TAI BIẾN TRONG PHẪU THUẬT THẨM MỸ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VẤN ĐỀ TAI BIẾN Y KHOA VÀ TAI BIẾN PHẪU THUẬT

Theo Tạp chí Y học nổi tiếng của Anh "New England Journal of Medicine", 75%  Bác sĩ thuộc các chuyên khoa "ít rủi ro" và 100 % Bác sĩ thuộc các chuyên khoa "nhiều rủi ro" phải đối mặt với ít nhất một lần tai nạn y khoa trong cuộc đời hành nghề Thầy thuốc của mình. Con số thống kê cho thấy ở Mỹ  mỗi năm có xấp xỉ 195.000 gười chết vì các tai nạn y khoa. Và hàng năm có khoảng  từ 15.000 đến 19.000 vụ kiện cáo liên quan đến các Bác sĩ (theo Medical News Today, 2010). Bộ  Tư Pháp Mỹ cũng công bố con số thống kê cho biết có 27 % các vụ kiện tụng pháp lý ở Mỹ liên quan đến tai biến y khoa. Phí tổn liên quan đến tai nạn y khoa ở Mỹ lên đến 45 đến 200 tỷ USD mỗi năm. Cần nhắc lại rằng những con số trên là ở Mỹ, một nước có nền khoa học y học tiên tiến nhất thế giới. Tình hình này đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nghề nghiệp của các Thầy thuốc và gây hiệu ứng xấu trong xã hội, đến mức năm 1990, tại lễ kỷ niệm 100 năm Trường Y khoa Johns- Hopkins, trong bài nói của mình Tổng thống Mỹ George Bush đã đề cập đến vấn đề này với sự thấu hiểu và thông cảm sâu sắc. Theo Ông thì tai nạn nghề nghiệp và các vụ kiện tụng y khoa tràn lan dễ làm nản lòng các Thầy thuốc, làm kìm hãm sức sáng tạo trong y học và làm thui chột tinh thần tự nguyện cống hiến của những người hành nghề y khoa.

TAI BIẾN TRONG PHẪU THUẬT THẨM MỸ - 1

Việc tư vấn kỹ lưỡng và phục vụ tận tâm là những đòi hỏi thường xuyên với các phẫu thuật viên. Nhưng để giảm thiểu các tai biến không chỉ là công việc của Bác sĩ mà còn phải có sự hợp tác hiệu quả từ phía Bệnh nhân. Vì vậy việc tuyên truyền phổ cập những kiến thức y khoa thông thường cho cộng đồng để mỗi Bệnh nhân có thể hiểu rõ các nguy cơ và hiểu thêm công việc của người Thầy thuốc là việc rất quan trọng và hữu ích.

 

CÁC TAI BIẾN & BIẾN CHỨNG TRONG PHẪU THUẬT THẨM MỸ

Trên thế giới người ta xếp các tai nạn phẫu thuật vào trong các nhóm:

- Bỏ quên dụng cụ trong người Bệnh nhân như bỏ quên gạc, dụng cụ ... Loại tai biến này thường chỉ có trong phẫu thuật ngoại khoa chữa bệnh chứ hiếm có trong Phẫu thuật Thâm mỹ, vì Phẫu thuật Thẩm mỹ thường chỉ làm ở bên ngoài hoặc vùng nông dưới da, dễ nhìn thấy mọi thứ để kiểm soát.

- Rạch đường mổ sai vị trí

- Mổ nhầm vào phần cơ thể không cần mổ

- Mổ khi không cần thiết phải mổ

- Tai biến gây mê

- Tai biến khi phẫu thuật

Ta dễ dàng nhận thấy 4 loại tai nạn trên có nguyên nhân chính yếu là do sai sót của người Bác sĩ phẫu thuật. Hai loại dưới là Tai biến gây mê Tai biến phẫu thuật có nguyên nhân phức tạp hơn: có thế là do sai sót của nhân viên y tế, có thể là do những nguy cơ bệnh lý ở Bệnh nhânvà có thể là do những nguyên nhân không thể xác định được (không tìm thấy sai sót của nhân viên y tế). Loại nguyên nhân này chiếm 37 %  trong các tai nạn y khoa (New England Journal of Medicine). Mặc dù các nhân viên y tế không sai sót và không phát hiện thấy các nguy cơ ở Bệnh nhân nhưng tai biến vẫn cứ xẩy ra gây thiệt hại cho Bệnh nhân và gây hiểu lầm, kiện tụng rắc rối cho phía nhân viên y tế.

Tác giả Schwartz lại chia đơn giản hơn vào 3 loại: Nhầm Bệnh nhân, Nhầm vùng mổ Nhầm cuộc mổ (không cần thiết mổ).

Với Phẫu thuật Thẩm mỹ, theo Luật sư người Mỹ Johnie L. Cochran (The Cochran Firm), ngoài những tai nạn trên như trong các phẫu thuật ngoại khoa còn có những tai nạn đặc thù riêng: Cẩu thả (Negligence); Sẹo xấu (Excessive scarring); Chấn thương tâm lý (Emotional trauma); Dùng thuốc sai (Incorrect medication);  Tổn thương dây thần kinh (Nerve damage);  Kết quả xấu (Aesthetic damage).

Chúng tôi muốn từ thực tiễn nêu ra những khái niệm cơ bản và phổ quát nhất, nhưng đảm bảo chính xác và khoa học, nhằm giúp mọi người có thể hiểu được và dễ dàng thống nhất với nhau khi nhận định những sự cố xảy ra trong thực tế :

Những tai biến trước phẫu thuật:Phản ứng dị ứng với các loại thưốc trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật; Những rối loạn tim mạch, huyết áp do quá lo lắng

Những tai biến trong khi gây mê:Phản ứng, dị ứng với thuốc tê; Ngộ độc thuốc do dùng quá liều; Sai sót khi thao tác đặt ống nội khí quản: chấn thương răng, không đặt đúng vào đường thở; Mê quá nông hoặc quá sâu (độ mê không phù hợp với yêu cầu phẫu thuật);

Những tai biến trong khi phẫu thuật:Chảy máu bất thường; Tổn thương thần kinh; Tổn thương các bộ phận lân cận;

Những tai biến biến chứng sau phẫu thuật: Nhiễm trùng; Lâu lành; Sẹo xấu; Kết quả thẩm mỹ kém.

Đ gim thiu tai biến trong Phu thut Thm m?

* Về phía nhân viên Y tế:

Coi Bệnh nhân như người ruột thịt để phục vụ tận tâm; Luôn học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Luôn kiểm tra và bổ sung trang thiết bị đạt chất lượng và hiệu quả; Thận trọng tỉ mỉ trong từng thao tác để hạn chế tối đa sai sót; Khám xét đánh giá thận trọng động cơ yêu cầu làm đẹp của Bệnh nhân; Luôn luôn phải trao đổi kỹ với Bệnh nhân về những lợi ích và những nguy cơ có hại khi làm phẫu thuật thẩm mỹ; Chỉ tiến hành phẫu thuật cho Bệnh nhân khi thực sự cần thiết; Chỉ nhận phẫu thuật khi tin chắc hoàn toàn ở khả năng tay nghề của mình; Phải luôn dự phòng và sẵn sàng xử lý kịp thời chính xác mọi tai biến; Luôn đặt sự an toàn của Bệnh nhân cao hơn tất cả; Lấy sự hài lòng của Bệnh nhân làm thước đo kết quả.

TAI BIẾN TRONG PHẪU THUẬT THẨM MỸ - 2

* Về phía Bệnh nhân:

Phải xác định đúng đắn động cơ cá nhân khi đi làm đẹp (tự mình biết rõ mình muốn gì và không a dua theo người khác); Phải tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông để hiểu rõ khả năng cũng như hạn chế của phẫu thuật thẩm mỹ; Phải tìm kiếm thông tin qua các phương tiện tuyền thông, qua bạn bè để biết được Bác sĩ nào và cơ sở y tế nào có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu của mình; Phải tham vấn Bác sĩ kỹ lưỡng về mọi vấn đề kể cả những rủi ro có thể xảy ra; Khi đã an tâm tin tưởng thì phải tuân thủ những hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ cả trước và sau phẫu thuật. Khi nghe đọc các quảng cáo thẩm mỹ phải đủ hiểu biết và tỉnh táo để suy xét và đánh giá thực chất của vấn đề. Chỉ nên phẫu thuật làm đẹp khi đã  thực sự hiểu về phẫu thuật mình sẽ làm, hoàn toàn tin tưởng Bác sĩ Phẫu thuật và yên tâm về cơ sở y tế mình sẽ đến. Nên tìm hiểu để nắm được nhiều nhất những khía cạnh chuyên môn và pháp lý của cuộc phẫu thuật để đánh giá đúng kết quả công việc của Bác sĩ sau phẫu thuật và nếu có băn khoăn thắc mắc cũng sẽ biết đặt vấn đề chính xác và có lý có tình.

Đây cũng là những lời khuyên dành cho cả các Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ và Bệnh nhân, những người có nhu cầu làm đẹp. Kiến thức khoa học và sự chân thành là những điều kiện cơ sở để sự giao tiếp giữa Thầy thuốc và Bệnh nhân trở nên thấu hiểu và thân thiện. Phải đặt mình vào vị trí của người đi làm đẹp, các Bác sĩ mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ và cảm thông với những thắc mắc và lo âu của họ. Sự hiểu biết và tin cậy giữa Bác sĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tư vấn và lựa chọn quyết định đúng đắn, tránh những cuộc phẫu thuật không thực sự cần thiết. Khả năng chuyên môn cao, tay nghề tài hoa và sự tận tâm của Bác sĩ sẽ đảm bảo cho một cuộc phẫu thuật an toàn, không tai biến. Một kết quả thẩm mỹ làm hài lòng Bệnh nhân luôn là đích phấn đấu của người Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ. Người Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ cần phải luôn luôn nhớ rằng người Thầy thuốc không phải là Doanh nhânBệnh nhân không phải là Khách hàng để hành nghề xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như Từ mẫu”.

TAI BIẾN TRONG PHẪU THUẬT THẨM MỸ - 3

Phẫu thuật nội soi đặt túi nâng ngực, tại Bệnh viện An Sinh TP Hồ Chí Minh

Đặc biệt, trong Phẫu thuật Thẩm mỹ sự hài lòng của Bệnh nhân là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả phẫu thuật. Ngay cả khi nhận định của Bác sĩ và Bệnh nhân không thống nhất thì ý kiến của Bệnh nhân vẫn phải được coi trọng. Vấn đề hài lòng hay không chính là nguyên nhân chính của những khiếu kiện trong phẫu thuật thẩm mỹ. Sự lo lắng của Bệnh nhân trước phẫu thuật là đương nhiên, cần nhận được sự thấu hiểu và thông cảm của nhân viên y tế. Việc họ yêu cầu có được kết quả thẩm mỹ đáng hài lòng sau phẫu thuật là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng và nhân văn. Bởi vì họ đến với Bác sĩ để làm đẹp với khát khao được đẹp hơn và trao gửi cho Bác sĩ tất cả niềm tin và hy vọng. Người Bác sĩ phải đủ khả năng để đánh giá và tiên liệu kết quả ở mức cao nhất, để nếu nhận trách nhiệm làm đẹp thì sẽ làm cho họ được hài lòng. Làm thế nào để một ca Phẫu thuật Thẩm mỹ đảm bảo an toàn cao nhất với kết quả thẩm mỹ hài lòng nhất luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của người Bác sĩ Thẩm mỹ trong suốt sự nghiệp của mình.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

            Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM

            Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh

            Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT