Tôi có ấn tượng rất tốt với các địa điểm du lịch tại thành phố Bath của Anh. Ấn tượng không phải về bản thân địa điểm tham quan mà là về cách họ sắp xếp vận hành một địa điểm du lịch. Hôm đó tôi đến thăm một hồ nước lịch sử lâu đời ở Bath, khi đến cửa, tôi đưa vé điện tử đã mua trước đó cả tháng, nhân viên vui vẻ đưa cho tôi một chiếc máy nhỏ như máy ghi âm cùng một cái tai nghe và một tờ hướng dẫn sử dụng được viết bằng nhiều thứ tiếng thông dụng.
Trên màn hình chiếc máy hiện ra một dãy dài các số đếm từ 1 đến cả trăm, khi đi tham quan đến phần nào của hồ nước, ở đó có biển treo những con số thứ tự, mình muốn biết thêm thông tin về các vị trí đó có thể bấm vào số tương ứng, chiếc máy nhỏ đó sẽ phát ra những thông tin, câu chuyện có liên quan đến phần vị trí có đánh số. Chiếc máy được trang bị khoảng hơn 20 thứ ngôn ngữ. Khi đã bước vào trong khu tham quan, tôi không hề thấy bóng dáng bất kỳ nhân viên nào của khu tham quan nữa.
Một lần khác, tôi đến Nhật và miễn cưỡng đi thăm bảo tàng về động vật cùng một người bạn. Trong tâm trí tôi, bảo tàng là nơi nhàm chán, cũ kỹ, không màu sắc cũng chẳng sinh động. Tuy nhiên lần này, ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Ở cửa ra vào, nhân viên đưa cho tôi một chiếc máy có hình dạng như một hòn đá và hướng dẫn là khi đi vào “khu rừng” bên trong, tôi sẽ nhìn thấy các con vật, tôi có thể nhấn vào một phím trên cái máy này để bắt con động vật đó, sau khi bắt được, mọi thông tin về loài động vật đó sẽ hiện lên trên màn hình của máy để chúng ta đọc hiểu thêm về môi trường sống, tập quán, lịch sử của loài động vật này.
Tôi vô cùng háo hức bước vào căn phòng đầu tiên, căn phòng được bao bọc trọn vẹn bởi các màn hình lớn, mô phỏng mặt trời mọc và lặn ở hai bán cầu, sau đó là phần giới thiệu qua về các phần của trái đất bằng hình ảnh và âm thanh sinh động. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi vào bên trong, cũng là các màn hình led, cùng ứng dụng 3D, 4D và bày trí phục dựng những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, biển, các châu lục… cả một hành trình nối nhau “đi khắp thế giới”, những con vật hiện lên trên màn ảnh lớn, sinh động, bằng kích thước thật, âm thanh cũng thay đổi liên tục, làm cho tất cả các giác quan đều thưởng thức một bữa tiệc hình ảnh, âm thanh sống động như thật.
Điểm đặc biệt là họ còn tạo ra hiệu ứng tương tác, nếu chúng ta đến gần con vật, nó sẽ chạy mất nên để bắt được chúng, chúng ta phải thật nhẹ nhàng tiếp cận. Tôi như bị cuốn vào thế giới ấy, nơi tôi dừng lại lâu nhất chính là Nam Phi, tôi chờ mặt trời lên đến mặt trời lặn, cảnh vật xung quanh liên tục thay đổi, các loài động vật khác nhau liên tục xuất hiện, có những con ngựa vằn to lớn, những bầy voi rừng, rắn, các loại bò sát, hươu, nai, sư tử, báo… Cứ như thế, du khách đi qua nhiều hình thái khí hậu, sinh cảnh, môi trường sống tự nhiên của hầu hết các loài vật. Khi hoàn tất tôi mới biết mình đã ở trong “trái đất thu nhỏ” đó hàng giờ đồng hồ.
Lúc bước ra đến căn phòng ngoài, tôi tưởng chuyến thăm quan đã kết thúc, nhưng vẫn chưa, một nhân viên hướng dẫn tôi đặt chiếc máy của mình vào bên dưới một màn hình lớn đang hiển thị toàn bộ trái đất, khi tôi đặt chiếc máy vào, các con vật đã bị tôi bắt lúc nãy lần lượt chạy ra khỏi chiếc máy về đúng nơi cư trú của chúng trên trái đất. Thông điệp của bước này là động vật cần được sống trong đúng môi trường của nó, việc bắt giữ dù dưới hình thức nào cũng đều không được phép. Tôi phải “wow” lên trước trải nghiệm độc đáo đầy nhân văn và mang tính giáo dục này.
Một vài câu chuyện điển hình về việc áp dụng công nghệ vào du lịch trong thời đại ngày nay. Suy cho cùng, ngành du lịch không tạo ra một công nghệ đăc thù nào để ứng dụng riêng cho ngành của mình mà ngành du lịch “được lợi” nhờ ứng dụng các công nghệ từ những ngành khác. Nhìn lại quá trình phát triển, ngành du lịch toàn cầu đã trải qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1950 – 1970: với sự xuất hiện và hỗ trợ của máy tính, các doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng máy tính để truy cập lịch trình, giá tour.
Giai đạn 1990 – 2000: internet ra đời và trở thanh nơi quảng bá và hán hàng mới. Hệ thống đặt chỗ trên website lần đầu xuất hiện.
Giai đoạn 2000 – 2010: Internet được ứng dụng nhiều hơn nữa và trở thành thị trường trực tuyến. Các nền tảng trung gian ra đời mà nổi bật nhất trong giai đoạn này có thể kể đến là Expedia và TripAdvisor.
Giai đoạn 2010 trở về sau: sự ra đời của công nghệ điện toán đám mây, thiết bị đeo, thực tế ảo và tăng cường, GPS kết hợp cùng các nền tảng xã hội như Fackebook, Instagram, tiktok… đã thay đổi toàn bộ phương thức tiếp thị, mua bán sản phẩm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, sự liên kết giữa các nền tảng trung gian và các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn trở nên chặt chẽ hơn.
Ở Việt Nam, Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng số Doanh nghiệp Lữ hành tính đến đầu năm 2023 là hơn 5.200 doanh nghiệp. Trong đó có hơn 3.800 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.500 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Cả nước có hơn 34.000 cơ sở lưu trú du lịch trong đó có hơn 230 khách sạn 5 sao với 73.000 phòng và trên 350 khách sạn 4 sao với 45.000 phòng. Tỉ lệ (%) tăng trưởng hàng năm 12%/ năm. Số lượng lao động tham gia toàn ngành/lĩnh vực: 2.9 triệu việc. Đóng góp 9.2% cho GDP quốc gia.
Ngành du lịch ở Việt Nam đã vận hành theo cách làm truyền thống trong một thời gian dài như: quản lý doanh nghiệp, công việc, nhân sự thủ công. Lưu trữ danh sách tour, lịch trình, sổ sách, hóa đơn, thông tin khách hàng trên giấy; Xây dựng các văn phòng bán tour tại vị trí đắc địa để thu hút khách; Hình thức tiếp thị truyền thống như phát tờ rơi, bán tại cửa hàng; Trong chăm sóc khách hàng thì sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ như điện thoại, email, thư... vẫn chưa tận dụng công nghệ trong hoạt động của mình.
Với sự định hướng và nỗ lực của chính phủ trong việc đề ra chính sách, lộ trình, các cách làm mới đã được áp dụng. Tổng cục du lịch đã tạo ra những kênh truyền thông như Youtube, Zalo, Facebook, nổi bật là website vietnam.travel đã ra đời để quảng bá du lịch Việt Nam. Hơn thế nữa, Tổng cục Du lịch đã phát triển ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn http://safe.tourism.com.vn để hỗ trợ du khách và ứng dụng huongdanvien.vn nhằm quản lý và hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch.
Sự đổi mới thể hiện rõ rệt qua hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, đã triển khai ứng dụng các đổi mới về công nghệ như vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; triển khai Ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch nhằm tái hiện không gian một phần Thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động; Triển khai vận hành Cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố; Cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka); Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về Du lịch với những giải pháp thiết thực, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính; Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ 100% thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 4 tại Sở Du lịch…
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành du lịch còn nhiều trở ngại, nổi bật là chỉ số xếp hạng mức độ sẵn sàng ICT trong du lịch Việt Nam còn thấp, xếp thứ 80/136 quốc gia (năm 2017). Thiếu chính sách đặc thù và văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất quán. Doanh nghiệp gặp trở ngại về nguồn lực (cả tài chính lẫn nhân sự) vì đầu tư công nghệ số cần một nguồn tài chính lớn và nhân sự có chất lượng cao. Thị trường du lịch trực tuyến địa phương còn chậm phát triển và bị “lấn át” bởi những nền tảng có thương hiệu lớn của nước ngoài… cho nên để ngành du lịch theo kịp bước chân chuyển đổi số, cả chính phủ và doanh nghiệp trong ngành đều phải nỗ lực nếu không muốn bị tụt hậu.
Tôi từng xem một video đi du lịch của một người bạn bên Trung Quốc. Khi bước xuống sân bay, chiếc taxi không người lái bạn ấy đặt đã chạy đến, để mở được cửa, bạn ấy nhập dãy số đã hiện lên trên màn hình lúc đặt xe. Sau đó bước lên xe về khách sạn, tiền taxi sẽ được trừ vào ứng dụng khi đến đến nơi. Khi về đến khách sạn, để vào được cửa, phải nhập mã số đặt phòng, cửa tự động mở, tiếp tục đi vào khách sạn, hoàn toàn không có lễ tân, bạn theo hướng dẫn trên xác nhận đặt phòng và đi đến phòng của mình. Trong phòng đã để sẵn 1 chiếc máy tính bảng, khi cần bất kỳ dịch vụ nào của khách sạn, chỉ cần thao tác trên máy tính bảng đó. Khi cần kéo rèm, chỉ cần điều khiển bằng giọng nói, các tấm kính sẽ chuyển qua chế độ rèm. Đèn và các thiết bị điện tử khác cũng đều được điều khiển bằng giọng nói. Một sự hiện đại, tiện nghi choáng ngợp.
Qua đó cho thấy Việt Nam còn cách xa về việc ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch. Để rút ngắn khoảng cách này cần có một chiến lược lâu dài đồng bộ từ chính phủ. Cần ứng dụng ngay các thành tựu công nghệ như: Chatbot, kết nối IoT, Rating & review, thực tế ảo, trợ lý ảo, công nghệ 3D hình ảnh, điện toán đám mây để làm mới từng địa điểm tham quan cũng như trong cách thức vận hành doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, liên kết với cộng đồng để có những sản phẩm du lịch mang thông điệp mới, ứng dụng công nghệ để truyền tải những thông điệp ấn tượng của Việt Nam đến thế giới. Có như vậy mới mong không trở nên lạc hậu giữa thời địa biến đổi nhanh chóng như hiện nay.