng có 2 bàn lật ngược tình thế trong những phút bù giờ, giúp MU thắng Bayern Munich trong trận chung kết Champions League 1999. MU thời Ferguson là đội ghi bàn trong thời gian đá bù nhiều nhất ở Premier League.

Ole Gunnar Solskjaer từng vào sân từ ghế dự bị và ghi 4 bàn… Nhưng trên hết, giới hâm mộ MU đánh giá cao thái độ của các cầu thủ. Họ luôn tán thưởng sự cố gắng hết sức của cầu thủ, có khi chỉ là một cú rướn mình, chứ không nhất thiết yêu cầu phải có bàn thắng quan trọng ở phút 90.

Với MU, nỗ lực có khi còn quan trọng hơn tài năng tuyệt luân, hoặc chiến thuật hợp lý. Ferguson chính là “tác giả bản quyền” của đặc điểm này.

Khi ông bắt đầu huấn luyện, tài năng thuần túy tồn tại nhan nhản trong hàng ngũ M.U. Nhưng đấy là một đội bóng, mà theo Ferguson từng nói, là nhếch nhác về kỷ luật và phóng túng trong sinh hoạt.

Bryan Robson, hoặc Norman Whiteside uống như hũ chìm. Paul Ince luôn ngạo mạn, ra dáng thủ lĩnh, nhưng là bên ngoài sân cỏ. Biển số xe của Ince bắt đầu bằng chữ GUV (guv là cách xưng hô khi nói với một người có quyền thế). Ferguson thẳng tay trừng trị, nhẹ thì ông chấn chỉnh kỷ luật, nặng thì loại khỏi hàng ngũ những “cây đa cây đề” vô kỷ luật.

Vì sao Sir Ratcliffe sa thải Sir Alex Ferguson?

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giúp Ferguson thành công ở MU là ông đã thay đổi cả văn hóa MU trong những năm đầu cầm quân. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực hết sức, từ sân tập đến trận đấu.

Ông “cai quản” cả nếp sống của cầu thủ, chứ không chỉ giám sát các vấn đề chuyên môn. Ông từng quy định Wayne Rooney phải ăn gì trong đợt nghỉ hè, giảm bao nhiêu cân trước mùa bóng mới, thậm chí mua nhà trong vòng bán kính tối đa bao nhiêu so với chỗ ở của ông.

"Ông trùm" Ratcliffe thay đổi văn hóa MU và cái “nghiệp” của Sir Alex Ferguson - 2

Văn hóa ở MU gắn liền với tên tuổi Sir Alex, và Sir Jim đang muốn xóa bỏ điều đó?

Ferguson làm thay đổi văn hóa MU, để rồi thành công rực rỡ. Vậy bây giờ, cũng đâu có gì là vô lý nếu Sir Jim Ratcliffe chủ trương thay đổi văn hóa MU để hướng tới thành công trong tương lai. Và thứ văn hóa mà Ratcliffe muốn thay đổi chính là văn hóa do Ferguson tạo nên và để lại, sau khi chính Ferguson đã biến đổi diện mạo MU trong những năm đầu. Phải chăng đây là nghiệp mà Alex Ferguson phải nhận?!

Không ai dám chắc dự án của Ratcliffe sẽ đem lại thành công. Nhưng ít ra, đấy là một cách. MU như trong tình trạng bết bát hiện nay, đúng là phải thay đổi gấp.

Vì sao MU bỗng sa thải một ông già như Ferguson, trong khi người cần sa thải lại là HLV Erik Ten Hag? Có thể suy luận giới chóp bu tiếp tục nương tay cho Ten Hag sau 7 tiếng họp hành vì họ thấy rằng đây là “lỗi hệ thống”. Phải chứng kiến cơ man sự trì trệ, hoặc xuống cấp về chuyên môn trong suốt 10 năm, bản thân Ferguson có áy náy khi chính ông bảo người hâm mộ rằng việc của họ là phải ủng hộ HLV? Ủng hộ một cách “bất chấp”? Chắc rằng không.

Tin hay không tùy bạn, nhưng không ít cựu cầu thủ MU đã xác nhận trong một cuốn tự truyện: Ferguson thậm chí không biết cách tổ chức một buổi tập. Có lần trợ lý xin nghỉ vì ốm. Và toàn đội được nghỉ tập hôm ấy.

Nói vậy không phải là để chê bai Ferguson. Ngược lại là đằng khác, ông thành công đến nỗi trở thành một biểu tượng văn hóa bóng đá. Ông là “manager” chứ không phải “coach”. Trợ lý của ông gồm toàn các HLV xuất sắc, như Carlos Queiroz, Steve McClaren, Brian Kidd…

Vấn đề ở đây, bóng đá mỗi thời mỗi khác. Thời của Ferguson làm gì đã có pressing tầm cao, như thứ bóng đá “heavy metal” của Juergen Klopp. Ống kính truyền hình ghi rõ hình ảnh Ferguson run tay bần bật khi MU choáng ngợp trước lối chơi tiki-taka của Barcelona trong trận chung kết Champions League.

Đặt Ferguson vào thời buổi này, chưa chắc ông đã khởi nghiệp thành công, chứ khoan nói chuyện làm nên hẳn một đế chế. Cái hay của Jim Ratcliffe, dù chưa dễ nói sẽ thành công hay thất bại, nhưng ông dám làm một việc mà đối với không ít người thì đấy là chuyện còn không dám nghĩ tới – cắt hợp đồng với Ferguson, và tuyên bố thay đổi luôn cả văn hóa MU!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kinh Thi

CLIP HOT