Khoảng cách 4 giây như "núi cao vời vợi", điền kinh VN dừng đua vé Olympic 2024
(Tin thể thao) Lãnh đạo liên đoàn điền kinh Việt Nam đã có những chia sẻ về việc dừng “săn” suất trực tiếp dự Olympic 2024, cũng như mục tiêu có suất dự Thế vận hội tiếp theo.
Trong quá trình thi đấu nhằm tìm kiếm suất trực tiếp dự Olympic Paris 2024, tiếp sức 4x400m nữ là nội dung điền kinh được kỳ vọng nhiều nhất sẽ làm được điều này. Bởi lẽ, đây là nội dung đội Việt Nam đang giữ ngôi vô địch châu Á khi giành HCV tại giải điền kinh vô địch châu Á 2023.
Tổ chạy 4x400m nữ Việt Nam vượt trội so với phần còn lại của châu lục, nhưng vẫn không thể có suất Olympic
Để lọt vào top 16 trên BXH thế giới và có vé Olympic, tổ chạy 4x400m nữ Việt Nam (hạng 29 thế giới) cần phải vượt qua thành tích của hai đội đang xếp hạng 15 và 16 thế giới là đội Cu Ba (3 phút 26 giây 08) và Nigeria (3 phút 27 giây 29). Phải nói thêm trong lịch sử, điền kinh Việt Nam chỉ có các VĐV dự Olympic trong nội dung đơn, cá nhân.
4 cô gái gồm Nguyễn Thị Ngọc, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Hằng bước vào hành trình “săn” vé Olympic bằng giải điền kinh vô địch tiếp sức châu Á 2024 đã diễn ra cuối tháng 5 năm nay ở Thái Lan.
Với những màn bứt tốc đáng nể, các “bóng hồng” này đã bỏ xa tất cả các đối thủ còn lại để giành HCV với thời gian 3 phút 30 giây 81 cũng như phá luôn kỷ lục quốc gia cũ là 3 phút 31 giây 46 lập năm 2015. Tuy nhiên, thông số này không thể giúp các cô gái Việt Nam có suất Olympic Paris 2024 khi còn kém thông số của đội Nigeria (3 phút 27 giây 29) tới gần 4 giây.
Nhi Yến là VĐV duy nhất của điền kinh Việt Nam dự Olympic năm nay theo suất đặc cách
Tiếp đến ở giải điền kinh Đài Loan mở rộng 2024 vào đầu tháng 6, dù phải thi đấu dưới trời mưa, tổ chạy 4x400m nữ Việt Nam tiếp tục thể hiện sự vượt trội, chỉ “đua với chính mình” để giành HCV với thời gian 3 phút 31 giây 88, phá sâu kỷ lục cũ của giải là 3 phút 43 giây 59. Tuy nhiên một lần nữa, thông số này chưa thể có suất Olympic.
Tại giải điền kinh quốc tế Thái Lan mở rộng 2024 kết thúc ngày16/6 vừa qua, Liên đoàn điền kinh Việt Nam không đăng ký tổ 4x400m tiếp sức nữ thi đấu, qua đó đồng nghĩa với việc dừng tranh chấp vé trực tiếp Olympic năm nay. Theo lý giải, dự trên tính toán chuyên môn cũng như sự thăng tiến vượt trội về thông số của các đội tuyển khác, tổ tiếp sức nữ Việt Nam đã không còn cơ hội để cạnh tranh.
“Thật sự tất cả các bạn trong tổ tiếp sức nữ đã rất cố gắng, nỗ lực tập luyện và thi đấu trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên trong điền kinh, san lấp khoảng cách 1 giây thôi cũng đã là rất khó chứ đừng nói đến 3-4 giây. Các bạn đã rất phấn đấu nhưng đã đạt đến ngưỡng nhất định nên không thể thay đổi được”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam chia sẻ.
Chuẩn Olympic ngày một cao là đích đến rất khó với điền kinh Việt Nam
Như vậy, điền kinh Việt Nam sẽ dự Olympic Paris 2024 tại Pháp bằng 1 suất đặc cách được Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) trao. Đội tuyển đã lựa chọn tuyển thủ Trần Thị Nhi Yến (nội dung 100m và 200m nữ) tham gia tranh tài. Thành tích tốt nhất của Trần Thị Nhi Yến là 11 giây 40 giành HCB nội dung 100m tại giải điền kinh U20 châu Á 2024.
Đặt câu hỏi liệu rằng điền kinh Việt Nam có thể có suất trực tiếp ở các kỳ Olympic tiếp theo, gần nhất là Olympic 2028 tổ chức tại Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Để có chuẩn Olympic thì phải theo 2 cách.
Thứ 1 là xác định VĐV có tiềm năng cạnh tranh suất Olympic, tập trung đầu tư trọng điểm từ sớm.
Thứ 2 là cạnh tranh suất dự trên bảng xếp hạng thế giới. Để vào top đầu thế giới, trình độ VĐV phải cao và phải có kinh phí cho VĐV tham dự nhiều giải quốc tế, tập huấn để cọ xát, nâng cao trình độ và chuyên môn”.
“Chúng ta phải có được những chuyên gia có chuyên môn cao hơn, dài hạn và tập trung vào những nội dung cụ thể. Để có nguồn kinh phí lớn làm những điều này, cần dựa trên xã hội hóa chứ kinh phí của bộ môn là không thể đủ. Phải nói thêm, chuẩn Olympic hiện tại là rất cao, thậm chí là trên tầm HCV ASIAD. Vì vậy đây sẽ là đích đến rất khó cho điền kinh Việt Nam”, ông Mạnh Hùng chia sẻ.