Phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vừa qua, Tỉnh uỷ Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. 

Phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 - 1

Trên cơ sở các quan đểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao; phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội… du lịch Bình Thuận hướng đến mục tiêu đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, đóng góp 10% GRDP, thu hút 7 triệu lượt khách (khoảng 850.000 khách quốc tế), tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12 – 14%/năm, khách nội địa từ 10 – 12%/năm; Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, Mũi Né là khu du lịch quốc gia, từng bước xây dựng Phú Quý là điểm du lịch quốc gia; xây dựng thành phố Phan Thiết thành đô thị du lịch.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng, như tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh, thân thiện của người dân và du khách trong hoạt động du lịch. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch ở các vùng, địa bàn toàn tỉnh, xúc tiến xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né, điểm du lịch quốc gia Phú Quý, đô thị du lịch Phan Thiết và thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm, các điểm du lịch tiềm năng, nâng cấp các trục giao thông chính nối các khu du lịch, các trục đường ven biển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình như đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55 và 55B. Bên cạnh việc thực hiện tốt liên kết vùng để phát triển sản phẩm, kết nối các điểm du lịch, hình thành các tour tuyến tham quan du lịch giữa các vùng, miền, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, trọng tâm là liên kết phát triển sản phẩm “Chợ Sài Gòn – Hoa Đà Lạt – Biển Mũi Né”, cần phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của du lịch Bình Thuận như các loại hình du lịch thể thao biển, đánh golf, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hoá – lễ hội, du lịch tâm linh, spa kết hợp tắm bùn, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái tự nhiên gắn với khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, du lịch suối khoáng, du lịch MICE, hội nghị, du lịch kết hợp vui chơi, giải trí cao cấp và mua sắm…

Phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 - 2

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến cũng là một giải pháp quan trọng. Cùng với hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước là việc chú trọng giới thiệu hình ảnh du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các trạm thông tin hỗ trợ du khách ở các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, phát huy tốt biểu tượng logo Du lịch Bình Thuận. Không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư du lịch, giải pháp mang tính quyết định, còn phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường quản lý về môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Đi với giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải thực hiện tốt kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các trường học, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.

Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, hy vọng với sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân Phan Thiết - Bình Thuận, ngành du lịch sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới, đảm bảo thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, xây Mũi Né thành khu du lịch quốc gia, đảo Phú Quý thành điểm du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết thành đô thị du lịch quốc gia và Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia vào năm 2020.   

Nguyên Vũ

      

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT