PHẢI LÒNG CHÚ CÁ KÈO NƯỚC LỢ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cá kèo là một món ăn mang đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Con cá kèo gắn liền với từng bữa cơm bình dị của người dân, gắn liền với cả những kỷ niệm quê nhà trong lòng người tha hương viễn xứ...    

Người Nam Bộ ăn cá kèo, ngủ cũng cá kèo!

          Vốn người Nam Bộ, nhất là dân vùng miệt vườn, sông nước, ăn uống đều dựa vào tự nhiên. Từ mộc mạc thô sơ đến cầu kỳ tinh tế, món ăn nào thì nguyên liệu cũng không rời xa ngọn rau, con cá. Đi từ đời thực vào ca dao dân ca, rồi lại đi từ ca dao dân ca vào văn hóa ẩm thực, ai cũng dễ nhận ra người dân vùng đất phương Nam đối với con cá, con tôm, có một tình cảm gắn bó không thể diễn tả bằng lời. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà cá kèo trở thành món ăn yêu thích của người dân Nam Bộ.

PHẢI LÒNG CHÚ CÁ KÈO NƯỚC LỢ - 2

          Cá kèo còn có tên gọi khác là cá bống kèo, một loại cá nước lợ sống trong các ao, mương, kênh, rạch, cửa sông ở các tỉnh giáp ranh với biển, như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau… Thân cá tròn lại thuôn dài, đầu cá hơi bẹp, là loài sống theo đàn và rất khỏe, sinh sản tự nhiên tại các bãi bồi ven biển. Cá kèo theo chân những thương lái đến từng chợ lớn nhỏ, và được xếp vào hàng các món đặc sản với mức giá khá cao.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, Sài Gòn có phố cá kèo Bà-Sư

          Ở Sài Gòn, nhắc đến cá kèo thì người ta sẽ nhớ ngay đến đường Bà Huyện Thanh Quan và đường Sư Thiện Chiếu ở Quận 3, vốn là hai con đường tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh món cá đặc sản của vùng sông nước này, như Mưa Rừng, Sóc Trăng quán hay Lẩu số 10… Các hàng quán nơi đây có hằng hà sa số cách chế biến, mang lại hương vị mới mẻ cho món ăn dân dã một miền quê.

          Thực khách khi đến với những con đường này liền bị thu hút bởi hương vị đặc trưng của món cá có giá trị dinh dưỡng cao, bởi mùi thơm trong từng xớ thịt và sự phong phú trong cách chế biến, từ chiên, nướng, kho cho đến nấu lẩu đều có. Với những người sành ăn, cá kèo phải được để nguyên con nguyên ruột, không cần làm sạch đi chất nhớt ngoài da... thì mùi vị của cá khi thưởng thức mới được coi là đúng điệu. Thịt cá ngọt và thơm, hòa lẫn vị beo béo của gan, vị đăng đắng của mật, tạo nên món ăn đặc sản miền Nam mà không nơi nào có được.

PHẢI LÒNG CHÚ CÁ KÈO NƯỚC LỢ - 3

Tìm về lẩu cá kèo trong ngày mưa Sài Gòn         

          Cá kèo làm món lẩu bao giờ cũng được để sống nguyên con, bởi vì xương, thịt, ruột, gan và mật cá kèo đều ăn được, chỉ cần chờ cho nước lẩu sôi rồi bỏ cá vào là thưởng thức ngay. Cũng như nhiều món ăn miền Tây, trong món lẩu cá kèo của quán không thể thiếu được các loại rau miền sông nước như rau nhút, rau đắng, kèo nèo, rau muống cọng, bắp chuối bào, giá sống…

PHẢI LÒNG CHÚ CÁ KÈO NƯỚC LỢ - 4

Ăn kèm với lẩu là chén nước mắm cay đậm đà để chấm cá, kết hợp thêm vị chua thanh đặc trưng từ lá giang nấu kèm trong nồi lẩu, người ăn sẽ được thưởng thức trọn vẹn hương vị ngọt, bùi, đắng, cay...

Sài Gòn bước sang tháng Sáu, tháng của những cơn mưa rả rích từ chiều này đến sáng nọ. Ấy vậy mà vẫn có nhiều thực khách, vì lỡ trót mê cái mùi vị thanh đạm của món lẩu cá kèo tại quán mà bất kể trời mưa dai thế nào cũng phải ghé đến ăn một bữa cho thật hả hê.

PHẢI LÒNG CHÚ CÁ KÈO NƯỚC LỢ - 5

Quán nhỏ giữa lòng Sài thành vẫn cứ thế đon đả tiếng chào mời gọi món. Những người thực khách phương xa cũng buông thả lòng mình, an nhiên tận hưởng nồi lẩu nóng, phút chốc nhìn mưa Sài Gòn mà trầm tư ngẫm nghĩ. Có một Sài Gòn bình dị như thế trong mưa…

Hoa Cúc - Thu Thảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT