Nusa Tenggara, vùng đất của rồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nusa Tenggara, vùng đất của rồng - 1Cách đảo Bali về phía Đông chừng 35km, Nusa tenggara của  “Đất nước vạn đảo” Indonesia vẫn là một bí ẩn đối với du khách. Nơi đây vẫn còn lưu giữ dấu vết chiến trường xưa của những chiến trận khói bay mù mịt, của những tiếng reo hò rên vang khắp cả một vùng trời qua lễ hội đánh trận giả Pasola. Đặc biệt, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn hậu duệ của loài khủng long: Rồng Komodo

Hòn đảo của những trận chiến giả

Pasola là trò chơi chiến đấu mang tính cộng đồng được tổ chức mỗi năm một lần chào mừng mùa gặt mới (giữa tháng 2 và tháng 3 hàng năm - ứng với tháng chay wula podu trong phong tục địa phương). Lễ hội Pasola là cuộc đấu phóng lao trên lưng ngựa của cánh nam giới. Các chiến binh phải là những tay cưỡi ngựa điêu luyện và có tài phóng lao cừ khôi. Thường hai làng kế cận họp lại tổ chức thành 2 đội chơi lên đến hàng trăm chiến binh mỗi bên. Khi chơi, họ phi ngựa, tay cầm những chiếc lao bằng gỗ (lao cùn để không gây sát thương), mắt lúc nào cũng phải quan sát kỹ để những chiếc lao của họ phóng đi trúng vào đối phương, đồng thời phải tránh lao của người khác. Theo luật chơi, họ không được phóng lao vào những người đã ngã ngựa, người đi dưới bãi cỏ, và đặc biệt nếu bị phóng trúng vào người thì không được nuôi chí trả thù. Lễ hội thường kéo dài hàng giờ do các tay chơi đều thiện nghệ, chỉ kết thúc khi những chiếc lao được phóng đi trúng đích. Bên nào có số người bị lao phóng trúng vào người nhiều hơn sẽ thua cuộc. Thời trước, người ta phóng lao thật, và lễ hội chỉ thực sự kết thúc khi có một ai đó đã đổ máu. Khi ấy, người Sumba tin rằng máu của chiến binh rơi trong lễ hội Pasola là những giọt máu thiêng, được tin là có chức năng giúp tạo nên sự phồn sinh của đất mẹ.

Nusa Tenggara, vùng đất của rồng - 2

Pasola xuất phát từ sola hoặc hola có nghĩa là chiếc lao gỗ. Theo niềm tin Sumba, việc các chiến binh trong lễ hội phóng lao vào nhau thể hiện sự tôn kính đối với Đấng Marapu – tổ tiên người Sumba cư trú trên thượng giới.

Vùng đất của rồng

Công viên Quốc gia Marine Komodo ở Tây Flores là một kỳ quan thiên nhiên vẫn còn nguyên sơ. Dân cư thưa thớt của hòn đảo sống tập trung tại những ngôi làng nhỏ dọc theo bờ biển. Cư dân nổi tiếng nhất được bảo vệ tại Công viên Quốc gia Komodo chính là loài rồng Komodo (varanus komodensis) hay thằn lằn khổng lồ. Varanus komodesis được xem là loài rồng phương Đông và chiều dài có thể đạt đến 3m, nặng 150kg. Những hậu duệ này của loài khủng long có thể đẻ đến 30 trứng.

Nusa Tenggara, vùng đất của rồng - 3

Công viên quốc gia Marine Komodo được lập năm 1980 với mục đích ban đầu là bảo vệ loài thằn lằn khổng lồ: rồng Komodo. Sau đó, Công viên được mở rộng mục đích bảo tồn hệ động thực vật nói chung, kể cả các loài sinh vật vùng biển. Các đảo của Công viên có nguồn gốc núi lửa. Năm 1991, Công viên quốc gia Marine Komodo được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Thông thường, vùng nước xung quanh Komodo rất êm đềm nhưng thỉnh thoảng có thể có những tàu bè bị trôi dạt do mô hình dòng nước ở đây rất phức tạp. Vùng biển xung quanh hòn đảo Komodo giới hạn từ vùng nước ấm áp của Thái Bình Dương ở phía Bắc đến vùng nước mát mẻ hơn của Ấn Độ Dương ở phía Nam, tạo thành môi trường lý tưởng phong phú cho sự sống dưới biển. Tại những vùng nước bao quanh hòn đảo, ở những dải đá ngầm tuyệt đẹp còn nguyên vẹn rặng san hô và các loài cá biển, rùa, động vật biển có vú.

Diệu Yên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT