Ngân vang “Chuông Vàng Vọng cổ”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tối 26-9, vòng Chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông Vàng Vọng cổ lần VIII - 2013  được tổ chức tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM với sự tranh tài của 3 thí sinh. Với chủ đề "Quê hương", đêm Chung kết xếp hạng đã đưa khán giả trở về những miền quê thanh bình, tươi đẹp, nơi bắt nguồn cho những giai điệu mượt mà quyện chặt với âm nhạc ngũ cung.

Xét từ vòng Chung kết thứ hai, 5 thí sinh Nguyễn Thị Luận, Lâm Ngọc Hoa, Nguyễn Minh Hải, Phạm Vũ Thành và Tô Tấn Loan đã nỗ lực hết mình để giành 5 chiếc vé vào vòng Chung kết thứ 3 và họ đã liên tục tạo sự bất ngờ. Bước vào đêm thi Chung kết này họ đã nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy của các bậc tiền bối dày dạn kinh nghiệm trong nghề, những nhận xét phân tích rất chuẩn xác đã mang lại cho họ nhiều bài học kinh nghiệm.

Ngân vang “Chuông Vàng Vọng cổ” - 1

Ba thí sinh tranh tài tại vòng Chung kết xếp hạng: Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Thị Luận và Lâm Ngọc Hoa

NSND, Nhạc sĩ Thanh Hải, nhận xét: “Các thí sinh đã chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng khi đến với cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ lần VIII năm 2013. Họ đã nỗ lực không ngừng để rèn luyện làn hơi, cách sắp câu và cảm xúc khi quyện với tiếng đàn của ban nhạc. Vai trò của dàn nhạc cổ rất quan trọng, đờn chính chữ để dẫn dắt thí sinh đi vào câu Vọng cổ là một cách ngọt ngào. Qua mỗi vòng thi, khán giả đã thấy sự tiến bộ của các thí sinh, họ đã khắc phục được những khuyết điểm đã được Hội đồng nghệ thuật nhận xét qua mỗi vòng chung kết”.

Ngân vang “Chuông Vàng Vọng cổ” - 2

Nguyễn Minh Trường yểm trợ cho thí sinh Lâm Ngọc Hoa với trích đoạn Ánh sáng phù du

Thí sinh Nguyễn Thị Luận thật sự tạo được ấn tượng với làn hơi phong phú, cách biểu cảm da diết để lại nhiều cảm xúc cho người nghe. NSUT Minh Vương, nhận xét: “Nguyễn Thị Luận có giọng ca sáng, làm sang cho bản vọng cổ và cách nhả chữ trong ca của làm cho nhiều người nhớ đến giọng ca của một số cô đào thuộc làn hơi mùi. Tô Tấn Loan thể hiện được bản lĩnh của mình trong các đêm thi, đặc biệt là có nhiều chỗ em biết cách nhấn nhá, ca hơi cấn rất ấn tượng. Phạm Vũ Thành ca chuẩn, chín dây đờn, thể hiện khí phách thích hợp với các vai kép hào hùng. Nguyễn Minh Hải đến từ Hà Nội rất điển trai, là một kép đẹp. Làn hơi khỏe, có nhiều cảm xúc”.

Ngân vang “Chuông Vàng Vọng cổ” - 3

NS Võ Thành Lâm hỗ trợ thí sinh Nguyễn Thị Luận tranh tài với vai Lài trong vở Tiếng hò sông Hậu

Với thí sinh có cách ca luyến láy, trầm ấm và mạnh mẽ, là Lâm Ngọc Hoa, NSUT Phượng Loan, cho rằng, “Hoa có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, vóc dáng sân khấu đẹp, rất sáng cho sân khấu cải lương…Từ những vòng thi trước tôi đã rất ấn tượng với cách ca của cô. Mạnh mẽ nhưng đầy nữ tính. Lần này được sự hỗ trợ của các nghệ sĩ đã từng đoạt các giải thưởng trong các mùa thi Chuông vàng Vọng cổ trước như: Ngọc Đợi, Bùi Trung Đẳng, Võ Thành Phê, Nguyễn Bình Trọng, Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Thanh Nhường…các thí sinh đã tự tin hơn trong cách thể hiện những bài song ca”.

Ngân vang “Chuông Vàng Vọng cổ” - 4

Thí sinh Nguyễn Minh Hải đến từ Thái Bình diễn chung với NS Ngọc Đại

Có thể nói, sau 7 năm diễn ra, cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ đã góp phần phát hiện nhiều giọng ca triển vọng cho sân khấu Cải lương. Điều khá thú vị là, những giọng ca mà cuộc thi phát hiện ra, ngày càng trưởng thành, chứng tỏ được giọng ca của mình với công chúng mộ điệu. Nghệ sĩ Ngọc Đợi (Chuông vàng 2007) đã được kết nạp Đảng, trở thành nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu, Bạc Liêu. NS Huyền Trang sau khi đoạt Chuông vàng Vọng cổ 2012 đã về công tác tại Nhà hát Tây Đô. NS Nguyễn Văn Mẹo (Chuông vàng 2011) và Phùng Ngọc Bảy (Chuông bạc 2011) đã đầu quân về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trở thành nghệ sĩ trụ cột của đoàn 2. NS Cao Thúy Vy về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, NS Võ Minh Lâm liên tục đoạt các giải thưởng: HTV, Mai Vàng, HCV Trần Hữu Trang và hiện nay là kép chính của đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Các nghệ sĩ của giải Chuông vàng Vọng cổ của HTV đã đến với các chiến sĩ Trường Sa, mang lời ca tiếng hát và đặc biệt là câu vọng cổ gửi đến các chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.

 Ở các đêm thi Chung kết  Chuông vàng Vọng cổ lần VIII – 2013, khi các giọng ca Chuông vàng, Chuông bạc của các năm trước như: Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn, Ngọc Đợi, Trần Thị Thu Vân… hỗ trợ các thí sinh năm nay dự thi đã tạo nên một đêm Vọng cổ mà theo NSND Bạch Tuyết, đó là những đêm ca cổ mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

NS Ngọc Đợi tâm sự: “Cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ năm nay khép lại, với các gương mặt đoạt được nhiều thứ hạng đã mở ra cho các bạn bước khởi đầu mới. Về lâu dài, những giọng ca này muốn ngày càng lấp lánh, giọng ca thật sự là chuông vàng ngân mãi những tiếng tơ vàng, thì họ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nhưng bản thân tôi, nhờ chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV mà học thêm được nghề diễn, phát huy thêm được nhiều kinh nghiệm trong ca diễn và thành tựu tôi trân quý nhất là HCV triển vọng Giải Trần Hữu Trang”.

Cuộc thi "Chuông vàng Vọng cổ" lần thứ VIII -2013 do Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Kiến Tường phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Sài Gòn Công thương vẫn nằm trong hành trình kiếm tìm, phát hiện và nuôi dưỡng những giọng ca triển vọng, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Cải lương truyền thống Nam Bộ. Tác giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chuyên môn nói: “Được tổ chức lần đầu năm 2006, đến nay, cuộc thi "Chuông vàng Vọng cổ" đã  là mùa thi thứ 8. Thời gian diễn ra cuộc thi  đúng vào Ngày Sân khấu Việt Nam, ngày giỗ Tổ ngành Sân khấu (12/8/âm lịch), và hiệu quả đạt được chính là để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu Cải lương và đặc biệt yêu thích bài Vọng cổ. Hình ảnh khán phòng những đêm Chung kết xếp hạng chật kín khán giả, sân khấu trang trí đẹp và ánh đèn màu lung linh, tràn ngập lời ca của các thí sinh trên nền âm nhạc truyền thống, đã là một thành tựu đáng mừng khi cùng hướng đến sự chuẩn mực của bài Vọng cổ”.

 TT

"Chuông vàng Vọng cổ" lần thứ VIII – 2013 thu hút  hơn 500 thí sinh dự thi đến từ các vùng miền trong cả nước. Theo Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, các thí sinh được các nghệ sĩ truyền dạy những kiến thức, kĩ thuật về ca diễn để chuẩn bị cho các tiết mục, chất lượng ca ngang tài, ngang sức nên vòng chung kết rất hấp dẫn. Hội đồng Nghệ thuật của Cuộc thi gồm các nghệ sĩ tên tuổi. Hội đồng Giám khảo Báo chí cũng đã chọn ra một thí sinh theo tiêu chuẩn riêng, đó là nỗ lực đi từ vòng đầu cuộc thi cho đến vòng Chung kết xếp hạng với một thái độ vững vàng, có sáng tạo trong cách thể hiện bài Vọng cổ.

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT