THẾ HỆ CÔNG NGHỆ MỚI CÓ CỨU NỔI NHẬT BẢN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong khi các công ty điện tử tiêu dùng nổi tiếng của thế hệ trước đang bế tắc về phát minh và sáng kiến đến nỗi tung ra thị trường một số sản phẩm rất ngớ ngẩn thì một thế hệ trẻ yêu công nghệ đang chật vật ra đời tại Nhật Bản. Liệu họ có đủ tiền và nhân lực để làm bay bổng các ý tưởng của mình và biến chúng thành hiện thực, giúp nước Nhật tìm lại vị thế cũ trên đấu trường thế giới?

THẾ HỆ CÔNG NGHỆ MỚI CÓ CỨU NỔI NHẬT BẢN - 1

Từ một quán Bar dành cho những người yêu mạo hiểm

Mỗi ngày thứ Tư, một quán bar nổi tiếng tại Trung tâm Tokyo đều tổ chức phiên chợ giao lưu dành cho những người cùng chung niềm đam mê công nghệ. Có từ riêng cho sự kiện này là “speed-dating event” (sự kiện hẹn nhanh). Nhưng giới trẻ đến đây không phải để hẹn hò lãng mạn mà vì mục đích khác. “Tôi chờ gặp những người thích suy nghĩ, cụ thể là những người thích Internet như mình. Tôi không tìm một người mà tìm nhiều người” - Shingo Hiranuma, 29 tuổi, một cựu kỹ sư Smartphone tại Công ty Toshiba vừa say sưa với ứng dụng bản đồ mới có tên Sanpo vừa nói. Khi những tập đoàn khổng lồ công nghệ như Sony và Panasonic tiếp tục xuống dốc, một thế hệ mới người trẻ có máu kinh doanh đang tìm cách tạo ra sự khác biệt cho nước Nhật. Trong khi dân số thế hệ công nghệ mới còn thấp so với Mỹ thì đây vẫn là chiếc “lò ấp doanh nhân”. Có người nhận được cả sự tài trợ từ Thung lũng Silicon ở Mỹ. “Hiện nay, kinh tế Nhật Bản đang phải chịu đụng nhiều bất trắc, và đó là lý do tại sao những người trẻ có tinh thần yêu nước muốn đứng ra thách thức rủi ro. Họ sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng mới với tất cả nhiệt huyết, nhưng họ cũng cần sự ủng hộ của chính phủ và các tổ chức tư nhân, của thế hệ đi trước và các định chế tài chính” - Hiro Maeda, 26 tuổi, nói.

Mất bò mới lo làm chuồng

Khi kinh tế ì ạch và dân số lão hoá dần, nước Nhật đã tụt xuống vị trí 25 trong bảng xếp hạng phát minh sáng kiến của LHQ. Đây là lần đầu tiên từ 2007, Nhật bị đẩy khỏi Top 20. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty điện tử tiêu dùng lớn của Nhật không thể theo kịp các công ty đối thủ khác về sáng kiến và phát minh. Đồng Yen mạnh cũng làm cho hàng xuất khẩu của Nhật đắt hơn nên thế cạnh tranh của các công ty Nhật bị giảm mạnh trên thế giới dẫn đến thua lỗ khổng lồ và bị các đối thủ qua mặt bằng các sản phẩm đẹp hơn, rẻ hơn. Từng nổi tiếng với những sản phẩm tiêu dùng vừa đẹp vừa bền, tiện dụng mà cả thế giới ưa chuộng như TV, điện thoại, máy ảnh, nay những người khổng lồ công nghệ Nhật rơi vào bế tắc đến nỗi thỉnh thoảng lại cho ra một sản phẩm “trời ơi” giống đồ chơi trẻ con! Ví dụ, máy giặt nối mạng  “networked washing machine” giá 4.500 USD được Panasonic giới thiệu vào tháng 8.2012 với tính năng điều khiển từ xa bằng smartphone. Chiếc máy được thế giới blog đón chào rất hờ hững. Một blogger hỏi: “Chẳng lẽ Panasonic đã đi lạc đường?”.

THẾ HỆ CÔNG NGHỆ MỚI CÓ CỨU NỔI NHẬT BẢN - 2

Nhật Bản rất cần tiếp máu kinh doanh cho giới trẻ yêu công nghệ để họ có thể tạo được sự đột phá như các thế hệ đàn anh vào những năm 1960, 1970. Chính phủ tạo ra cả một hệ thống luật lệ phức tạp để bảo vệ các công ty cựu trào và ngăn cản thành lập công ty mới vì sợ tác động xấu lên các công ty cũ cùng ngành. Hậu quả là tỉ lệ người có máu mạo hiểm không chỉ ít trong số doanh nhân mới mà còn ít trong số người chịu cấp vốn. Các định chế cho vay vẫn thích đổ tiền vào các công ty đang ăn nên làm ra hoặc “an toàn” hơn là bỏ tiền vào các công ty mới thiếu an toàn. “Bất kể bạn nói về việc kích thích phát minh sáng kiến hay tạo thêm công ăn việc làm, nước Nhật chỉ có thể tạo ra đột phá nếu cung cấp được cái gì đó mới mẻ hơn cho thế giới - Taizo Son, người giúp thành lập Yahoo Japan cùng với Masayoshi Son, em ông vào năm 1996 và đang quản lý quĩ đầu tư Movida Japan, nhận xét – Tiếc thay, vẫn còn rất nhiều cản trở đối với những người có khả năng tạo ra sự thay đổi này”.

Những tấm gương thành công

Theo Trung tâm kinh doanh Venture Enterprise Center trụ sở tại Tokyo thì tổng số tiền đổ vào các công ty công nghệ mới trong năm 2011 đã đạt 316 triệu USD, nhiều gấp đôi so với năm trước, nhưng vẫn còn rất nhỏ nếu nhìn vào 12,6 tỉ USD mà Thung lũng Silicon nhận được trong cùng thời gian (số liệu của Ernst & Young). Năm 2010, tỉ lệ dân số ở độ tuổi lao động tham gia kinh doanh tại Nhật chỉ khoảng 3,3%, thuộc nhóm nước thấp nhất trong thế giới đã công nghiệp hoá. Tại Mỹ, tỉ lệ này là 7,6%. Satoshi Sugie, Junpei Naito, Muneaki Fukuoka và Hiroshi Kurita thuộc số người trẻ dám nghĩ dám làm và chấp nhận thách thức. Tất cả đã chia tay với các công việc lương cao tại Nissan, Sony, Olympus và công ty quảng cáo hàng đầu Dentsu để cùng nghiên cứu Whill, một thiết bị mà khi gắn vào xe lăn nó sẽ biến thành xe hơi điện. Đây là màn mạo hiểm đầu tiên của những người sáng lập công ty Whill. “Tại Whill, quá trình đi từ ý tưởng đến sản phẩm được tiến hành nhanh hơn tại Sony - Naito, người nảy ra ý tưởng về Whill trước khi bỏ công việc kỹ sư thiết kế tại Sony nói- Thậm chí nhanh hơn nhiều. Và chúng tôi hài lòng về điều đó”. Makoto Fukuyama, 27 tuổi và Kota Uemura, 25 tuổi, hai cựu nhân viên  Google, cha đẻ của ứng dụng Social Lunch trên mạng xã hội Facebook vào tháng 10 cũng rất phấn khởi trước các phản hồi tích cực từ phía người dùng. Ứng dụng hiện có hơn 60.000 người dùng và mỗi tháng bổ sung thêm 10.000. Công ty viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản KDDI đã rót vốn 32 triệu yen cho công ty. Tuy nhiên, chưa có thêm các khoản đầu tư mới lớn hơn mà công ty cần.

Một phần lý do là nhiều sản phẩm của các công ty mới do giới trẻ thành lập không tìm ra người mua. Điều đó có nghĩa là họ chỉ có thể huy động vốn thông qua kênh các công ty bảo trợ. Năm ngoái có 11 công ty công nghệ mới phải dùng giải pháp này.

Vì các nhà đầu tư Nhật không hy vọng các công ty mới sẽ thành công nên họ không bỏ tiền nhiều vào đó bằng các đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon, Mỹ. Thiếu đầu tư nên số sản phẩm thành công càng ít hơn. Đây là cái vòng luẩn quẩn chưa tìm ra lối thoát. “Dù vốn ban đầu ngày càng dễ tìm, nhưng giá trị còn rất nhỏ nên không đủ cho cả khâu nghiên cứu lẫn phát triển sản phẩm. Đa số nhà đầu tư vẫn không tin vào giới trẻ mạo hiểm” - Fukuyama nói. May mắn là có nhiều chuyên viên có kinh nghiệm đang từ bỏ công việc cũ để thành lập các công ty riêng, thay vì chỉ để cho giới trẻ bươn chải. “Do có vốn liếng nhiều hơn, họ đã tạo sự khởi sắc cho thế giới công ty công nghệ mới”- Taku Harada nhận xét. Harada hiện điều hành công ty mới PeaTiX chuyên tổ chức các sự kiện trong đó cho phép người tham gia đăng ký giấy mời sự kiện và bán vé trên trang web của công ty. Harada từng làm việc tại Sony, Apple và Amazon trước khi bỏ vốn vào PeaTiX trong năm 2009. Anh cho biết không gặp khó khăn lắm khi chiêu mộ tài năng từ các công ty lớn. Tuổi bình quân tại công ty có 30 nhân viên của anh là trên 20. Tất cả đều có kinh nghiệm công nghệ. “Những câu chuyện thành công khác như PeaTiX có thể tạo ra bước ngoặt - Harada nói – Tuy nhiên, nhiều người thố lộ với tôi là họ sợ uy tín sẽ mất nếu bị thất bại tại các công ty mới. Nếu bạn thất bại thì hầu như không còn cơ hội làm lại nữa”.

THẾ HỆ CÔNG NGHỆ MỚI CÓ CỨU NỔI NHẬT BẢN - 3

LX

 (Theo Japan Times và The New York Times 10.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT