Tự hào truyền thống từ ngàn xưa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tự hào truyền thống từ ngàn xưa - 1

 

 

Tỉnh Bắc Giang nằm gần như ở giữa con đường Bắc Nam từ Lạng Sơn về Hà Nội. Có lẽ với vị trí xung yếu đó mà từ xa xưa Bắc Giang như là yết hầu của con đường thiên lý Bắc Nam. Vùng đất địa linh này đã sinh ra nhiều bậc hào kiệt, kỳ tài, làm rạng danh cho non sông đất nước.

 

 

Vùng đất anh hùng và văn vật

Có thể thấy từ thời các Vua Hùng đã có Thạch Tướng Quân trăm trận trăm thắng, oai linh trên mình voi mỗi khi ra trận. Đức Thánh Hùng Linh Công danh tướng của Vua Hùng Vương thứ 6, giỏi binh đao và có tài cấy trồng, ông là ông tổ của nhiều nghề, săn bắt, đánh đuổi thú dữ... Công chúa Quế Mỵ Nương con Vua Hùng thứ 16, có công mở suối cùng dân chống hạn, dạy dân làm ruộng, chăm chỉ cấy cầy, được nhân dân suy tôn là Thánh mẫu thượng ngàn... Vào những năm cuối thế kỷ 18, phong trào Cần Vương thì Bắc Giang có anh hùng Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài nhất trong lịch sử chống Pháp của dân tộc tới 30 năm trước khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo. Các danh nhân như Thân Nhân Trung, Cô Giang, Cô Bắc..., đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Tháng 8/1945, Bắc Giang đã cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Bác Hồ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cả dân tộc chào đón ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945.

Tự hào truyền thống từ ngàn xưa - 2

Tượng đài anh hùng Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Bắc Giang có những địa danh nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam như Xuân Biều, Hoàng Vân, Hoàng An cùng rất nhiều làng đỏ của 16 xã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu II Hiệp Hòa (ATKII). Trong kháng chiến chống Pháp cũng như chống đế quốc Mỹ và bành trướng, Bắc Giang luôn khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của mình trong sự nghiệp cách mạng và gìn giữ đất nước. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm và trách nhiệm cao cả với đất nước, hàng vạn người con ưu tú của Bắc Giang đã lên đường giết giặc, có nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã trở thành anh hùng, trở thành tướng lĩnh, cầm quân bảo vệ Tổ quốc. Hậu phương vững chắc cùng hiệu lệnh “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hậu phương thi đua với tiền tuyến quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những năm tháng mà Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang đã lao động hết mình, đóng góp sức người, của cải vật chất cho tiền tuyến với một nguyện vọng duy nhất cho nước nhà độc lập để cả nước cùng tiến lên CNXH với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh....

Bắc Giang Anh hùng và Văn vật, dù ai đi đâu, đến đâu đều nghe danh tửu Làng Vân, vải thiều Lục Ngạn, cam sành Bố Hạ, bánh đa Kế, mỳ Chũ..., là những đặc sản ngon quý của quê hương Bắc Giang. Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ lừng danh viết ca ngợi đất nước, con người, quê hương Bắc Giang ấn tượng ăn sâu vào tâm thức người Việt nhiều thế hệ qua. Bắc Giang còn tự hào là vùng đất đã có di sản thế giới và những di tích hào hùng, bằng chứng về tinh thần quật cường của dân tộc trong chống giặc ngoại xâm.

Trên đường hội nhập và phát triển

Phát huy truyền thống kiên cường trên vùng quê văn hóa, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang hôm nay đang từng ngày, từng giờ ra sức lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một đàng hoàng to đẹp hơn theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu và để xứng đáng với truyền thống hào hùng của một vùng quê địa linh nhân kiệt.

Với thế mạnh về trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc, đậu tương, vừng, thuốc lá,... hằng năm cung cấp khoảng 11 ngàn tấn lạc vỏ, trên 7 ngàn tấn đậu tương và gần 1 ngàn tấn thuốc lá nguyên liệu đủ điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến phát triển. Cùng với đó, Bắc Giang có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp với 64 ngàn ha rừng tự nhiên, 46 ngàn ha rừng trồng với trữ lượng gỗ rừng đạt 2,2 - 2,5 triệu m3. Với hai vùng sinh thái tương đối rõ rệt là trung du và miền núi, phù hợp cho nông - lâm - nghiệp phát triển. Ngoài diện tích trồng cây lương thực với sản lượng hàng năm 550 ngàn tấn, Bắc Giang còn là tỉnh có kinh tế trang trại phát triển mạnh, hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc gồm: vải thiều, dứa, nhãn, hồng, na diện tích đạt 3,5 vạn ha, sản lượng các loại quả mỗi năm đạt khoảng 5 vạn tấn, doanh thu hằng năm khoảng 200 tỷ đồng. Ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 33% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.v.v...

Tự hào truyền thống từ ngàn xưa - 3

Cổng Làng Thổ Hà - Quê hương của những điệu quan họ cổ

Bắc Giang rất có lợi thế về du lịch như đã nêu ở trên, tuy nhiên sự phát triển khiêm tốn của lĩnh vực này, đòi hỏi phải được quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp các ngành và sự đầu tư thỏa đáng để phát huy tiềm năng thế mạnh của một vùng du lịch sẵn có như Bắc Giang, cũng như phải có sự liên kết mạnh mẽ giữa Bắc Giang với các tỉnh Đông Bắc và Hà Nội, Hải Phòng để tạo nên sức hút không chỉ với du khách mà ngay cả với việc đầu tư các lĩnh vực khác. Với tinh thần tự lực tự cường, cùng với thế mạnh về nông nghiệp, Bắc Giang đang từng bước nâng cao năng lực sản xuất của khu công nghiệp Đình Trám có tổng diện tích 101ha bên đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Những năm qua, công nghiệp Bắc Giang đã từng bước khằng định, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng cao so với cùng kỳ 2011, đến hết tháng 6/2012, đã có 91 doanh nghiệp xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị, máy móc và đi vào sản xuất, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 11.380 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ 2011. Kim ngạch xuất khẩu đạt 300,6 triệu USD, tăng 131,2% so với cùng kỳ 2011. Tính chung từ trước đến nay, toàn tỉnh có 688 dự án, trong đó có 584 dự án đầu tư trong nước và 104 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký là 32.122 tỷ đồng và 1.812,5 triệu USD. Vốn thực hiện ước đạt 13.750,5 tỷ đồng và 447,5 triệu USD. Nhiều công trình phúc lợi công cộng và dân sinh đã được mọc lên cùng với tốc độ phát triển nhanh mạnh trên vùng quê Kinh Bắc, làm cho diện mạo toàn tỉnh Bắc Giang ngày một đàng hoàng to đẹp và sinh động hơn.

Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V là dịp để bè bạn bốn phương về với Bắc Giang trong ấm áp dịu dàng của những làn điệu quan họ cổ, như mời gọi, níu kéo khách hãy đến với Bắc Giang ân tình và đôn hậu để được tiếp thêm sinh khí từ ngàn xưa, để cùng với người Bắc Giang xây dựng một miền quê quan họ giàu truyền thống, đàng hoàng to đẹp hơn đúng với ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời. Chào quê hương Bắc Giang, chào Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V, bạn bè bốn phương đang chờ đón một Bắc Giang hiện đại và đổi mới của vùng địa linh nhân kiệt này.

Anh Chi, ảnh trong bài: Tuấn Anh

(Báo Du lịch Việt Nam, số 39, từ ngày 4/10-10/10/2012)

Bắc Giang vùng đất thiêng là nơi hội thụ bản sắc văn hóa của 26 dân tộc anh em đoàn kết sinh sống nhiều đời nay. Ở Bắc Giang có 500 lễ hội lớn nhỏ, hàng trăm di tích nổi tiếng... Điển hình nhất là dòng dân ca quan họ cổ. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại, làm đẹp thêm đời sống xã hội hiện đại. Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo Phật pháp thiền phái Trúc Lâm, vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới tại châu Á – Thái Bình Dương. Di tích quốc gia đặc biệt Yên Thế, An toàn khu II Hiệp Hòa, Chùa Bổ Đà (Việt Yên) mang đậm nét cổ kính gắn với Phật giáo Ấn Độ. Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được vinh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc”. Các nhà khảo cổ học còn phát hiện trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống ở đây...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT