Nhà báo Huỳnh Liễu – Đài PTTH BR-VT: Giải bài toán xử lý nước thải tại các cơ sở du lịch ven biển

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hiện nay,  TP.Vũng Tàu đã chính thức được nâng lên đô thị loại I. Đây là một cơ hội để Vũng Tàu vươn lên sánh ngang với các đo thị lớn trong khu vực. Một vấn đề đặt ra cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn này là xây dựng một thành phố “xanh, sạch”, và một trong những nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ môi trường biển. Trong phạm vi tham luận này chúng tôi chỉ đề cập đến việc xử lý nước thải tại các cơ sở du lịch ven biển của TP.Vũng Tàu

Nhà báo Huỳnh Liễu – Đài PTTH BR-VT: Giải bài toán xử lý nước thải tại các cơ sở du lịch ven biển - 1

Như chúng ta đã biết, sự phát triển của Ngành Du lịch biển phụ thuộc rất lớn vào công tác bảo vệ môi trường. Nếu các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển không đầu tư thỏa đáng cho khâu xử lý nước thải thì không chỉ gây ô nhiễm môi trường ven biển mà còn làm hỏng bãi tắm. Và một khi đã hỏng bãi tắm thì sẽ không còn du lịch biển. Thực tế này đã được chứng minh ở một số nơi trên thế giới, nhiều bãi biển đẹp đã bị đóng cửa như: Bãi biển Odaiba (Nhật Bản); Bãi biển Doheny (Mỹ); Bãi biển Repulse (Hồng Koong); Bãi biển Semenyak (Indonesia); Bãi biển Chowpatty (Ấn Độ)… Tại Việt Nam, trước đây một trong những bãi biển sạch đẹp, an toàn nhất là bãi biển Mỹ Khê – Sao Biển của Đà Nẵng. Với bãi cát trắng phau, sạch tinh khôi, hàng ngày có tới 5-7 ngàn người đến tắm biển, vào dịp lễ hội, con số này xấp xỉ 10.000 người. Thế nhưng từ năm 2008, nước thải sinh hoạt từ các hộ dân và nhà hàng ven biển đã gây ô  nhiễm bãi biển nghiêm trọng, từ đó, du khách cũng như người dân địa phương đã phải giã từ bãi tắm đẹp và an toàn này.

Tại thành phố biển Vũng Tàu, hàng chục năm qua, các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển lại không mấy chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Thống kê của Hiệp hội du lịch tỉnh BR-VT cho thấy, trong số 10 DN kinh doanh du lịch ven biển ở Bãi Sau, mặc dù đã hoạt động hàng mấy chục năm, nhưng hiện nay mới chỉ 2 cơ sở chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải – một con số quá ít.

Qua tìm hiểu thì được biết có 3 nguyên nhân: thứ nhất là do yếu tố lịch sử để lại; thứ 2, Vũng Tàu chưa có hệ thống thu gom chung; thứ 3 là các DN du lịch khó khăn trong việc tìm công nghệ xử lý. Từ 3 vướng mắc này, chúng tôi xin nêu ra một số giải pháp tháo gỡ như sau:

1. Phân nhóm cơ sở để có lộ trình phù hợp:

Do có yếu tố lịch sử để lại nên cần “phân nhóm” để có lộ trình phù hợp với đặc thù từng nhóm, bởi các điều kiện tuân thủ về quy định bảo vệ môi trường của 2 nhóm này khác nhau rất xa. Theo đó, nhóm 1 sẽ bao gồm các cơ sở mới đầu tư xây dựng sau khi đã có luật bảo bệ môi trường. Nhóm này, thì bắt buộc phải ngay lập tức phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn xả thải, bởi ngay trong thủ tục đầu tư ban đầu thì đã quy định phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án xử lý những tác động bất lợi đến môi trường trong quá trình hoạt động. Như vậy, không có lý do gì lại trì hoãn.

Nhóm thứ 2 là các cơ sở du lịch đã tồn tại từ lâu, khoảng 25 đến 30 năm trở lên, từ trước khi có những quy định chặt chẽ, cũng như các tiêu chí rõ ràng về bảo vệ môi trường đối với hoạt động SXKD. Cơ sở vật chất nhóm này đều đã cũ kỹ, hiện nay đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng lại, do vậy cần cho các cơ sở thuộc diện này một lộ trình và một giải pháp tạm thời. Có thể trước mắt chỉ yêu cầu xây dựng hầm tự hoại và xử lý cục bộ đạt đến 1 tiêu chí nhất định, chứ không nhất thiết phải đạt chuẩn xả thải ngay. Sau khi xử lý cục bộ sẽ đưa vào hệ thống xử lý chung để xử lý lần 2, đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Việc này phải được các bên: cơ quan quản lý nhà nước giám sát về môi trường và các cơ sở kinh doanh du lịch thảo luận, đưa ra những tiêu chí cụ thể, chi tiết và đi đến thống nhất để áp dụng.

2. Cần có hệ thống thu gom, xử lý tập trung cho các cụm cơ sở

Bên cạnh việc phân nhóm cơ sở, nhà nước cũng cần chú trọng quy hoạch, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý tập trung “ngoài hàng rào” cho khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm 2, đồng thời, phải có các điểm đấu nối từ khu tập trung vào từng doanh nghiệp để các doanh  nghiệp đưa nước thải từ cơ  sở mình ra hệ thống xử lý chung, giúp việc đầu tư bên trong hàng rào của các doanh nghiệp không bị lãng phí. Điều này rất quan trọng. Bởi lẽ, khi các doanh nghiệp đầu tư hoàn chỉnh, xử lý cục bộ đạt đến một tiêu chuẩn quy định nhất định mà không có hệ thống xử lý tập trung để đấu nối, thu gom và đưa ra xử lý bước tiếp theo cho đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường, thì doanh nghiệp cũng không biết đưa nguồn nước thải sau xử lý bước 1 đi về đâu? Còn xả ra môi trường thì rõ ràng chưa đạt chuẩn.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý tập trung  “ngoài hàng rào” cho khu vực Bãi Sau TP Vũng Tàu cũng là một cơ sở để cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường giám sát một cách chặt chẽ chất lượng nước thải được xử lý cục bộ tại các doanh nghiệp có đạt tiêu chuẩn đã quy định hay không.

3. Cần một “bà đỡ” có uy tín về chuyên ngành môi trường

Thực tế tại Việt Nam, hoạt động xử lý chất thải, nước thải chỉ được chú trọng những năm gần đây. Trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải rất phức tạp và là vấn đề cũng còn mới mẻ đối với nền khoa học công nghệ trong nước. Bản thân các doanh nghiệp có phát sinh chất thải, nước thải cũng rất mơ hồ về vấn đề này. Trong khi chi phí cho xử lý nước thải lại rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng, và khoản chi phí này lại không sinh lời. Do vậy, nếu không có đơn vị chuyên ngành có uy tín đứng ra tư vấn, giúp các doanh nghiệp tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn thí cũng rất khó mà “bắt” doanh nghiệp bỏ ra tiền tỷ để đầu tư.

Chính vì vậy, Sở Tài nguyên Môi trường với vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường của tỉnh cần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm ra 1-2 đơn vị công nghệ uy tín, đưa các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng khu vực, từng cụm, từng giai đoạn, và tư vấn giúp các doanh nghiệp chọn lựa, sau đó mới tiến hành đầu tư, vận hành.

Cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành môi trường cũng phải chính thức có ý kiến về đơn vị cung cấp công nghệ và giúp DN giám sát được chất lượng tư vấn đầu tư để tránh tình trạng sau này đầu tư mà không đạt. Có nghĩa là cần có sự phối hợp của 3 bên: nhà nước – doanh nghiệp khoa học công nghệ - các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

H.L

Ảnh: Minh Hiếu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT