THẦY THUỐC & Y ĐỨC

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với mỗi người Thầy thuốc, những tư tưởng trong lời thề Y khoa (Hippocratic Oath) được truyền dạy từ cha đẻ của Ngành Y, Hippocrates (460 BC-370 BC), vẫn thấm đẫm tính nhân văn và là kim chỉ nam cho y đức (medical ethics). Ngay từ thời xa xưa đó, những  điều cốt lõi trong tư tưởng hành nghề y của Thủy tổ Hippocrates vẫn tỏa sáng thời ta đang sống: Y học là khoa học về con người, cả thể chất và tinh thần. Người thầy thuốc đến với bệnh nhân là động thái của một con người đang đến với một con người. Và phép chữa bệnh không chỉ áp dụng cho phần thể xác mà còn phải cho, thậm chí là trước hết cho sức khỏe phần hồn. Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo trong lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như Từ mẫu”. Về mặt này, Y học thật gần với Văn học, như người ta nói “Văn học là Nhân học” (M. Gorki)

THẦY THUỐC & Y ĐỨC - 1

Nhưng không phải tất cả những người Thầy thuốc và càng không phải trong mọi lúc, mọi nơi, tinh thần đó của những lời thề Hypocrates luôn được hâm nóng và tỏa sáng. Đó cũng là điều tự nhiên, vì những người Thầy thuốc trước hết cũng là những con người trong một xã hội cụ thể, ngoài những khác biệt với nhau ở các tố chất bẩm sinh, họ cũng phải chịu tác động từ những hoàn cảnh cụ thể của xã hội, của gia đình và môi trường công tác. Những bổn phận đời thường cũng ngày ngày đè lên đôi vai của họ, cùng với gánh nặng làm tròn thiên chức Lương y.

Người Thầy thuốc Việt Nam còn phải làm hơn cả thiên chức lương y ấy, như Bác Hồ đã dạy, không chỉ chữa bệnh cứu người mà còn phải “Như là người mẹ hiền”, “cứu nhân độ thế”.  Cái tinh thần “cứu nhân độ thế “ ấy, tấm lòng mẹ hiền ấy cũng chính cội nguồn của niềm tự hào, của vinh quang nghề nghiệp Thầy thuốc, giúp cho họ có đủ tinh thần và nghị lực để ngày đêm miệt mài học hỏi và cống hiến cho xã hội.

Thế mà ngày hôm nay, những người Thầy thuốc Việt Nam như đang đứng trước cuộc sát hạch của toàn xã hội. Những tin tức không vui, những vụ việc đáng buồn xảy ra liên tiếp trong hoạt động của Ngành Y tế đang đặt ra những thử thách ghê gớm cho cho niềm tin y đức của toàn xã hội với Ngành Y, và cũng thử thách tình yêu nghề nghiệp của mỗi người Thầy thuốc. Tất nhiên, những sự việc là cụ thể , những sai phạm nếu có cũng là cụ thể của mỗi con người, nhưng làm sao khỏi buồn lòng cho tất cả những người đồng nghiệp. Thậm chí có sai phạm trong Ngành Y, khiến cả xã hội phẫn nộ lên án, thì tất cả những người Thầy thuốc đều cảm thấy đau lòng khi danh xưng “Bác sĩ” cao quý luôn luôn bị gắn vào với “tội ác” và “tội phạm”! Tại sao mỗi người khi nhắc tới các vụ việc đó, các phương tiện truyền thông khi đề cập đến chuyện đó không “minh bạch” mọi điều, để dẫn dắt dư luận xã hội đi về phía yêu thương đồng cảm với đông đảo đội ngũ Thầy thuốc, đang từng giờ vượt qua gánh nặng áo cơm, vượt qua những ưu tư, để trị bệnh cứu người!

THẦY THUỐC & Y ĐỨC - 2

Nhưng xã hội thường là như vậy, không thể có công bằng tuyệt đối, không thể chia đều buồn vui cho tất cả mọi người. Những người Thầy thuốc đã hiểu và phải hiểu về bổn phận nghề nghiệp từ khi bước chân vào Trường, thậm chí ngay từ thời thơ ấu khi tâm tư nhen nhóm ý nguyện mai này lớn lên sẽ trở thành người Thầy thuốc. Đó là thiên hướng cao quý, là sự định hướng cuộc đời đầy thiện nguyện và nhân văn.

Không phải ngẫu nhiên mà ở hầu hết các nước, khi xét tuyển vào Trường Y người ta luôn đề cao tinh thần tự nguyện cống hiến và những người có nhiều thành tích hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng luôn được ưu tiên. Bởi vì nghề nghiệp tương lai của họ đòi hỏi một tố chất như vậy, một tinh thần như vậy. Những tố chất đó, những tinh thần đó là những điều kiện cần để tạo nên Y nghiệp của một người Thầy thuốc. Đó là cội nguồn xây đắp nên Y Đức. Y Đức của một người Thầy thuốc không phải từ trên trời rơi xuống, mà được tạo dựng và bồi đắp mỗi ngày từ lòng trắc ẩn, vị tha, trái tim yêu thương, nhân hậu. Những tố chất đó vừa là tố chất bẩm sinh, có sẵn từ trong tiềm thức, vừa từng ngày được nuôi dưỡng trong hiện thực đời sống, bồi đắp nhờ văn chương, sách vở. Tất cả những điều đó tạo nên tình yêu nghề nghiệp, giúp họ hành nghề có lý tưởng, có động cơ hoài bão. Họ lấy sức khỏe của nhân dân làm mục đích, lấy niềm vui của người bệnh làm hạnh phúc của mình. Mỗi ngày họ vui niềm vui của người đi “độ thế “, hăm hở góp phần nhỏ nhoi cho việc “cứu nhân”.  Nghĩ khác đi là hành nghề trong mệt mỏi, làm khác đi là khổ sở một đời. Như Giáo sư – Bác sĩ Ngô Gia Hy một bậc Trưởng lão của Ngành Y Việt Nam đã nói “Muốn làm giàu thì đừng làm nghề Y”!

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tịch Hội Phẩu thuật Thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẩu thuậtThẩm Mỹ Bệnh viện An Sinh

Giám đốc Viện Phẩu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT