THẾ GIỚI BỘI THỰC VÌ CÔNG CỤ THÔNG MINH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bạn nghĩ thế nào khi con bạn không còn khóc khi thấy con vật cưng bị bệnh, không còn buồn khi mẹ nó bị ốm mà sẵn sàng la hét và rơi vào trầm cảm, ức chế khi máy tính bảng, máy chơi game và điện thoại thông minh bị thất lạc hay hư hỏng? Khi đó, các công cụ vô tri đã trở thành ưu tiên hơn tình thân. Nhà báo Dwight Garner của tờ The New York Times đã tâm sự như thế khi ông nói về sự bất lực trước“sức cám dỗ không thể cưỡng lại được” của các loại màn hình đối với con cái và cách sống chung với nó…

THẾ GIỚI BỘI THỰC VÌ CÔNG CỤ THÔNG MINH - 1

Sức hút của “thế giới ảo”

Những đứa con của tôi được đánh giá là thông minh, tử tế và có khả năng tự điều chỉnh theo các trào lưu thực. Thoạt đầu, tôi rất hài lòng khi thấy chúng có vẻ thoải mái và tỉnh táo trong thế giới ảo. Chúng biết cách “hội nhập” và “tồn tại” trong thế giới ảo giống như lũ gấu nhỏ tập tự nuôi sống trong một dòng sông đầy cá hồi. Nhưng càng ngày tôi càng thấy có điều gì đó không ổn, thậm chí khủng khiếp! Đầu tiên là những công cụ số đánh cướp thời gian của con tôi mỗi ngày một ít; và cuối cùng là đánh cướp bọn trẻ từ tay cha mẹ chúng! Đến một ngày, vợ tôi, Cree và tôi quyết định phải tìm cách đưa con cái xa dần thế giới ảo. Chúng tôi sợ rằng sự lơ là và do dự của chúng tôi sẽ biến thành “thảm hoạ được báo trước”.

Bọn trẻ xanh xao dần và thụ động dần theo mức ám ảnh của chúng đối với các công cụ di động. Chúng phát bệnh, buồn bã và “mộng du” vào những lúc Wi-Fi bị trục trặc, mất kết nối. Kết quả học tập tại trường sa sút không đúng với thực lực. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất là mối quan hệ của bọn trẻ với cha mẹ và gia đình sẽ không còn là ưu tiên số 1, mà ưu tiên là những gì chúng bấm, chạm và vuốt hàng ngày. Khi tôi đánh máy những dòng chữ này, con gái tôi Harriet, 14 tuổi đang miệt mài với chiếc iPhone của nó và lang thang qua lại ít nhất là 8 trang mạng xã hội nổi tiếng - Flickr, Tumblr, Kik, Snapchat, Instagram, Ask.fm, Twitter và Vine. Còn con trai tôi, Penn, 15 tuổi đã ngủ được nhiều giờ để sẵn sàng thức cả đêm chơi 2 videogame với người bạn (game Call of Duty và Eve) trong một căn phòng có chiếc khay chứa đầy những món ăn ưa thích của nó: phô mai Doritos, kẹo thanh Kit Kat, đậu cười và thức uống Code Red do Mountain Dew sản xuất

Giải pháp ngăn chặn không hiệu quả

Có lúc tôi tự hỏi ứng dụng nào giúp tăng cường lòng dũng cảm để giúp các bậc cha mẹ chấp nhận sự thật này trong xã hội công nghệ thông tin?. Mùa hè năm đó, Cree và tôi đã tổ chức thường xuyên những bữa ăn sáng cùng các con tại một nhà hàng địa phương. Nhưng bọn trẻ luôn cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó khi những công cụ thiết thân của chúng phải để lại nhà. Tuy nhiên, tôi không còn chọn lựa nào hơn nếu muốn hâm nóng lại những kết nối yêu thương của tình gia đình. Tôi muốn mọi sự dần đi trở lại đúng nề nếp của nó trước khi ngôi nhà của chúng tôi bị tấn công bởi các công cụ hiện đại. Tôi cũng soạn thảo bản nội qui sinh hoạt cho bọn trẻ trong năm học mới. Ví dụ như không được để laptop trong phòng ngủ; phải làm xong bài tập ở trường trước khi chơi với công cụ điện tử;  không tiếp cận với chúng sau 10 giờ đêm, không được mua gì trên cửa hàng  iTunes nếu không xin phép trước, kể cả các ca khúc 0,99 USD của Rihanna mà đứa con trai lớn ưa thích. Nhưng bản nội qui trên bắt đầu bị vi phạm chỉ sau 2 ngày áp dụng. Đến ngày thứ 4, có những lời năn nỉ và những đề nghị xin châm chước. Đến ngày thứ 5, Harriet bắt đầu đưa một lời bình tiêu cực về bản nội qui gia đình lên mạng xã hội Twitter. Bước sang ngày thứ 6, tất cả chúng tôi đều thấy bản nội qui đã bị phá vỡ từng phần mà nạn nhân là tất cả mọi người. Đến ngày thứ 7, Cree và tôi đe doạ bọn trẻ bằng một biện pháp mà người bạn gọi là “Full Amish”. Đó là tất cả ổ cắm đều được dán lại. Đến ngày thứ 8, tức là bước sang tuần thứ 2 của năm học mới, không còn ai trong chúng tôi tin rằng bản nội qui còn cần thiết. Kết quả là mọi sự trở lại như lúc bắt đầu. Mục tiêu đưa bọn trẻ vào nề nếp cũ coi như phá sản hoàn toàn

Sống chung với “bầy đàn” công cụ thông minh!

THẾ GIỚI BỘI THỰC VÌ CÔNG CỤ THÔNG MINH - 2

Bạn tốt nhất của con cái là những gì chúng tiếp cận hàng ngày và làm cho chúng thoải mái. Bà Steiner-Adair, tác giả cuốn sách “The Big Disconnect” nổi tiếng là nhà tâm lý giảng dạy tại Trường Y thuộc Đại học Harvard. Cuốn sách của bà không phải là sản phẩm của tư duy chủ quan mà dựa vào hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Nó có thể dùng làm bản hướng dẫn về phương pháp “điều tiết liều lượng số” cho con cái. Tôi đã rút ra vài kinh nghiệm qua những cuộc phỏng vấn được bà Steiner-Adair ghi âm và hệ thống lại. Mỗi cuộc phỏng vấn đều cho bạn một trải nghiệm thú vị và cứ sau mỗi trang sách tôi lại cảm thấy mình bị một cái tát vì những sai lầm trước đây trong cách đối phó với con cái. Cú tát giống như bố già Don Corleone tát vào mặt ca sĩ Johnny Fontane trong bộ phim The Godfather để nhắc nhở đứa con nuôi yếu ớt hãy cư xử cho ra một thằng đàn ông. Vậy tôi đã học được gì? Trước khi nói về cách dụ bọn trẻ rời mắt khỏi màn ảnh smartphone, tablet hay laptop, bà Steiner-Adair có lời khuyên nghiêm khắc với các bậc cha mẹ: Chúng ta nên nhớ là chúng ta sống trong thế hệ của những kết nối điện tử, và con người bắt buộc phải bỏ ra nhiều thời gian trong ngày nhìn vào điện thoại, đọc e-mail, post bài lên mạng. Bà viết: Thông điệp chúng ta nên trao cho bọn trẻ là “những đứa trẻ khác còn gặp các vấn đề nhiều hơn con” chứ không phải “chúng mày là tệ nhất”. Bà đã “thấu thị” cho tôi một vấn đề quan trọng: Tôi cứ tưởng mình là người cha tốt khi ngăn cản con cái dùng smatphone trong khi chính tôi cũng cảm thấy mất hết sinh khí nếu chiếc iPhone xa khỏi tầm tay.

Alex Soojung-Kim Pang, tác giả cuốn “The Distraction Addiction” là một nhà tương lai học được học bổng tiến sĩ tại Đại học Stanford và Oxford. Ông không khuyến khích cha mẹ rút ổ cắm máy tính của con, mà muốn tạo ra sự cân bằng khi tiếp xúc với dòng chảy số. Bảy chương đầu cuốn sách của ông nói về hơi thở, sự khoan hòa, thư giãn, giảm ức chế, lấy lại sự tập trung và ngơi nghỉ. Ông viết: “Bạn phải biết về mục đích của bạn khi lướt web, và tự hỏi các mục đích này có đúng đắn không và có cần thiết không. Nếu không đúng và không cần thiết thì hãy tắt máy và chuyển sang công việc khác – ông nói - Lang thang trên web mà không biết mục đích là gì, thì chỉ màn tra tấn tư tưởng”. Cả Pang và Steiner-Adair đều khuyên bạn và con cái bạn hãy tạm chia tay với các công cụ điện tử một thời gian. Du lịch là cách tốt nhất để làm việc này. Trong cuốn “The App Generation”, tác giả Howard Gardner và Katie Davis viết: “Thế hệ trẻ lớn lên trong thời đại hiện nay không chỉ chìm ngập trong các ứng dụng (app) mà chúng còn nghĩ về thế giới như một tập hợp của các ứng dụng và thấy cuộc sống của chúng như một chuỗi ứng dụng được sắp đặt và liên lập với nhau”. Gardner là giáo sư Trường Giáo dục Đại học Harvard còn bà Davis là giảng sư Khoa Thông tin Đại học Washington. Họ nhìn thấy cả những điểm tiêu cực và tích cực của một xã hội lệ thuộc quá nhiều vào ứng dụng cài đặt trong các công cụ điện tử. Sách của họ cũng nói về khía cạnh luân lý theo kiểu nói của tỉ phú Bill Gates trong một cuộc phỏng vấn: “Khi con cái bị tiêu chảy, thì không có trang web nào có thể giảm nhẹ được căn bệnh của chúng”.                                   

L.X

 (Theo The New York Times 9.2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT