Chỉ một vài năm trước, công ty tôi có một đội ngũ hơn 10 nhân sự để lo việc thực hiện các chương trình khuyến mại hàng tuần, hàng tháng của công ty. Ít nhất 03 ngày làm việc trước khi chương trình bắt đầu, công ty phải gửi thông báo/đăng ký (tùy theo hình thức khuyến mại) đến Sở Công Thương tỉnh thành phố nơi thực hiện chương trình khuyến mại. Công ty tôi thường tổ chức khuyến mại trên toàn quốc nên mỗi chương trình khuyến mại, bộ phận tổ chức sẽ in 63 bộ hồ sơ để gửi qua đường bưu điện, nếu có thay đổi, điều chình, gia hạn, sẽ tiếp tục nộp 63 bộ hồ sơ như vậy.
Đối với chương trình khuyến mại hàng tuần thì mỗi tuần sẽ nộp 63 thông báo, mỗi tháng 4 tuần, cứ thế nhân lên. Cả bộ phận cuống cuồng in ấn, bỏ vào bì thư, điền địa chỉ để gửi đi.
Nhưng hiện nay, dịch vụ công trực tuyến đã sẵn sàng, chỉ cần một cú click là tất cả đã có thể nộp tới 63 tỉnh thành một lúc, tiết kiệm được chi phí và nhân lực đáng kế. Chỉ tính trên địa bàn TP.HCM, theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương TP.HCM, khối lượng doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại tại thời điểm tháng 8/2023 là khoảng 3.100 doanh nghiệp với khoảng gần 8.000 chương trình khuyến mãi.
Việc nộp hồ sơ trực tuyến chắc chắn đã giúp rất nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được khối lượng chi phí, thời gian và nhân lực trong việc kinh doanh của mình.
Không chỉ riêng việc nộp hồ sơ chương trình khuyến mại, ngày nay, đã có rất nhiều dịch vụ công được thực hiện trực tuyến như thủ tục đăng ký tạm trú, thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp, xin xác nhận độc thân.
Phải nhìn nhận đó là nỗ lực của chính phủ đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là định hướng của nhà nước nói chung trong việc xây dựng một chính phủ số với bộ máy tinh gọn, phục vụ hiệu quả, phù hợp với xu thế chung của thời đại mới.
Quá trình chuyển đổi số của Singapore bắt đầu với việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu trên hệ thống máy tính từ những năm 1990. Năm 2017, Singapore thành lập Văn phòng Chính phủ số và quốc gia thông minh, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ và thông suốt trong chỉ đạo, vận hành.
Đến năm 2020, Singapore có 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến. Điển hình như ứng dụng “Cuộc sống Singapore” đã nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân. Dịch vụ số này tích hợp hơn 40 dịch vụ tiện ích như đăng ký giấy khai sinh, trợ cấp trẻ em, tìm trường học tối ưu, về việc làm, các khóa học phát triển kỹ năng, thông tin về các chương trình, ưu tiên dành cho người cao tuổi…
Để có được bước tiến này, chính phủ Singapore đã huy động cả hệ thống hành chính của quốc gia vào cuộc, quy tụ các chuyên gia công nghệ hàng đầu và đặt người dân làm trọng tâm, để người dân tham gia hầu hết các khâu làm nên sản phẩm và dịch vụ số với quy trình 05 bước chặt chẽ: khảo sát và lấy ý kiến người dân; thử nghiệm từ việc sử dụng của người dân; đánh giá khiếm khuyết; thiết kế lại; hoàn thiện và thực hiện số hóa dịch vụ.
Ngoài ra, để tất cả mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ số, Singapore đã thực hiện chương tình “Tiến tới số hóa” giúp người cao tuổi biết sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Chính phủ còn triển khai Chương trình “Một kèm một” để trang bị cho người cao tuổi kỹ năng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số. Bên cạnh đó, Singapore còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số: lập 23 bản đồ chuyển đổi số chỉ đường cho 23 ngành gồm cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bao phủ hầu hết các ngành chính, chiếm 80% GDP quốc gia.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh Việt Nam và Singapore, tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và đã có nhiều kế hoạch, chương trình được thực hiện mang lại những thành tựu đáng kể.
Về xây dựng hành lang pháp lý: Giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2023, đã có: 02 Luật của Quốc hội, 14 Nghị định của Chính phủ, 02 Chỉ thị, 02 Công điện, 07 Nghị quyết, 25 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ được ban hành phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).
Về hạ tầng số: Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển và đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc. Số bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%.
Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 87,79 Mbps. Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia ở khu vực Đông Nam Á.
Về việc triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia:
CSDL quốc gia về dân cư: Lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương;
CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Kết nối với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 92,58%.
CSDL quốc gia về bảo hiểm: Kết nối, chia sẻ dữ liệu với 09 bộ, ngành và một số kết nối, chia sẻ dữ liệu có phạm vi quốc gia; quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; khoảng 17,1 triệu người tham gia BHXH;
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 50 nghìn người dùng,.
CSDL đất đai quốc gia: Tại Trung ương đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: (1) CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; (2) CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (3) CSDL về giá đất; (4) CSDL về điều tra, đánh giá đất đai. Tại địa phương: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai DVCTT theo quy của pháp luật hiện hành.
Tính đến tháng 12/2023, có 49/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 38,5%.
Bên cạnh những thành tựu trên, vẫn còn những phần cần được cải thiện như việc xây dựng môi trường pháp lý cần nhanh chóng và hoàn thiện kịp thời để phục vụ nhu cầu xã hội mới phát sinh. Giải quyết các vấn đề tồn động trong việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư.
Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê của Kaspersky, ước tính có tới 35% người dùng internet ở Việt Nam có khả năng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, cao thứ 6 trên thế giới.
Chính vì thế để quá trình chuyển đổi số của chính phủ ngày càng hiệu quả và hoàn thiện, việc chuyển đổi nhận thức phải được trú trọng. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu nhận thức về chuyển đổi số được đúng đắn và thực hiện nhất quán. Trong đó chính phủ sẽ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, quản lý, tạo điều kiện.
Ngoài ra việc phát triển đồng bộ hạ tầng số cũng là nền tảng quan trọng cho sự thành công của kế hoạch này. Cuối cùng là xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đó sẽ là cả quá trình nhưng với quyết tâm thực hiện, chính phủ và người dân Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích to lớn do kế hoạch này mang lại.