Thăm vườn Luxembourg, nói chuyện Cải lương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trở lại Paris đầu tháng 10/2013, lá cây bắt đầu chuyển màu đón Thu. Vườn Luxembourg dập dìu du khách. Tòa nhà Thượng viện vẫn là phông sau hoành tráng của hàng triệu bức ảnh du lịch. Tôi cùng đi với anh chị nghệ sĩ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ và hai nghệ sĩ ở Pháp: Hà Mỹ Xuân, Lê Hồng Phước thăm lại khu vườn nổi tiếng Luxembourg

 Thăm vườn Luxembourg, nói chuyện Cải lương - 1

Hương sắc Cải lương

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền gặp lại hai người em của anh trong một không khí ấm nồng tình nghệ sĩ. Anh kể thưở nhỏ vào nghề, anh là đầu têu của những vụ trốn nhà đi xem hát, về khuya bị đòn, anh nằm đầu roi để cha đánh vào mông mà không khóc, “Vì tôi ma lanh lắm, lót trong quần mấy miếng giấy bồi, nên khi đánh hỏng có bị đau” – anh kể lại hồi ức tuổi thơ trong tiếng cười giòn tan của NS Hà Mỹ Xuân. Vậy đó, gió mát tứ phía luồng qua hàng cây, xao động những bờ cỏ nơi rất nhiều bức tượng cổ đại Hy Lạp sừng sững bao năm qua trong vườn Luxembourg. Khí hậu chỉ 18 độ thật mát. Gió như hiểu nỗi niềm tha hương của những nghệ sĩ bao lâu rồi không được đứng trên sân khấu, và cứ thế nó quạt ấm lên ngọn lửa nhớ nghề. Sang Pháp cùng với tôi và NSƯT Trọng Phúc, hai anh chị Thanh Điền, Thanh Kim Huệ đã ca diễn hết mình, hội ngộ trong một suất hát mang tên “Hương sắc Cải lương” do NS Hà Mỹ Xuân tổ chức nhằm ra mắt Hội Bảo tồn Cải lương Về nguồn. “Cái tên Về nguồn là do ông xã tôi đặt, anh ấy là nhà thơ, quê ở Cà Mau, nên lúc nào cũng nhớ về quê hương” – NS Hà Mỹ Xuân kể về Nhà thơ Thanh Bình, ông xã của chị, hết lòng yêu thương con đường nghệ thuật mà vợ đã đi. Qua Pháp thời điểm này để nhận biết gầy dựng một suất hát Cải lương khó vô cùng. Anh Thanh Bình làm đến 10 công việc: bán vé, hậu đài, đưa đón nghệ sĩ, đi chợ, làm đạo cụ…nói chung là ngoại vụ của một đoàn hát. Nhiều năm trước một số nghệ sĩ Cải lương trong nước sang kết hợp biểu diễn, nhưng ít khi được đứng trên một sàn diễn của nhà hát lớn. Nhưng lần này phải nói là niềm vinh dự của nghệ sĩ Cải lương khi mà Hội bảo tồn Cải lương Về nguồn của NS Hà Mỹ Xuân đã được sự giúp đỡ của Nhà hát Charenton Paris để tổ chức suất hát giới thiệu hai vở diễn: Ngao sò ốc hếnBên cầu dệt lụa.

Thăm vườn Luxembourg, nói chuyện Cải lương - 2

Phía nghệ sĩ ở Pháp còn có: Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước, Tuấn Anh, nhạc sĩ Minh Thanh, Xuân Phước, Ngân Hà, Thanh Sơn…Và chương trình “Hương sắc Cải lương” đã diễn ra trong không khí hết sức trang trọng. Khán giả ăn mặc rất lịch sự đến xem và im lặng nghe từng câu ca, lời thoại của nghệ sĩ. NSƯT Trọng Phúc được yêu mến qua vai Trần Minh, bên cạnh anh là một Quỳnh Nga tiểu thư do NS Hà Mỹ Xuân thể hiện. Nét ca diễn gợi cho khán giả kiều bào nhớ về một NS Thanh Nga tài sắc năm xưa, thời mà NS Hà Mỹ Xuân còn đóng vai phụ bên cạnh thần tượng của chị. “Nay tôi diễn lại vai này, nhớ chị Thanh Nga quá. Mong sao Hội của chúng tôi sẽ tiếp tục được khán giả kiều bào ủng hộ, để các suất diễn trong tương lai sẽ có đông khán giả hơn” – NS Hà Mỹ Xuân tâm niệm.

 Tấm lòng dành cho sân khấu

Bỏ tiền túi để gầy dựng suất hát này và ra mắt một Hội chuyên ngành trên đất Pháp là việc làm mà nhiều đồng nghiệp gọi “Hà Mỹ Xuân uống mật gấu”. Trên thực tế chị không muốn làm nghề theo cái kiểu chụp giựt “Cứ phải nhờ vào ngôi sao ca nhạc, danh hài để cứu Cải lương” – chị tự tin nói về cách làm nghề đúng nghĩa vào thời điểm mà sân khấu Cải lương đang khó khăn tại quê nhà, thì “bản thân mình có điều kiện, phải làm nghiêm túc mới được bà con kiều bào thương”.

Thế là chị đầu tư vốn, không nhờ vào bất cứ một Mạnh thường quân nào. Vé bán phần lớn là khán giả yêu thích Cải lương, phần thì mời sinh viên, giới trẻ là người Việt đang học tập, làm việc tại Pháp đến xem. Anh Kiệt – một doanh nhân thành đạt tại Quận 15 của Paris sau suất diễn hôm 6-10 đã mời tất cả nghệ sĩ đến Nhà hàng của anh mang tên “Cô Tư”, ăn một buổi ăn thịnh soạn với các món ăn Việt. Anh Kiệt nói: “Cách đây 30 năm khi tôi chân ướt chân ráo đến Pháp, đi làm đủ nghề để sống, có khi về khuya dưới trời tuyết đổ, băng ngang một căn nhà trọ, bỗng nghe tiếng ca Vọng cổ phát ra từ một nhà hàng xóm. Tôi chịu lạnh đứng nghe hết bài ca rồi mới về nhà. Thú thật nếu đó là một bài nhạc thì tôi đã không đứng dưới cái lạnh cắt da đó. Nhưng bài Vọng cổ gợi cho tôi nỗi nhớ da diết quê nhà. Và nay xem chương trình “Hương sắc Cải lương” tôi lại được sống lại với ký ức đó, để thấy bắt đầu mình mê bộ môn nghệ thuật này rồi”. Anh và bà xã, chị Vân đã đến xem, đồng thời đến dự buổi sinh nhật của NS Hà Mỹ Xuân, để được nghe các nghệ sĩ Cải lương tiếp tục ca diễn những trích đoạn, những bài Vọng cổ mà anh trân quý.

Giới thiệu về những người bạn mới của Cải lương, NS Hà Mỹ Xuân đã cho tôi một cuộc trải nghiệm đáng quý về NS Lê Hồng Phước. Anh này có biệt tài nhớ vanh vách những vở diễn xưa. Vai nào anh cũng thuộc, lại có chất giọng trầm ấm, nhịp nhàng Vọng cổ thì gần như nằm trong máu huyết của anh từ thời nào, nên cứ lên sàn tập thì anh “xổ ra”, khiến NSƯT Thanh Điền còn bất ngờ. NS Hà Mỹ Xuân cho biết: “Lê Hồng Phước là một thầy giáo có tâm hồn yêu sân khấu Cải lương. Phước sang Pháp làm Nghiên cứu sinh về Lịch sử Văn hóa Việt – Pháp tại Paris, sau quá trình giảng dạy khoa Ngữ văn Pháp tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Phước được kiều bào tại Pháp biết đến với bút danh Lê Phước – Đài RFI với chuyên mục bình luận về nghệ thuật sân khấu và trò chuyện với nghệ sĩ Việt. Bén duyên với sàn diễn từ sự kiện Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức chương trình “1.000 năm Thăng Long, Hà Nội” (tháng 10-2010), hồi đó Phước ca bài Vọng cổ “Trống loạn Thăng Long thành” của soạn giả NSND Viễn Châu. Khán giả kiều bào rất ngạc nhiên. Sau sự kiện đó NS Lý Kim Thành giới thiệu với chúng tôi, rồi anh trở thành bạn diễn không thể thiếu mỗi khi các chương trình văn nghệ của cộng đồng người Việt tổ chức tại: Trụ sở Unesco tại Paris; Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, và Hội Người Việt tại Pháp. Chúng tôi mời Phước tham gia mỗi khi có show diễn phục vụ cộng đồng. Tính đến nay thì Phước đã diễn rất nhiều vai, mà Trùm Sò (Ngao sò ốc hến) và nhà vua (Bên cầu dệt lụa) là hai vai hay nhất từ trước đến nay của Phước”.

Nói về suất hát này, Lê Hồng Phước tâm sự: “Tôi cảm ơn anh Thanh Điền, nhờ anh dàn dựng mà tôi nhìn thấy được những điểm yếu của mình trong ca diễn, từ đó học nghề thêm. Với tôi công việc sau này vẫn là đứng trên bục giảng, nhưng được hát, được làm nghệ thuật dân tộc, là một niềm hạnh phúc của tôi”.

Về NS Lý Kim Thành, phải nói anh được khán giả kiều bào yêu quý, vì vai nào anh cũng sẵn sàng tham gia. Từ kép chánh cho đến… quân hầu, vậy mà anh đã làm nên chuyện, diễn với nhiều nghệ sĩ tài danh từ Việt Nam sang như: NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy, NS Châu Thanh, Bạch Long…Trong chương trình này anh diễn vai Nhuận Điền và thầy Lý, làm cho khán giả kiều bào say mê khi anh xuất hiện bên cạnh NSƯT Trọng Phúc, tạo thành bộ đôi Trần Minh – Nhuận Điền, gợi cho khán giả nhớ về “cặp đôi hoàn hảo” Thanh Sang – Thanh Tú đã từng bất hủ với hai nhân vật để đời trong vở “Bên cầu dệt lụa”.

 

 NSƯT Thanh Kim Huệ bộc bạch: “Tôi làm dâu gia đình của anh Thanh Điền, nhưng chưa có suất diễn nào ba anh em đứng chung trên một sân khấu. Đây là một sự kiện đáng nhớ và nó ý nghĩa vô cùng khi chúng tôi phát hiện ra nhiều gương mặt trẻ tài năng tại Pháp qua hai vở Ngao sò ốc hếnBên cầu dệt lụa như: Lý Kim Thành diễn vai thầy Lý và Nhuận Điền, Lê Hồng Phước diễn vai trùm Sò và nhà Vua. Hạnh phúc hơn khi nhiều khán giả kiều bào đã gửi tiền, quà, thuốc, thực phẩm để chúng tôi mang về làm từ thiện, trao tặng cho trẻ em mồ côi, khuyết tật đang cần sự giúp đỡ. Mục đích của Hội Bảo tồn nghệ thuật Cải lương Về nguồn là duy trì hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên trẻ và các suất diễn có doanh thu sẽ làm công tác từ thiện”

 

 Thăm vườn Luxembourg, nói chuyện Cải lương - 3

Với NS Hà Mỹ Xuân, chị nói: “Tâm nguyện của tôi phần nào đã thành hiện thực khi mà Nhà hát Charenton thật sự tràn ngập tiếng vỗ tay của khán giả kiều bào dành cho một suất hát lịch sử. Bởi lâu nay việc tổ chức Cải lương chỉ diễn ra ở nhà hàng, hội trường nhỏ, có khi diễn tại các chợ người Việt vào dịp lễ tết, còn lại rất ít khi ra sân khấu nhà hát. Tôi đặt kỳ vọng vào hướng đi của Hội bảo tồn nghệ thuật Cải lương Về Nguồn, đó là giữ gìn và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân tộc, trong đó bộ môn Cải lương sẽ được xem là môn học chính của các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà Hội của chúng tôi sẽ tổ chức trong năm nay”.

Vườn Luxembourg hoa vẫn nở, lá vàng vẫn ngập lối. Nhưng tâm huyết làm nghệ thuật của các nghệ sĩ xa xứ không bao giờ lìa cành như những chiếc lá vàng kia.

 

Bài và ảnh Thanh Hiệp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT